Các ca nhiễm Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai bị lây thế nào?
Với 5 ca nhiễm Covid-19 liên quan Bệnh viện Bạch Mai được phát hiện, nơi này phán đoán ca nhiễm mới có thể lây từ bên ngoài. Song Chủ tịch Hà Nội lại thông tin về kịch bản khác.
Cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội chiều 27/3 có thêm sự tham dự của lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai. Nằm trên địa bàn thành phố, Bệnh viện Bạch Mai hiện được Bộ Y tế coi là một ổ dịch khi đến nay đã có 5 ca nhiễm Covid-19 liên quan đến cơ ở y tế này.
Đi tìm nguồn lây nhiễm
Với 2 ca điều dưỡng của bệnh viện mắc Covid-19, đến nay chưa xác định được nguồn gốc lây nhiễm.
Còn trong 3 ca nhiễm Covid-19 vừa được Bộ Y tế công bố chiều 27/3, 2 ca đang có những nhận định trái chiều từ Bệnh viện Bạch Mai và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Hà Nội về nguồn gốc lây nhiễm.
Đó là bệnh nhân số 161, 88 tuổi, ở Văn Lâm, Hưng Yên – người nằm cùng phòng trong Khoa Thần kinh với bệnh nhân số 133 từ 17-22/3; và bệnh nhân số 162 – 63 tuổi, con dâu và có vào chăm sóc cho bệnh nhân 161.
Báo cáo với Ban chỉ đạo thành phố trước khi Bộ Y tế chính thức công bố các ca bệnh này, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Dương Đức Hùng nhiều lần nói kết quả xét nghiệm của 2 người này “không bình thường”.
Sau khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị nói rõ, ông Hùng mới cho biết 2 bệnh nhân này có kết quả dương tính, nhưng giải thích thêm là “theo quy định chỉ Bộ Y tế mới được công bố dương tính”.
Theo Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, về dịch tễ, khi có thông tin bệnh nhân số 133 ở Lai Châu dương tính với Covid-19 sau khi điều trị từ bệnh viện này về, bệnh viện đã cho xét nghiệm ngay lập tức với hai ca bệnh trên. Trong khi người mẹ 88 tuổi có kết quả dương tính ngay, rất rõ ràng thì người con dâu phải làm đi làm lại mới thấy dương tính, và dương tính “rất yếu ớt”.
“Giả thiết ở đây là lượng virus thấp nên chưa đủ để cho kết quả dương tính nhanh. Việc này có 2 nguyên nhân, một là do mới nhiễm, hai là đã nhiễm trong giai đoạn thoái triều. Chúng tôi cho làm định lượng về kháng thể thì dương tính với kháng thể rất rõ rệt, tức là người này nhiễm đã lâu”, ông Hùng giải thích. Theo ông, ca bệnh này nhiễm ngoài cộng đồng chứ không phải nhiễm trong Bệnh viện Bạch Mai.
Ông cũng phán đoán sơ đồ dịch tễ là người con dâu nhiễm Covid-19 ở ngoài rồi lây cho bà mẹ, sau đó mẹ lại nằm cùng giường với bệnh nhân số 133 ở Lai Châu nên cả 3 người cùng nhiễm virus.
“Đến hiện tại chưa thể khẳng định nhiễm chéo trong bệnh viện”, ông Hùng nói.
Chưa đồng tình với nhận định này, Chủ tịch Hà Nội phân tích bệnh nhân 86 (điều dưỡng của Bệnh viện Bạch Mai) đi từ phía Nam về, lây cho bệnh nhân số 87, như thế là lây nhiễm chéo.
Bệnh nhân 133 đi về Lai Châu sau khi điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai đã dương tính với Covid-19, lại thấy bệnh nhân nằm cùng phòng cũng nhiễm, như vậy cũng là lây nhiễm chéo.
“Các anh bảo người con dâu đem bệnh từ xã hội vào bệnh viện, nhưng tôi thấy rõ ràng trong quá trình vận hành, Bệnh viện Bạch Mai có nhiều khu chung như Khoa Xét nghiệm, Chụp chiếu hành ảnh, bãi giữ xe, và chung cả số sinh viên thực tập tại đây. Đây có phải điểm kết nối không?”, ông Chung đặt vấn đề.
Chủ tịch Hà Nội cho biết ông đã trực tiếp gọi điện cho 2 điều dưỡng của bệnh viện bị nhiễm Covid-19 và được biết 2 người này chỉ gặp nhau vào 2 thời điểm. Hơn nữa, ca bệnh số 86 còn về nhà vào buổi tối và lây nhiễm sang con.
Vì vậy, ông Chung đề nghị làm rõ các thông tin này và thông báo cho thành phố để có biện pháp phòng ngừa.
Hơn 15.000 người từng đến Bạch Mai phải cách ly tại nhà
Theo Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, nhận định nguy cơ trong nơi này cao nên bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm, tầm soát trên 5.000 mẫu của tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà. Dự kiến 2 ngày nữa có kết quả.
Trong thời gian đó, tất cả bệnh nhân không được ra viện, phải chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết đã có ổ dịch tại cộng đồng liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai.
Trung tâm đã rà soát và yêu cầu gần 1.500 người ra viện từ 10 đến 25/3 thực hiện tự cách ly tại nhà để phòng dịch. Ngoài ra, 10 ngày qua có 14.000 người khám ngoại trú ở bệnh viện. CDC Hà Nội đã khuyến cáo các trường hợp này cần tự cách ly ở nhà, có dấu hiệu ho sốt phải báo ngay cho cơ quan y tế.
Theo danh sách Bệnh viện Bạch Mai cung cấp, trên địa bàn thành phố có 1.592 bệnh nhân điều trị ngoại trú và đến điều trị tại đây từ ngày 10/3 đến nay. Thành phố yêu cầu cách ly tại nhà với tất cả trường hợp trên, kể cả đây là người nhà đến trông nom; sinh viên y đang được đào tạo tại bệnh viện, người trông xe, người cung ứng thực phẩm, thuốc và cả tài xế taxi, những người đến dự đám tang trong nhà tang lễ của bệnh viện.
Về công tác chỉ đạo chung, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế nâng công suất để có thể sàng lọc toàn bộ các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, các phương án phòng chống dịch, kể cả huy động cơ sở vật chất của các doanh nghiệp, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng.
Cùng với đó, có phương án chăm sóc tốt hơn với nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, đảm bảo đội ngũ y tế có đủ sức làm việc lâu dài trong mùa dịch; xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế đang làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm.
Chủ tịch thành phố đề nghị xây dựng kịch bản, phương án phòng chống dịch với mức độ cao hơn để chủ động khi có tình huống xấu xảy ra.
“Nếu có sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, chúng ta sẽ làm giảm được lây nhiễm trong cộng đồng, giống như đám cháy nhỏ, có đến đâu dập đến đó, chắc chắn chúng ta sẽ thành công”, ông Chung nói.
Hoài Thu/ZNS