Cả nước vào ‘cuộc chiến’ mới ngăn Covid-19
“Bí thư, chủ tịch các địa phương phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc, người dân phải cảnh giác thực hiện tốt các biện pháp đã được phổ biến”, Thủ tướng chỉ đạo.
“Vừa mới mấy ngày trước tôi còn đón du khách tấp nập kéo đến. Hôm nay khách lại ùn ùn kéo đi. Mai là nghỉ hẳn”, tài xế taxi Hồ Văn Đăng (53 tuổi) nói, giọng nhỏ dần.
16 năm lái taxi, ông Đăng chưa từng thấy cảnh tượng vắng vẻ như những ngày qua của Đà Nẵng. Thành phố từng được Tạp chí Live and Invest Overseas bình chọn là một trong 10 nơi đáng sống nhất thế giới trở nên im lìm, buồn bã.
Không còn là chuyện riêng của Đà Nẵng hay Quảng Ngãi, Quảng Nam. TP.HCM, Hà Nội và Đắk Lắk cũng đều đã ghi nhận ca nhiễm Covid-19. Cả nước đang thật sự cùng bước vào “cuộc chiến” trước làn sóng Covid-19 mới.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ thái độ quyết liệt, đề nghị các cấp, các ngành “đừng chủ quan”.
“Các địa phương cần nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm trước nhân dân, không được chủ quan, không được để vỡ trận”, Thủ tướng lưu ý.
Khẩn trương, không lơ là
Trước cổng Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng (Đà Nẵng), ông Trần Ngọc Toại (60 tuổi) đeo khẩu trang kín mít, đứng chờ dưới cái nắng gay gắt để gửi thuốc vào cho vợ ông đang bị cách ly bên trong.
Đây là ngày thứ 2 ông Toại gửi thuốc vào cho người vợ bị thoái hóa khớp kèm tiểu đường. Vợ ông nhập viện ngày 22, đến ngày 25/7 thì bị cách ly khi bệnh viện được phong tỏa.
Cùng với Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Hoàn Mỹ cùng tình trạng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để chặn dịch Covid-19 lây lan.
Từ 0h ngày 28/7, 6 quận của Đà Nẵng gồm Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu đã thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày. Đến 13h chiều cùng ngày, huyện Hòa Vang trở thành địa phương thứ 7 của thành phố thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.
Theo Chỉ thị 16, người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu.
Khi ra đường, mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Liên quan hoạt động vận tải, TP Đà Nẵng yêu cầu Sở GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định qua các bến xe khách.
Riêng hoạt động kinh doanh taxi, xe hợp đồng, du lịch và các phương tiện vận tải thủy nội trên địa bàn dừng hoạt động hoàn toàn trong 15 ngày.
Đáng chú ý, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh có văn yêu cầu dừng việc kinh doanh tại các cửa hàng ăn uống, giải khát, kể cả bán hàng qua mạng, bán hàng mang về. Thời gian áp dụng từ 13h ngày 30/7.
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh ngành y tế, TP Đà Nẵng đã kịp thời cách ly xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16, và có nhiều biện pháp để giảm mức độ lây lan của Covid-19.
Đề cập đến vấn đề hiện TP Đà Nẵng vẫn chưa xác định được F0 của các ca lây nhiễm, virus biến thể khó lường, Thủ tướng đặt ra yêu cầu các cấp, ngành phải hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn trước.
Ông yêu cầu Bộ Y tế, ban chỉ đạo, các địa phương thực hiện nghiêm túc công điện của Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, các chỉ đạo của Thủ tướng.
“Bí thư, chủ tịch các địa phương phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc, người dân phải cảnh giác thực hiện tốt các biện pháp đã được phổ biến”, ông nói.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý các ngành, địa phương phải đảm bảo năng lực cho hệ thống y tế. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu chú trọng các lực lượng công an, quân đội, y tế…
Ông đề nghị ngành y tế và các lực lượng liên quan truy tìm nhanh F1 và cách ly nhanh. Các đơn vị quân đội, đặc biệt là Quân khu 5 tổ chức cách ly cho người dân ở Đà Nẵng một cách tốt nhất do 20 địa điểm ở Quảng Nam – Đà Nẵng đã bị lây nhiễm.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng huy động phương tiện, cán bộ hỗ trợ không chỉ Đà Nẵng mà cả các địa phương khác nếu cần, đặc biệt là công tác tiếp nhận, cách ly.
Bộ Y tế cần nâng cao năng lực xét nghiệm, có phương pháp sàng lọc, xét nghiệm phù hợp đối với người bị ho, sốt trong phạm vi cả nước để ngăn ngừa chủ động hơn.
Hà Nội, TP.HCM tái kích hoạt biện pháp chống Covid-19
Trong 3 ngày, có hơn 18.000 người dân từ Đà Nẵng về TP.HCM qua sân bay Tân Sơn Nhất. Những trường hợp đi bằng đường bộ, đường tàu chưa được thống kê. Và 21.000 là số người từ Đà Nẵng ra Hà Nội.
Cơ sở y tế TP.HCM đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm với người từ Đà Nẵng về gần 6.000 trường hợp và 9.000 người thực hiện khai báo y tế.
Trước tình hình ca bệnh tăng nhanh ở Đà Nẵng, UBND TP.HCM cùng các sở, ngành lập tức chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tái khởi động những phần việc cấp bách để ngăn chặn làn sóng dịch Covid-19 mới kéo đến.
Khi xuất hiện người nghi nhiễm tại TP.HCM và Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã tiến hành phun khử trùng, phong tỏa khu vực họ lưu trú, làm việc.
Những trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 được công bố hoặc đi vào 1 trong 4 bệnh viện ở Đà Nẵng đều bắt buộc cách ly tập trung.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, sở đã chỉ đạo tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn cần tăng cường sàng lọc người bệnh có dấu hiệu cảm cúm, triệu chứng ho, sốt, bố trí khám ở khu vực riêng. Các bệnh nhân tới khám phải được phân luồng để đảm bảo không xảy ra lây nhiễm tại nơi khám, chữa bệnh.
Hệ thống Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Cần Giờ, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cũng đồng loạt được kích hoạt trở lại. Những nơi này đang chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị để tiếp nhận bệnh nhân mắc Covid-19.
Về năng lực xét nghiệm của TP.HCM, tổng cộng 13 đơn vị có khả năng làm xét nghiệm Covid-19. Riêng các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM có 5 đơn vị. TP.HCM chạy 2.000-3.000 mẫu mỗi ngày.
Người đứng đầu chính quyền thành phố Hà Nội cho biết sau 2 ngày rà soát sơ bộ đã có 21.063 người đã đi du lịch từ Đà Nẵng về.
Trên cơ sở thông tin của ban chỉ đạo quốc gia về ca bệnh ở Mễ Trì (bệnh nhân 23 tuổi, nhân viên nhà bếp của quán pizza 106 Trần Thái Tông, Cầu Giấy), ông Nguyễn Đức Chung cho biết chỉ sau 8 giờ đã xác minh được 83 F1, hơn 300 trường hợp F2.
Ngoài ra, chiều cùng ngày thành phố có thêm thông tin về một ca nghi nhiễm 76 tuổi ở Hoàng Hoa Thám, đang tiến hành xác minh F1 và F2.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho thấy trong số hơn 21.000 người đi từ Đà Nẵng về Hà Nội có 87 trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, hiện đã xét nghiệm 6 người, đều cho kết quả âm tính.
Nhận định Hà Nội cũng như một số địa phương khác là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung yêu cầu thành phố phải khởi động lại toàn bộ hoạt động của các ban chỉ đạo từ tổ dân phố đến phường, xã, sở ban ngành, với tinh thần phải hoạt động như trong thời kỳ có dịch, trực 24/7 để ứng phó với dịch bệnh.
Chính quyền, người dân cùng phối hợp
Tại buổi họp Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM ngày 28/7, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng muốn hiệu quả, thành phố cần áp dụng phương châm phòng dịch sớm – phát hiện kịp thời – cách ly triệt để. Ông đề nghị các sở, ngành rà soát lại những loại hình hoạt động không cần thiết và đề xuất với UBND TP.HCM phương án hạn chế.
“Chúng ta đang bước qua cấp dịch bệnh mới với tốc độ lây lan cao. Vì an toàn xã hội, mỗi người cần kìm chế các nhu cầu cá nhân để phòng dịch hiệu quả”, lãnh đạo TP.HCM kêu gọi.
Bí thư Nhân yêu cầu các sở, ngành cần lưu ý đến tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và cho rằng đây là mối nguy cơ cao gây bùng phát dịch. Mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện những trường hợp này và thông báo kịp thời cho chính quyền, cơ quan y tế địa phương.
Bí thư TP.HCM cũng đề nghị Sở Y tế làm rõ thông tin virus SARS-CoV-2 đã biến thể sang chủng mới và có khả năng lưu lại trong không khí thời gian dài. Nếu thông tin này chính xác, Sở cần có hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các cuộc họp, hội nghị đông người.
Phó giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng chia sẻ tại họp báo tối 29/7: “Nếu cả hệ thống y tế sẵn sàng và người dân cũng sẵn sàng tham gia kiểm dịch thì khả năng phải cách ly xã hội sẽ giảm đi”.
Ông nhấn mạnh TP.HCM sẽ làm quyết liệt công tác phòng chống dịch Covid-19. Chỗ nào xác định có người nhiễm, F1, F2 đều phải được cách ly triệt để.
“Chúng tôi kêu gọi người dân TP.HCM bình tĩnh nhưng không chủ quan, có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh. Ngành y tế rất mong mỏi người dân cùng phối hợp”, ông Thượng gửi thông điệp của lãnh đạo Thành ủy và Sở Y tế.
Trong khi đó, Chủ tịch TP Hà Nội nhận định công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn mới có thể khó khăn, phức tạp hơn thời gian trước. Người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác nhưng cũng không quá hoang mang, lo lắng.
Để hỗ trợ cho các bác sĩ tại Đà Nẵng chống dịch, những ngày qua, đội ngũ bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy đã lên đường ứng cứu. Hình ảnh những bác sĩ trong trang phục bảo hộ kín mít màu trắng bước đi với tâm thế như những chiến sĩ ra tuyến đầu.
Hoài Thanh/ ZFN