Các chuyên gia đề xuất nâng mức hỗ trợ cho lao động mất việc
Đề xuất trên được nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu trong báo cáo gửi Quốc hội tại tọa đàm “Tham vấn chuyên gia về kinh tế – xã hội” diễn ra ngày 27/9.
Tại đây, nhiều chuyên gia nhận định gói hỗ trợ cho lao động gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 mặc dù đã linh hoạt nhưng việc triển khai còn chậm, mức hỗ trợ của các gói đều thấp và không đáp ứng mức sống tối thiểu của người dân.
Chuyên gia cho rằng khoản trợ giúp xã hội cho lao động mất việc làm do dịch Covid-19 còn khiêm tốn so với mức thu nhập bình quân. Vì vậy, Chính phủ cần xem xét nâng mức hỗ trợ này.
Sau 2 tháng mới giải ngân được 32% gói hỗ trợ
Theo nhóm chuyên gia của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, quy định “một đối tượng chỉ hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ” với mức hưởng thấp có thể khiến cho sự phù hợp của mức hưởng giảm đi khi thời gian giãn cách kéo dài và nguy cơ lạm phát do hàng hóa khan hiếm.
Dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới trong năm 2021, các chuyên gia cho biết các khoản trợ giúp xã hội cho lao động mất việc làm và trợ cấp tiền lương còn khiêm tốn so với mức thu nhập của họ.
Cụ thể, mức hỗ trợ cố định một triệu đồng đối với lao động mất việc làm và 1,8 triệu đồng đối với trợ cấp tiền lương chỉ tương ứng 17% và 30% mức thu nhập bình quân hàng tháng ở Việt Nam trong quý II năm 2020.
“Mức hỗ trợ của các gói đều thấp và không đáp ứng mức sống tối thiểu. Quan trọng hơn, phần lớn các chính sách chỉ hỗ trợ một lần, tính linh hoạt và kịp thời chưa cao khi trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp”, báo cáo của nhóm chuyên gia nêu.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng của Chính phủ triển khai từ tháng 7 cho kết quả giải ngân còn khá chậm. Ông Lực dẫn số liệu từ Bộ LĐTB&XH cho thấy tính đến hết tháng 8, tổng số lao động được hỗ trợ là trên 15 triệu lượt người, với tổng số tiền 8.400 tỷ đồng, chỉ chiếm 32% giá trị của gói.
Ngoài ra, 1,2 triệu lao động tự do đã được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 2.180 tỷ đồng, nhưng do các địa phương tự xác định đối tượng và chi trả.
Đề xuất thêm gói hỗ trợ lao động
Theo nhóm chuyên gia từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu “Zero Covid-19” đã chuyển sang “sống chung với Covid-19”, vì thế các chính sách, trong đó có chính sách an sinh cho người lao động và những nhóm yếu thế cần có sự thay đổi.
Nhóm khuyến nghị Chính phủ xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm khi giãn cách xã hội kéo dài.
Chuyên gia cũng cho biết để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp cũng như vẫn đảm bảo quyền an sinh của người lao động, Chính phủ cần cân nhắc giảm mức đóng hơn là tạm dừng hoặc đóng chậm vì việc phục hồi sản xuất cần có thời gian trong khi gánh nặng đóng vẫn như cũ.
Trong khi đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng Chính phủ cần xem xét ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo, với tổng giá trị bổ sung khoảng gần 40.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị các gói hỗ trợ hiện tại có thể còn gia tăng khi được điều chỉnh, gia hạn.
Cụ thể, chuyên gia khuyến nghị mở rộng đối tượng hỗ trợ tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do), mức trợ cấp là một triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng. Ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương trước đó, khoảng 29,3 triệu người sẽ thụ hưởng trực tiếp, chiếm 53,7% lực lượng là lao động tự do.
Để làm được điều này, chính quyền cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khâu đăng ký, thẩm định và chuyển tiền cho dân như cho phép đăng ký qua mạng, tận dụng hệ thống thông tin, dữ liệu hiện có để xác định đối tượng nhanh, trúng và đầy đủ hơn.
Về hình thức chi trả, chuyên gia cho biết nên kết hợp nhiều kênh chuyển tiền cho dân như qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ tiền di động…, ngoài kênh phát tiền trực tiếp như đang làm.
Ngọc Anh