Các cơ chế hợp tác đa phương khẳng định vai trò tất yếu của Việt Nam
Bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có chủ đề “Tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương vì hoà bình và phát triển bền vững”. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh trước những thách thức to lớn hiện nay, các nước cần cùng nhau tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy hoạt động của Liên Hợp Quốc.
Ngày 28/9 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận cấp cao Khóa họp thứ 74 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ), hướng tới chủ đề năm nay mà Đại hội đồng đã chọn là “Thúc đẩy các nỗ lực đa phương để xoá nghèo, thúc đẩy giáo dục chất lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm”.
Khóa họp 74 khai mạc ngày 17/9, trong đó, phiên thảo luận chung cấp cao được tổ chức từ 24 – 29/9.
Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những giải pháp lâu bền cho tranh chấp, xung đột; kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.
Phát biểu trước lãnh đạo và đại diện 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng nhắc lại, trải qua chiến tranh thế giới lần thứ II, các quốc gia đã nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của một hệ thống an ninh tập thể dựa trên hợp tác đa phương và luật pháp quốc tế, lấy đó làm nền tảng cho trật tự thế giới mới hậu chiến tranh. Và thực tế đã chứng minh đây là lựa chọn đúng đắn.
Trong suốt 3/4 thế kỷ qua, các cơ chế hợp tác đa phương, với trung tâm là Liên Hợp Quốc, đã thực sự khẳng định vai trò tất yếu và không thể thiếu của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức gay gắt hơn bao giờ hết. Các tiến trình đa phương ngày càng vấp phải nhiều khó khăn do xu hướng theo đuổi những lợi ích vị kỷ, lựa chọn sự áp đặt thay cho hợp tác, cạnh tranh, đối đầu thay vì đối thoại và phối hợp hành động, chính trị cường quyền thay vì theo đuổi những giá trị chung, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Cam kết chính trị và nguồn lực giảm sút đã ảnh hưởng lớn tới hiệu quả của các nỗ lực đa phương toàn cầu. Trong khi đó, thế giới ngày nay phải đối mặt với nhiều thách thức ở mức độ và tính chất khác hoàn toàn so với cách đây chỉ một vài thập kỷ.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam luôn chủ trương chủ động và tích cực tham gia các thể chế đa phương, góp phần xây dựng trật tự chính trị và kinh tế công bằng, dân chủ, ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, củng cố hòa bình, đẩy mạnh hợp tác cùng có lợi. Việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế và chủ động, tích cực hơn trong các cơ chế đa phương đã giúp Việt Nam “tái định vị”, bổ sung hoặc hình thành những bản sắc quốc gia mới trong mối quan hệ quốc tế.
Phó Thủ tướng nêu rõ, hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trước những thách thức to lớn hiện nay, chúng ta cần cùng nhau tăng cường sức sống của chủ nghĩa đa phương và thúc đẩy hoạt động của Liên Hợp Quốc. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng chia sẻ một số đề xuất về những giải pháp lớn nhằm đạt mục tiêu đó.
Trước hết, cần tái khẳng định vai trò và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc trong việc xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia và tăng cường hợp tác đa phương. Luật pháp quốc tế là nền tảng của quan hệ bình đẳng, công bằng giữa các quốc gia; bởi vậy, các nỗ lực đa phương cần dựa trên và hướng tới đảm bảo sự tôn trọng đối với nền tảng này.
Việt Nam cho rằng tôn trọng luật pháp quốc tế là cách thức hữu hiệu nhằm ngăn ngừa xung đột cũng như tìm kiếm những giải pháp lâu bền cho tranh chấp, xung đột. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực thực hiện các biện pháp hoà bình giải quyết tranh chấp theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, từ thương lượng, hoà giải tới việc sử dụng các cơ chế pháp lý quốc tế.
“Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – “Hiến chương của Biển và Đại dương””, Phó Thủ tướng nêu rõ và khẳng định, kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới. Nhận thức rõ điều đó, các quốc gia liên quan đã có nhiều nỗ lực, đạt được những kết quả tích cực về giải quyết bất đồng, tranh chấp.
Hồng Đinh