Các bệnh viện đẩy mạnh sàng lọc, phòng ngừa Covid-19
Hệ thống sàng lọc Covid-19 tại các bệnh viện đã được đẩy mạnh khi Việt Nam bắt đầu xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng
GS-TS-BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho hay đã kích hoạt toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh trên địa bàn TP.
Chú trọng khâu phát hiện
Sở Y tế TP HCM đã yêu cầu tất cả bệnh viện công lập, tư nhân triển khai việc đánh giá mức độ an toàn phòng chống dịch theo bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19.
Ghi nhận sáng 29-7 tại Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP HCM, ở tất cả cổng vào đều có nhân viên túc trực để hướng dẫn khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt và dán tem “đã kiểm tra” cho bệnh nhi và thân nhân đến khám bệnh. Ngay cổng BV được chia thành 2 lối đi: một lối vào khu khám bệnh, một lối đi riêng thẳng đến “Phòng khám lọc bệnh cúm – siêu vi – Corona”.
Nếu phát hiện bệnh nhi hoặc thân nhân có thân nhiệt bất thường, triệu chứng hô hấp hay có yếu tố dịch tễ, sẽ được nhân viên y tế ở chốt chặn hướng dẫn đi theo lối riêng để được sàng lọc. BV Thống Nhất (TP HCM) cũng triển khai các quy trình tương tự.
Nhân viên tại chốt chặn ngay bãi giữ xe Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM đang đo thân nhiệt cho một phụ huynh Ảnh: ANH THƯ
Theo BS chuyên khoa II Hồ Văn Hân, Phó Giám đốc BV Nhân Dân Gia Định TP HCM, BV đã ra thông báo yêu cầu người đến khám bệnh mà có biểu hiện sốt/ho/khó thở trong vòng 14 ngày hay sống/trở về/du lịch đến vùng có dịch Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với người nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay để được phát khẩu trang y tế, rửa tay và khám sàng lọc. BV cũng yêu cầu không thăm bệnh; 1 người bệnh chỉ có 1 người nuôi bệnh, trừ những trường hợp đặc biệt sẽ được xem xét riêng. BV Từ Dũ cũng ra quy định hạn chế thăm nuôi tương tự từ ngày 27-7.
TP cũng đề nghị BV dã chiến Củ Chi, BV điều trị Covid-19 Cần Giờ, BV Nhi Đồng TP phải sẵn sàng tiếp nhận người bệnh bị nhiễm Covid-19, đặc biệt là trường hợp bệnh nặng.
Trong chỉ đạo khẩn cho ngành y tế TP HCM, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác; tiếp tục quán triệt thực hiện kiên trì nguyên tắc chống dịch: ngăn chặn – phát hiện – cách ly – khoanh vùng – dập dịch (đặc biệt chú trọng khâu phát hiện); chỉ đạo theo phương châm phù hợp trong tình hình mới là “phòng dịch sớm – phát hiện kịp thời – cách ly triệt để”.
Người dân là người giám sát dịch
BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, cho hay trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát trở lại, mỗi người dân phải là người giám sát dịch. Chủ động theo dõi, chia sẻ thông tin từ các nguồn thông tin chính thống. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh: rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, lau khử khuẩn các bề mặt/vật dụng tiếp xúc, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, giữ nhà cửa thông thoáng. Người đi về từ vùng dịch bắt buộc phải luôn đeo khẩu trang, tự cách ly và thông báo với y tế địa phương. Nếu biết có hàng xóm, người quen đi về từ vùng dịch mà không khai báo, nên chủ động báo cho chính quyền địa phương.
Theo các chuyên gia bệnh truyền nhiễm, chủng virus SARS-CoV-2 mới vừa được phát hiện tại Đà Nẵng có tốc độ lây lan nhanh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên độc lực không thay đổi so với chủng cũ. Virus SARS-CoV-2 có những biến đổi liên tục trong quá trình lan tràn ra toàn thế giới. Hiện tại, virus này có tới 99 chủng đã được biết, trong đó tại Việt Nam đã ghi nhận 6 chủng.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm thần kinh BV Nhi Đồng 1 TP HCM, tư vấn điều người dân cần làm lúc này là phòng ngừa và bình tĩnh, để thích nghi với cuộc sống “bình thường rất mới”. Người dân không nên quá lo lắng về thông tin chủng virus mới lây lan nhanh hơn. Bởi việc dễ lây hơn có thể nằm trong tiến trình virus “thuần” với con người hơn. Ví dụ các loại virus cúm, tay chân miệng… trước đây, khi nó lây nhanh hơn cũng là lúc nó ít gây bệnh nặng. Nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, việc cần hiện nay là khống chế số ca nhiễm đủ thấp cho đến khi có vắc-xin.
“Người mới xét nghiệm cho kết quả âm tính nhưng những ngày sau đó không chịu phòng bệnh thì vẫn có thể mắc và phát tán virus. Người chưa đến nơi có dịch, khỏe mạnh nhưng chưa xét nghiệm cũng có thể đang phát tán virus, vì rất có thể mình đã gặp ai mang bệnh trước đó mà không biết. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay phải luôn nhớ mỗi khi đi ra ngoài là mang khẩu trang, rửa tay, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Tất cả cùng làm đúng thì mới hạn chế lây lan và bệnh sẽ tự tiêu” – BS Khanh cho biết thêm.
Sở Y tế TP HCM đã có yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc tại TP phải nhắc nhở người có triệu chứng viêm hô hấp cấp khi đến mua thuốc, cần đến cơ sở y tế khai báo và kiểm tra sức khỏe.
ANH THƯ – NGUYỄN THẠNH
Nguồn Người Lao Động : http://nld.com.vn/suc-khoe/benh-vien-day-manh-sang-loc-phong-ngua-covid-19-20200729212702279.htm