Các doanh nhân Việt khởi nghiệp đi lên từ thuở ‘cơ hàn’ như thế nào?
Các doanh nhân, tỷ phú Việt đã có những bước ngoặt khi lựa chọn con đường riêng để thành công ở độ tuổi 20.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng – được sang Nga tiếp tục nghiên cứu
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng được mọi người biết đến trong vai trò Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vingroup. Ông sinh ngày 5/8/1968, quê gốc tại tỉnh Hà Tĩnh.
Năm 1987, sau khi thi đỗ vào trường Đại học Mỏ Địa chất Hà Nội với thành tích Toán học vượt trội, chàng thanh niên Vượng tròn 18 tuổi đã được Chính phủ cử sang nước Nga để tiếp tục nghiên cứu về ngành Địa chất học.
Đây chính là bước ngoặt lớn giúp ông Vượng định hình cho sự thành công trên cương vị Chủ tịch Tập đoàn Vingroup sau này.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ – sinh viên trường Y
Ít ai nghĩ rằng, doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ – người sáng lập thương hiệu cà phê Trung Nguyên từng “suýt” trở thành bác sĩ. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Khánh Hòa, sau đó chuyển tới Đắc Lắc, ông Vũ đã từng phải đi bẻ ngô, chăn lợn kiếm ăn.
Năm 1990, ông thi đỗ vào trường Đại học Y Tây Nguyên. Để có tiền cho con lên thành phố ăn học, mẹ ông đã phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà. Thế nhưng, khi đang học năm thứ ba, Đặng Lê Nguyên Vũ quyết định bỏ học khi chợt nhận ra mình không muốn trở thành một bác sĩ. Mẹ ông đã khóc gần như hết nước mắt khi ông quyết định dứt áo ra đi.
Lớn lên cùng với những hạt cà phê ngon có tiếng, nhưng những người làm ra hạt cà phê như bố mẹ ông chưa bao giờ hết khổ. Ông đã trăn trở mãi và tìm ra được mấu chốt vấn đề: Muốn giàu thì chỉ có thể đi theo con đường chế biến cà phê.
Bầu Đức – cậu thanh niên trượt đại học
Đại gia Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sinh năm 1962 tại tỉnh Bình Định. Xuất thân từ một gia đình không có điều kiện, bầu Đức rất tháo vát và đã từng làm mọi công việc vất vả.
Năm 1982, khi vừa tròn 20 tuổi, bầu Đức tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm. Ông khăn gói quả mướp vào TP HCM thi đại học nhưng bị trượt. Không nản lòng, bầu Đức tiếp tục vừa làm vừa học, quyết thi đại học, nhưng tới lần thi thứ 4, ông vẫn không đỗ.
Tạm từ bỏ con đường học vấn, năm 22 tuổi, bầu Đức đã chọn khởi nghiệp. Ông chia sẻ: “Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”.
Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên – sinh viên xuất sắc tại Moscow
Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Paris (Pháp) là con gái của một bác sĩ. Cha của bà giống như một người thầy đã dẫn dắt, định hướng cho tương lai của bà.
Năm 17 tuổi, bà được nhà nước cử sang Nga học. Năm 20 tuổi, bà Liên đang là cô sinh viên tại Đại học Chế biến thịt và sữa ở Nga. Tốt nghiệp Đại học năm 1976, bà trở về Việt Nam làm kỹ sư phụ trách khối sản xuất sữa đặc và sữa chua của nhà máy sữa Trường Thọ. Đến sau 30 tuổi, bà Liên mới được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Vinamilk, và sau đó là Tổng giám đốc từ tháng 12/1992 cho đến nay.
Đại gia phố núi Nguyễn Thị Liễu – thợ may lành nghề ở quê
Bà Bà Nguyễn Thị Liễu sinh năm 1969, bố mẹ đều là Việt kiều, bố gốc Lào, còn mẹ gốc Thái. Gia đình nghèo, nên từ bé bà đã mơ ước giúp bố mẹ thoát khỏi cảnh nghèo.
Từ năm 11 tuổi, bà Liễu đã biết tự kiếm tiền. Nửa buổi bà đi học, nửa buổi đi bán hàng, chắt chiu từng đồng gửi mẹ. Năm 16 tuổi, bà vào Sài Gòn học cắt may ở một xưởng may của chú. Năm 17 tuổi, bà Liễu trở về quê, mở cửa hàng cắt may và dạy may. Khi 20 tuổi, bà đã là một thợ may lành nghề, có tiếng ở quê nhà.
Tuy nhiên, với niềm đam mê kinh doanh, năm 25 tuổi bà Liễu bắt đầu sang Lào mua hàng về bán. Nhờ sự nhanh nhạy, lăn lộn trên thương trường, nữ đại gia phố núi kiếm được khối tài sản khổng lồ.
Hoàng Anh