+
Aa
-
like
comment

“Cà phê đường tàu”: Nên dẹp bỏ hay giữ lại?

10/10/2019 17:02

Pháp luật đã quy định rất rõ, quản lý, bảo vệ sự an toàn cho đường sắt là trách nhiệm của địa phương và ngành đường sắt. Và những chuyện lùm xùm xung quanh “cà phê đường tàu” ở Hà Nội một phần cho thấy đang có sự buông lỏng quản lý của những cơ quan có trách nhiệm liên quan.

Thông tin về một đoàn tàu xuất phát từ ga Hà Nội đi Hải Phòng đã buộc phải dừng khẩn cấp trong thời gian ngắn để khách du lịch và người dân kịp sơ tán, tránh tàu tại “phố đường tàu” Phùng Hưng (Hà Nội) đã và đang nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận những ngày qua. “Cà phê đường tàu” ở Hà Nội đang là xu hướng du lịch trải nghiệm thú vị cho nhiều du khách trong nước và quốc tế

Xu hướng du lịch trải nghiệm mạo hiểm

photo-1-1570345383498436720361
Phố cà phê đường tàu tấp nập bởi sự hiếu kỳ của du khách.

Những năm vừa qua, ngày càng có nhiều khách du lịch đến những điểm đến mới, ít nổi tiếng để khám phá những trải nghiệm mới lạ. Nhiều quốc gia đang rất coi trọng phát triển du lịch mạo hiểm bởi những lợi thế về sinh thái, văn hóa và kinh tế của loại hình du lịch này. Theo bà Yolanda Perdomo, Giám đốc Chương trình Hợp tác của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO Affliate Members Programme) thì du lịch mạo hiểm là một trong những xu hướng du lịch tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

Riêng Việt Nam,  một quốc gia có nhiều lợi thế phát triển du lịch mạo hiểm với địa hình ¾ là đồi núi, có hệ thống sông ngòi dày đặc, nhiều hang động đẹp, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia rộng lớn, bờ biển trải dài từ Bắc tới Nam. Những đỉnh núi hùng vĩ như Mã Pí Lèng (Hà Giang), Lang Biang (Lâm Đồng), Fansipan (Lào Cai), Pia Oắc (Cao Bằng), Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… là những điểm lý tưởng cho các hoạt động leo núi, treckking (đi bộ) xuyên rừng…

Bên cạnh đó, hệ thống hang động như hang Sơn Đoòng, động Phong Nha- Tiên Sơn, động Thiên đường, Tú Làn (Quảng Bình) lại thu hút những người thích khám phá hang động. Bờ biển dài hơn 3.000km thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động đua thuyền, lướt ván, lặn biển…Đặc biệt, một loại hình du lịch mạo hiểm đang thu hút khá đông du khách trong nước và quốc tế  trải nghiệm ở ngay lòng Thủ đô Hà Nội đó là “cà phê đường tàu”. “Cà phê đường tàu” là cách mà nhiều người vẫn gọi vui khi nhắc đến hoạt động của những quán cà phê nằm trong hành lang an toàn đường sắt khu vực các phường Điện Biên, Hàng Bông, Cửa Nam (thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Không chỉ thu hút khách Việt, một số quán “cà phê đường tàu” còn thu hút được nhiều khách du khách nước ngoài. Họ thong dong ngồi nhâm nhi ly cà phê, gọi vài chai bia và trông ngóng ra ngoài như đang chờ điều gì đó.  Dường như đã quen với “tử thần” chỉ cách cửa nhà vài bước chân, nhiều người đang khá chủ quan. Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt đang thực sự đáng báo động.

Trước đó, cơ quan quản lý Quảng Ninh cũng gần như bất lực trước hiện tượng du khách leo qua vách đá để chui hàng rào lên “nóc nhà Hạ Long” chụp ảnh. Dù đưa ra nhiều cảnh báo, áp dụng các biện pháp cấm nhưng vẫn không ngăn cản được trò “tự sướng” của giới trẻ..v..v.Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia thì xu hướng kiểu trải nghiệm mạo hiểm như đi chơi, đi du lịch, trải nghiệm những trò chơi mạo hiểm đắt tiền… là cách thể hiện của giới trẻ nhà giàu. Còn trẻ nông thôn có cách thể hiện của trẻ nông thôn đó là, thích thể hiện số má, muốn chứng minh mình là đàn anh, đàn chị, bất cần đời, nhìn người lớn bằng nửa con mắt.

Nói như ông Nguyễn Anh Sơn – nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII thì đây là cách thể hiện cũng như cách sống đua đòi, hoang dã của giới trẻ hiện nay có phần xuất phát từ lối sống, cách giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

Nên dẹp bỏ hay giữ lại?

Muốn giữ lại “cà phê đường tàu” thì tất thảy mọi người từ cơ quan quản lý đến người bán hàng, du khách cần phải nâng tầm trách nhiệm

Sau vụ việc nói trên, Hà Nội ra công lệnh quyết dẹp bỏ  phố “cà phê đường tàu”. Cụ thể: “Các điểm chụp ảnh, uống cà phê trong lòng đường sắt sẽ được giải tán trước ngày 12/10. Đây là nội dung chính trong văn bản mới nhất của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng khi yêu cầu các quận, huyện có đường sắt chạy qua xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm, đảm bảo an toàn giao thông nói chung và đường sắt nói riêng. Công lệnh của Hà Nội nhanh chóng gây ra cuộc tranh cãi lớn trên mạng xã hội. Luồng ý kiến đòi giữ nguyên tình trạng viện dẫn nếu dẹp phố cà phê đường tàu thì Hà Nội sẽ bị mất đi một địa điểm trải nghiệm cảm giác mạnh. Ý kiến phản đối thì kiên quyết yêu cầu phải dẹp bỏ ngay và luôn vì thượng tôn pháp luật và cũng vì bảo đảm an toàn cho các chuyến tàu cũng như bảo vệ tính mạng của con người.

photo-4-1570345383511809632734
Hàng rong, hàng quán… tất cả đều diễn ra hai bên đường sắt.

Không ai phủ nhận việc kinh doanh cà phê khu đường tàu mang lại việc làm, kinh tế cho người dân. Khi mà mỗi ngày, ước tính trên “xóm đường tàu” có hàng trăm lượt khách đến “ngắm” tàu chạy, tận hưởng cảm giác mạnh mỗi lần tàu vụt qua ở khoảng cách rất gần. Không chỉ thu hút khách Việt, một số quán “cà phê đường tàu” còn thu hút được nhiều khách du khách nước ngoài.  Thậm chí, càng gần giờ tàu đến vào mỗi buổi chiều, khách du lịch đổ về đây càng đông. Hàng trăm người  vẫn tập trung bất chấp tiếng còi rít, bất chấp những cảnh báo đứng tràn ra đường ray ngóng chờ đoàn tàu chạy qua để chộp cho được một bức ảnh độc, ảnh lạ để khoe với bạn bè, để chứng tỏ mình đã chinh phục được một mốc trải nghiệm mới.

Nhiều người, trong đó có những chuyên gia du lịch còn cho rằng đây là nét văn hóa của những người sống xung quanh khu vực đường tàu. Đây chính một điểm đến thú vị, níu chân du khách và những bạn trẻ khi đến Hà Nội. Loại hình kinh doanh này cũng phù hợp với xu hướng mới của giới trẻ là du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa bản địa qua các tụ điểm. Tuy nhiên, do chưa có hành lang an toàn nên việc kinh doanh này tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý các vi phạm nhưng thực trạng này vẫn tồn tại do một bộ phận người dân vẫn thiếu ý thức, “bỏ quên” an toàn tính mạng của mình mỗi khi tàu chạy qua.

Nói cách khác, đây xu hướng thích khám phá, muốn được trải nghiệm những cảm giác mạnh, khác người ngày càng được thể hiện rõ trong giới trẻ. Từ chỗ mạo hiểm, hoang dã tới bất chấp an toàn cho tính mạng của mình và người khác. Nên dưới con mắt các chuyên gia giao thông và người dân thì việc giữ lại “cà phê đường tàu” ở Hà Nội để bảo tồn nét độc đáo là không hợp lý.

Liên quan đến vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho rằng: “Theo các quy định về đường sắt, khoảng cách tối thiểu của hành lang bảo vệ là 3 m. Đây đã là thể chế Nhà nước thì bắt buộc phải theo, phải thực hiện. Đây là pháp luật, an toàn tính mạng của người dân chứ không còn là chuyện văn hóa nữa”.

Điều này cũng có nghĩa, sự việc việc cả đoàn tàu phải dừng lại, đợi chờ để du khách di chuyển, sơ tán là muốn bảo đảm an toàn cho toàn tính mạng của họ cũng như đảm bảo an toàn cho chuyến tàu cũng là điều khó chấp nhận và những người với tư cách là du khách lẫn người bán hàng cũng cần phải xem xét lại.

Bởi vì, du khách chỉ muốn thể hiện cái tôi, muốn được thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ, thích trải nghiệm cảm giác mạnh mà bất chấp cả mạng sống, coi thường sự an toàn của người khác. Còn người bán hàng, dịch vụ thì vì lợi ích người dân bất chấp pháp luật, bán hàng ngay trong hành lang bảo vệ an toàn của đường sắt.
Giờ có nói gì, phê phán gì đi nữa thì những tụ điểm này xuất hiện do lỗi quy hoạch từ xưa khi để người dân xây nhà tạm ngay sát đường tàu. Vì vậy, việc dẹp bỏ loại hình này là rất khó khi mà người dân đã bám trụ ở đây từ lâu và việc kinh doanh cà phê trở thành nguồn thu nhập chính của họ.

Chính vì vậy, thay vì dẹp bỏ, nên chăng, cơ quan quản lý cũng cần nhìn nhận lại trách nhiệm của mình. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý với những quy định cụ thể hơn, quyết liệt hơn, như thế vừa đảm bảo an toàn cho người dân-du khách, vừa giữ gìn được nét văn hóa độc đáo cho du lịch Thủ đô.

Sông Trà

Bài mới
Đọc nhiều