+
Aa
-
like
comment

Ca tách song sinh dính liền khó chưa từng có ở Việt Nam

Hồng Anh - 15/07/2020 08:07

“Dù quyết định tách dính mang tính táo bạo nhưng chắc chắn sẽ thật nhân văn”, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết.

Sáng 15/7, gần 100 y bác sĩ bắt đầu tiến hành ca mổ tách rời cho cặp song sinh Trúc Nhi – Diệu Nhi. Các em bị dính liền vùng bụng chậu, tứ chi đầy đủ, 2 cơ quan sinh dục, một hậu môn…

Trả lời báo chí về việc thực hiện ca đại phẫu này, TS.BS Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết: “Dù quyết định tách dính mang tính táo bạo nhưng chắc chắn sẽ thật nhân văn”.

Trúc Nhi – Diệu Nhi được chăm sóc tốt, cơ thể phát triển gần như bình thường.

Trên Facebook, ông tâm sự: “Sinh ra với một hình hài không nguyên vẹn, nương tựa nhau bằng những cơ quan, nội tạng duy nhất cho cả hai cá thể. Trúc Nhi và Diệu Nhi đã gắn bó với bệnh viện từ lúc còn trong bụng mẹ. Lúc đó, các bác sĩ đã mường tượng được sự dính nhau phức tạp của hai con, nhưng ba mẹ đã quyết tâm nuôi dưỡng cho đến ngày chào đời”.

TS.BS Trương Quang Định nhớ lại ngày ấy, bé Diệu nhi yếu ớt, nhưng diệu kỳ, mạnh mẽ vượt qua hành trình đầy sóng gió trong thời kỳ sơ sinh thiếu tháng để bảo toàn sự sống cho cả hai.

“Tâm nguyện của chúng tôi là trả lại cho hai bé một cuộc đời lành lặn như bao trẻ khác. Trải qua bao lần hội chẩn, để ngày hôm nay đi đến quyết định thực hiện công việc này. Một trường hợp hiếm hoi, với thành công không phải là nhiều trong y văn. Xin hãy cầu chúc cho đội ngũ 100 người chúng tôi vượt qua cuộc đọ sức trí tuệ”, TS.BS Trương Quang Định viết.

Ê-kíp phẫu thuật gồm gần 100 y bác sĩ đã sẵn sàng cho cuộc đại phẫu thuật.

Ê-kíp của ca đại phẫu thuật gồm hơn 60 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) phối hợp cùng 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á, Đại học Y dược TP.HCM.

Trước đó, tháng 6/2019, hai bé gái này đã được các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương mổ sinh an toàn. Sau một năm, sức khỏe hai bé ổn định, được ê-kíp bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tiếp tục theo dõi, điều trị và nuôi dưỡng với chế độ đặc biệt, chuẩn bị kỹ cho cuộc mổ tách rời.

Trúc Nhi và Diệu Nhi đã học được cách phối hợp và nhượng bộ đối phương gần như tuyệt đối. 6 tháng tuổi, cặp song sinh đã biết ngồi dậy, bò chồm, học cách thay nhau bước lùi để tập di chuyển.

Sau quá trình chăm sóc điều trị liên tục, các bé đã được 13 tháng tuổi, nặng 15 kg với các chỉ số phát triển gần với những trẻ bình thường. Dự kiến, cuộc đại phẫu sẽ kéo dài trong 12 giờ.

Trước phẫu thuật 2 tuần, các bé đã được dự phòng nhiễm khuẩn kỹ lưỡng, uống Amoxcillin mỗi ngày; bôi mũi bằng Mupirocin 2% ngày hai lần; tắm với Chlorhexidine 2% mỗi ngày 7 ngày trước phẫu thuật. Các xét nghiệm cần thiết được thực hiện chặt chẽ, kết quả tốt.

Hai phòng mổ siêu sạch số 11 và 12 cùng phòng hồi sức được cấy không khí, vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, chiếu tia UV, sẵn sàng cho cuộc mổ.

Dự kiến mỗi em mất khoảng 250-500 ml máu. Bác sĩ đăng ký 16 đơn vị hồng cầu lắng, 12 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh và 12 đơn vị tiểu cầu, dự trù sử dụng cho cả hai bé trong cuộc đại phẫu.

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, chỉ huy và trực tiếp phẫu thuật. 93 thành viên chia thành 11 kíp, phụ trách chuyên biệt các công việc gồm gây mê, dụng cụ, phẫu thuật ngoại tổng quát, chỉnh hình, tạo hình, hồi sức, hồi sức trước mổ, chống nhiễm khuẩn, chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng.

Hai bé đang được gây mê, chuẩn bị cho đường rạch da đầu tiên

Ca phẫu thuật dự kiến kéo dài 8-12 tiếng, chia thành giai đoạn gây mê và ba thì phẫu thuật. Các công đoạn được phân chia tỉ mỉ, nhằm thực hiện chính xác và nhanh chóng, tối ưu hóa thời gian. Tư thế nằm tốt nhất của bệnh nhi trong từng thì được phân tích, đánh giá kỹ, nhằm đảm bảo hai bé an toàn.

Ca phẫu thuật bắt đầu lúc 6h sáng mai, khi bệnh nhân được chuyển vào phòng mổ, nằm sấp đặt thông tiểu, khâu hậu môn, đo vẽ các đường rạch da. 7h30, kíp gây mê tiến hành gây mê nội khí quản, sát trùng phẫu trường, kê tư thế chuẩn cho hai bệnh nhi.

Ở thì thứ nhất, dài 2 tiếng, hai bệnh nhi nằm ngửa. Dựa trên phân bố mạch máu, phẫu thuật viên tiêu hóa tiến hành chọn lọc, tách đường tiêu hóa. Phẫu thuật viên tiết niệu sẽ chọn giữ lại bàng quang và cơ quan sinh dục bên phải mỗi bé, tách rời các bàng quang, các cơ quan sinh dục về hai phía.

Thì hai, dài khoảng 2 tiếng, hai bệnh nhi được xoay nằm nghiêng về bên trái 60%, chuẩn theo Diệu Nhi. Phẫu thuật viên tiêu hóa và niệu phối hợp rạch da đường tầng sinh môn. Việc tách rời hoàn thành. Trúc Nhi sẽ được chuyển sang phòng mổ siêu sạch số 12. Ekip chính chia đôi đội ngũ, tiến hành tái tạo các bộ phận thiếu cho từng em.

Thì ba, dự kiến trong 4 tiếng, và rất phức tạp, là giai đoạn tái tạo, sắp xếp lại xương và các cơ quan vùng bụng cho hai bé. Lúc này, bệnh nhi nằm ngửa. Các phẫu thuật viên chỉnh hình tiến hành tách khung chậu, xoay và khép xương chậu, hai chân đúng hướng, băng thun cố định chân. Bàng quang, tử cung và phần phụ được xoay vào đúng vị trí ở ổ bụng.


Hai chị em song sinh trước giờ vào phòng mổ

Phẫu thuật viên tiếp tục cố định khớp mu, tạo hậu môn tạm, đóng cân cơ thành bụng, khép da hoàn chỉnh và bó bột cố định. Nếu suôn sẻ như kế hoạch, phẫu thuật kết thúc lúc 18 giờ, bệnh nhân được chuyển tới phòng hồi sức.

Hậu phẫu, bệnh nhi được theo lâm sàng, cận lâm sàng sát sao. Các bác sĩ cũng vạch sẵn các biến chứng có thể xảy ra và phương hướng xử lý. Theo y văn, tỷ lệ sống cả hai bé ở các ca tương tự đạt 74%.

Trường hợp dính vùng bụng chậu theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) trong song sinh dính liền như Trúc Nhi và Diệu Nhi cực kỳ hiếm gặp, chỉ 6% số ca dính. Theo ước tính trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1 trên 200.000 trẻ sinh sống.

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều