Ca nhiễm mới ở Iran gấp gần 11 lần Trung Quốc, lực lượng tinh nhuệ vào cuộc
Những chỉ huy của lực lượng quân sự hùng mạnh IRGC dường như hy vọng thuốc khử trùng có thể cuốn trôi một thứ khác – sự tức giận của người dân Iran.
Đeo mặt nạ phòng độc và đồ bảo hộ chống thấm nước, các thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang phun thuốc khử trùng xuống đường và khắp các bệnh viện trong nỗ lực đối phó với virus corona tại một trong những đất nước có tình trạng bùng phát dịch tồi tệ nhất hiện tại. Iran ngày 7/3 công bố thêm 21 ca tử vong vì virus corona và 1.076 ca nhiễm mới. Số ca nhiễm mới tại Iran đã gấp 10,8 lần so với Trung Quốc. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cùng ngày cho biết nước số ca nhiễm mới ghi nhận được ở nước này là 99 trường hợp.
Nỗi sợ hãi trước dịch bệnh đe dọa cả niềm tin đang suy yếu của công chúng với giới chức Iran đang trở thành một thách thức lớn đối với các nhà lãnh đạo nước này, vốn đang chịu sức ép nặng nề từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Việc IRGC tham gia cứu trợ trong thảm họa không phải là điều ngạc nhiên. Lực lượng tinh nhuệ với 125.000 binh sĩ và hơn 600.000 tình nguyện viên sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên ứng phó với các trận động đất và lũ lụt tại nước này. Afshon Ostovar, trợ lý giáo sư tại chương trình sau đại học Hải quân tại Mỹ, nói IRGC tự coi mình là lực lượng đi đầu trong bất kỳ mối đe dọa nào.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo kiểm soát một phần lớn nền kinh tế Iran. Khi dịch bệnh bùng phát, IRGC nhanh chóng xây dựng các bệnh viện tại thành phố bị ảnh hưởng nặng nề như Tehran, Rasht và Qom. Họ ra quân tẩy sạch các khu vực có dấu vết của virus, chào mời vật tư y tế thiết yếu đồng thời thành lập cơ sở chiến đấu chống virus corona với nhiều “đơn vị tác chiến hiện đại” chủ yếu tập trung phản ứng với những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, sinh học và tấn công mạng. “Hành động ra quân đối phó với virus của họ vừa là một nỗ lực y tế vừa là một động thái chính trị” ông Ostovar nhận định.
“Hiện tại, các bệnh viện là tiền tuyến của Iran. Nếu con rời khỏi chiến tuyến, con là kẻ đào ngũ và mẹ không chào đón một kẻ trốn tránh nghĩa vụ ở nhà”, một tình nguyện tại bệnh viện chia sẻ lời mẹ mình nói. Tinh thần đó là “cứu cánh” cho các thành viên IRGC, những người bị chỉ trích nặng nề sau khi bắn hạ chuyến bay số hiệu 752 của Ukraine International Airlines vào ngày 8/1, thời điểm lực lượng này đang tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq nhằm trả đũa việc máy bay không người lái của Mỹ giết chết tướng tối cao Qassem Soleimani tại Baghdad. Trong ảnh, nhân viên dân sự thuộc IRGC đang phun thuốc khử trùng một cây ATM.
Theo ông Ariane Tabatabai, chuyên gia phân tích người Iran tại viện nghiên cứu RAND tại Mỹ, những tính toán sai của chính phủ trước tình hình dịch bệnh là cơ hội để lực lượng này thể hiện vai trò “cứu giúp”.
“Đương nhiên, việc này sẽ có lợi khi đổi hướng cuộc đối thoại đang nhằm vào tai nạn máy bay trước đó – mặc dù đây sẽ là nhiệm vụ khó khăn khi cả hai trường hợp đều là những ví dụ về sai lầm trong quản lý”. Đã có những quan chức hàng đầu trong chính phủ nhiễm virus, một số người đã chết. Nếu Iran không xử lý việc lây lan virus, không chỉ là danh tiếng của lực lượng IRGC mà cả tính mạng của họ cũng bị đe dọa. Trong ảnh, các nhân viên phu thuốc khử trùng đang nghỉ ngơi trên thùng xe.
IRGC cũng cho rằng virus này là âm mưu của Mỹ khi tướng Hossein Salami buộc tội Mỹ đã tạo ra virus giữa lúc căng thẳng leo thang. “Chúng tôi sẽ chiến thắng trong cuộc chiến chống lại virus, thứ có thể là sản phẩm của cuộc xâm lược sinh học của Mỹ, bắt đầu từ Trung Quốc và sau đó đến Iran và phần còn lại của thế giới”, trước đó, ông Salami nói với đám đông ở thành phố Kerman, Iran. “Mỹ phải biết rằng nếu họ tạo ra nó, nó sẽ quay lại làm hại họ”.
Sức mạnh của IRGC đồng nghĩa lực lượng này luôn đứng đầu và ở trung tâm trong cuộc chiến đối đầu với khủng hoảng virus. Dù vậy, nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục lan rộng tới tháng 7, sự can thiệp của IRGC sẽ mạnh mẽ hơn. “Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo dường như sẽ nắm vai trò lớn hơn trong trong tất cả các khía cạnh kinh tế, chính trị và sức khỏe toàn dân”, viện nghiên cứu toàn cầu Eurasia Group nói trong một phân tích hôm 5/3.
An Nguyễn/AP