+
Aa
-
like
comment

Ca nhiễm ở Mỹ vượt 240.000, TT Trump kích hoạt luật thời chiến

03/04/2020 07:09

Tổng thống Trump hôm 2/4 đã tuyên bố kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để giúp các công ty sản xuất máy thở cho bệnh nhân Covid-19 nhận được nguồn cung cấp nguyên liệu họ cần.  

Trong bản ghi nhớ do Nhà Trắng công bố, Tổng thống Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) Alex Azar sử dụng quyền hạn của mình để tạo điều kiện cung cấp nguyên liệu máy thở cho 6 công ty.

Đó là General Electric Co (GE.N), Hill-Rom Holdings Inc (HRC.N), Medtronic Plc (MDT.N), Resmed Inc (RMD.N), Royal Philips NV và Vyaire Medical Inc.

Đến sáng 3/6, Mỹ có hơn 242.000 ca nhiễm và 5.850 người tử vong vì nhiễm Covid-19. Trên thế giới, số ca nhiễm đã vượt 1 triệu với gần 53.000 người tử vong.

Ca nhiem o My vuot 240.000, TT Trump kich hoat luat thoi chien hinh anh 1 Screen_Shot_2020_04_03_at_06.19.14.jpg
Tổng thống Trump phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ở Nhà Trắng tại Washington, hôm 2/4. Ảnh: Reuters.

Dịch bệnh còn gây ra sự gián đoạn trong bầu cử Mỹ

Các nghị sĩ đã kêu gọi tổng thống hành động để chấm dứt hoặc ít nhất là giảm tình trạng thiết hụt máy thở của nước này. Do virus corona, một căn bệnh về hô hấp, đang lây lan nhanh chóng và nhu cầu sử dụng máy thở được nhân lên hàng trăm mỗi ngày.

Các quan chức chính phủ và chuyên gia y tế nhận định Mỹ trước sau gì cũng cần đến hàng chục nghìn máy thở bổ sung, theo Reuters.

“Tôi biết ơn các nhà sản xuất này và các nhà sản xuất trong nước khác đã tăng cường sản xuất máy thở trong giai đoạn khó khăn này”, ông Trump nói khi bản ghi nhớ vừa được công bố. “Hôm nay, sắc lệnh sẽ giúp cứu mạng người bằng cách loại bỏ những trở ngại trong chuỗi cung ứng đe dọa đến quá trình sản xuất máy thở gấp rút”.

Tuần trước, ông Trump lần đầu tiên kích hoạt các quyền hạn khẩn cấp để buộc hãng ôtô khổng lồ General Motors (GM.N) sản xuất máy thở.

Luật sản xuất quốc phòng của Mỹ có từ thời chiến tranh Triều Tiên vào những năm 1950, cho phép tổng thống có thẩm quyền yêu cầu các doanh nghiệp, kể cả tư nhân, tăng tốc, mở rộng cung ứng các nguồn lực từ ngành công nghiệp của Mỹ để hỗ trợ quân đội, năng lượng, không gian, và các chương trình an ninh nội địa.

Mặc dù có hơn một nửa người trên thế giới phải sống dưới lệnh hạn chế để ngăn bệnh lây lan, virus corona vẫn tiếp tục cướp đi hàng nghìn sinh mạng. Tây Ban Nha và Anh là hai quốc gia có số người tử vong hàng ngày cao nhất.

Đại dịch này cũng tiếp tục tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Mỹ đã ghi nhận 6,65 triệu lao động nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, một con số kỷ lục, và Tây Ban Nha cũng báo cáo mức tăng số người tuyên bố thất nghiệp hàng tháng lớn nhất từ trước đến nay.

Dịch bệnh còn gây ra sự gián đoạn trong việc bầu cử của nước Mỹ. Đảng Dân chủ đã tuyên bố họ sẽ hoãn hội nghị để chọn người đối đầu với Tổng thống Donald Trump vào cuộc bầu cử tháng 11 cho đến ngày 17/8.

Quyết định này được đưa ra sau khi ứng cử viên và cựu Phó tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng hội nghị này có lẽ sẽ cần phải trì hoãn. Hội nghị ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 13-16/7 tại Milwaukee, Wisconsin.

Ca tử vong ở Mỹ gần tới mốc 6.000

Theo thống kê mới nhất của Đại học Johns Hopkins, Mỹ ghi nhận thêm hơn 28.000 ca nhiễm virus corona mới, nâng số ca nhiễm ở nước này 242.182, trong đó 5.850 người tử vong và 8.991 ca hồi phục.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới về số ca nhiễm virus corona, cao hơn nhiều so với tổng số ca nhiễm ở Italy và Tây Ban Nha, hai vùng dịch lớn tiếp theo.

Thành phố New York là nơi gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 tại Mỹ với 49.707 ca nhiễm, tăng hơn 4.000 trường hợp trong vòng một ngày và 1.562 người chết, theo trang web của chính quyền thành phố.

Thị trưởng New York Bill de Blasio nói rằng thành phố của ông cần 1.000 y tá, 300 chuyên gia hô hấp và 150 bác sĩ trước cuối tuần này.

Giới chức y tế thông báo đã nhận 400 máy thở từ bang New York, nhưng vẫn cần khoảng 3.000 chiếc trong tuần tới và muốn huy động tổng cộng 15.000 máy thở để đối phó dịch bệnh chết người này.

Hạnh Vũ/ ZFN

Bài mới
Đọc nhiều