+
Aa
-
like
comment

Cả xã giàu nhờ trồng rừng, xuất hiện nhiều tỷ phú rừng

22/11/2019 20:48

“Những năm gần đây, thu nhập từ rừng trồng ở địa phương chúng tôi lên cả trăm tỷ đồng. Hiện trong xã, gia đình tỷ phú đã xuất hiện rất nhiều” – ông Phạm Xuân Thủy, Chủ tịch UBND xã Văn Thủy, trao đổi như vậy.

Rừng trồng ở xã Văn Thủy. Ảnh: Tâm Phùng.

Đạt chuẩn nông thôn mới nhờ… rừng

Nếu nhắc đến xã Văn Thủy (Lệ Thủy – Quảng Bình) của cách đây hơn 10 năm thì người ta chỉ nhớ đến một xã nghèo khó ở vùng bán sơn địa và gạo trợ cấp, cứu đói được đưa về đây nhiều hơn. Nhưng bây giờ, Văn Thủy đã thay da đổi thịt.

Người dân Lệ Thủy tích cực trồng mới, chăm sóc rừng tập trung.

Đời sống người dân ngày càng được nâng cao, kinh tế ổn định và phát triển. Từ chỗ bắt tay vào xây dựng NTM chỉ được 2 tiêu chí thì đến nay, địa phương này đã hoàn thành các tiêu chí và đợi quyết định công nhận đạt chuẩn.

Ông Phạm Văn Thủy nói vui: “Văn Thủy đi lên nhờ trồng rừng đó và chúng tôi đạt chuẩn NTM cũng nhờ từ rừng trồng”.

Xã Văn Thủy có chưa đến 1.000 hộ dân những đã có đến trên 2.100 ha rừng trồng. Trung bình mỗi năm bà con “cắt” bán trên 500 ha rừng nguyên liệu. “Nếu trung bình cứ mỗi hecta rừng cho lãi khoảng 60 triệu đồng thì mỗi năm, nguồn lãi của bà con cũng được trên 30 tỷ” – ông Thủy cho hay.

Theo tính toán, đó là phần lãi ròng, còn nguồn thu thì được nhân lên gấp đôi. Bởi khi 1 ha rừng được khai thác thì có mức tổng thu khoảng 120 triệu đồng. Trong đó, chủ rừng chi phí cho công lao động, vận chuyển, giống, chi phí khác khoảng 60 triệu đồng. Có nghĩa là ngoài chủ rừng có thu nhập thì người dân trong xã cũng có thu nhập tương tự từ những cánh rừng xanh ngát ở Văn Thủy.

Cơ cấu rừng gỗ lớn cho thu nhập cao ở Văn Thủ. Ảnh: Tâm Phùng.

Về Văn Thủy thấy đâu cũng “đất vàng”. Chỉ cần khoảng đất ven đường, ven sông trồng được vài chục cây keo là đã có người mang cây đến trồng, không có chỗ nào bỏ sót. Xã hết đất, người dân sang các xã bên cạnh mua hoặc thuê đất trồng rừng. Khác với trước đây, rừng trồng phải mất nhiều thời gian mới khai thác được, người dân Văn Thủy trồng rừng có đầu tư nên chỉ bốn năm là khai thác.

Theo anh Hoàng Văn Năm (người được xã hợp đồng phụ trách rừng trồng), đầu tư cho mỗi ha rừng khoảng 10 triệu đồng, bao gồm tiền mua cây giống, thuê máy xới, phân bón… rồi sau đó mất một ít công tỉa thưa, phát cây cỏ. Ngoảnh đi ngoảnh lại, bốn năm là thu hoạch. Bình quân mỗi ha rừng sau khi trừ chi phí thu khoảng 60 triệu đồng, với chu kỳ bốn năm, vậy là mỗi năm 1 ha rừng cho lãi 15 triệu đồng.

“Quan trọng hơn, nghề rừng không chỉ tạo việc làm cho lao động trong xã, mà còn giúp nông dân ở các xã độc canh cây lúa ở vùng giữa huyện Lệ Thủy có thêm nguồn thu nhập nhờ thu hoạch keo, tràm ở vùng miền tây”.

Thái Thủy với những cánh rừng xanh tốt

Ở Văn Thủy không thu hoạch rừng đồng loạt mà hầu như rải rác trong năm để có tiền chi tiêu cho cuộc sống. Vậy là, lao động làm thuê mướn cũng có việc làm gần như cả năm từ nghề chặt cây. Tính ra, nếu trong gia đình hai vợ chồng đi thu hoạch rừng cũng thu được 600 nghìn đồng mỗi ngày, có khi còn cao hơn do rừng ở khu vực thuận tiện về đường sá giúp cho việc thu hoạch nhanh, năng suất cao.

Xuất hiện nhiều tỷ phú rừng

Bây giờ, xã Văn Thủy không còn đất để mở rộng diện tích rừng trồng mà chỉ còn cách tập trung thâm canh, để rút ngắn thời gian thu hoạch và nâng cao chất lượng gỗ. Trước đây, người dân chủ yếu trồng cây keo tai tượng bằng hạt, cho nên thời gian sinh trưởng dài, nay trồng keo lai giâm hom và giống keo mới từ Đồng Nai đã rút ngắn được khá nhiều thời gian. Sau mỗi lần thu hoạch, người dân thuê máy cày xới đất, rồi bón phân khi trồng. Bén rễ, cây vụt lớn từng ngày.

Vào mùa nắng hạn gió tây, cả xã ngay ngáy lo cháy rừng. Hiện xã đã thành lập đội cơ động để tuần rừng và sẵn sàng phương án cứu rừng khi xảy ra cháy. Xã thu bình quân 100 nghìn đồng ha/năm để chi cho công tác phòng chống cháy rừng.

Khai thác rừng trồng ở Lệ Thủy. Ảnh: Thanh Nga.

Đáng mừng là trong các năm gần đây, công tác này được chú trọng và mỗi hộ dân đều tự ý thức được việc bảo vệ rừng chính là bảo vệ nguồn thu nhập của gia đình, cho nên không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Điều mà lãnh đạo xã trăn trở là các tuyến đường giao thông nhanh xuống cấp một phần do xe vận chuyển gỗ rừng.

“Chúng tôi vận động bà con và các chủ rừng có diện tích lớn đóng góp để tu bỏ hàng năm” – ông Thủy cho hay.

Nói về nghề trồng rừng và làm giàu từ rừng ở Văn Thủy, nhiều người dã trở thành tỷ phú. Có thể kể đến ông Nguyễn Đăng Thanh (thôn Xuân Giang) có trên 150 ha rừng, ông Lê Thế Thái có 100 ha… Riêng những chủ rừng có diện tịch khoảng 40-50 ha thì cũng trên 40 hộ.

Rừng ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) luôn được bảo vệ, chăm sóc, phát triển.

Cũng như hàng trăm gia đình khác, từ năm 1999, ông Nguyễn Đăng Thanh đã nhận đất, khai hoang trồng rừng. Từ những hecta rừng đầu tiên đó, năm 2002, ông thu được một món tiền đủ để trang trải nợ nần và tiếp tục đầu tư trồng rừng. Người dân Văn Thủy thấy ông Thanh “làm chơi, ăn thật” noi theo ông tìm đất trồng rừng. Bây giờ ông Thanh có hơn 150 ha keo lai đang và sắp vào kỳ thu hoạch. Anh Hoàng Văn Năm nói: “Cứ tính đơn giản như vầy, mỗi hecta cho lãi 15 triệu đồng thì mỗi năm gia đình ông Thanh có lãi từ rừng gần 2 tỷ đồng, gia đình ông Thái là 1,5 tỷ. Riêng tốp các hộ có 40-50 ha thì mỗi năm cũng có 600-700 triệu đồng rồi”.

Để tăng thêm nguồn thu từ rừng trồng, Văn Thủy có chủ trương động viên các hộ gia đình có diện tích lớn chú trọng chuyển một số diện tích sang cây gỗ lớn. “Nếu như rừng keo thì sau 4 năm cho lãi khoảng 60 triệu đồng thì rừng gỗ lớn sau 10 năm cho lãi trên 200 triệu đồng” – anh Năm cho hay.

Tâm Phùng – Văn Hùng

Bài mới
Đọc nhiều