+
Aa
-
like
comment

Ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục ở Âu, Mỹ

07/11/2020 06:57

Mỹ, Pháp, Italy, chứng kiến ca Covid-19 tăng kỷ lục 24 giờ qua trong bối cảnh châu Âu trải qua sóng thứ hai của đại dịch.

Ca tử vong liên quan đến Covid-19 tại châu Âu đã vượt 300.000 người và số ca nhiễm cũng vượt 12 triệu người, theo một thống kê của AFP từ các nguồn chính thức. Trên toàn thế giới, gần 60 triệu người nhiễm và hơn 1,2 triệu trường hợp đã tử vong liên quan Covid-19.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 234.944 người chết, tiếp đó là Brazil với 161.736 người, Ấn Độ 124.985 người, Mexico 93.772 người và Anh 48.120 người. Mỹ cũng đã ghi nhận hơn 120.000 ca nhiễm mới hàng ngày, phá kỷ lục một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 10.040.166.

Bộ Y tế cho biết Brazil báo cáo thêm 18.862 trường hợp được xác nhận nhiễm virus trong 24 giờ qua và 279 trường hợp tử vong. Quốc gia Nam Mỹ hiện ghi nhận 5.631.181 trường hợp kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi số người chết tăng lên 162.015 người. Đây là vùng dịch có đợt bùng phát mới gây tử vong nhiều thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Libourne, tây nam nước Pháp hôm 6/11. Ảnh: AFP.
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại một bệnh viện ở Libourne, tây nam nước Pháp hôm 6/11. Ảnh: AFP.

Tại châu Âu, Pháp báo cáo thêm 60.486 ca nhiễm, mức tăng kỷ lục trong một ngày, và 828 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 1.661.853 và 39.865. Italy cũng báo cáo số ca nhiễm mới tăng kỷ lục với 37.809 ca và 446 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên 862.681 và 40.638.

Italy dự kiến bắt đầu lệnh giới nghiêm từ 22h đến 5h hôm sau trên toàn quốc khi phần lớn đất nước trở lại trạng thái phong tỏa với các khu vực “vùng đỏ” đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu, khiến 16 triệu người bị ảnh hưởng. Hy Lạp cũng sẽ đóng cửa các trường trung học từ tuần tới khi nước này bước vào đợt phong tỏa toàn quốc lần hai.

Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa hôm 6/11 tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế, có hiệu lực từ tuần tới để cho phép chính phủ áp đặt thêm các hạn chế ngăn Covid-19. Trong đợt đại dịch đầu tiên vào mùa xuân, chính quyền Bồ Đào Nha đã ban hành tình trạng khẩn cấp kéo dài 6 tuần.

Chính phủ sẽ tổ chức một cuộc họp nội các bất thường trong hôm nay để quyết định loại biện pháp nào sẽ được áp dụng, có thể là lệnh giới nghiêm ban đêm hoặc đo thân nhiệt của người dân tại một số địa điểm. Khoảng 7,1 triệu người hiện sống dưới những hạn chế mới và đã được yêu cầu ở nhà hoặc làm việc từ xa.

Nhưng không giống đợt đóng cửa đầu tiên, các trường học vẫn mở cửa. Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Bồ Đào Nha báo cáo gần 167.000 ca nhiễm và hơn 2.700 ca tử vong.

Nga ghi nhận 9.798 ca tử vong liên quan nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV trong tháng 9. Nước này cũng báo cáo 20.582 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 1.733.440, trong đó 29.887 người đã chết.

Điện Kremlin cho biết còn sớm để đánh giá mức độ hiệu quả các biện pháp hạn chế dịch bệnh mà không cần phong tỏa. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 6/11 nói rằng sự gia tăng ca nhiễm là đáng báo động và giới chức sẽ hành động tùy thuộc diễn biến tình hình.

Trong những tháng gần đây, giới Nga cho biết không cần thiết phải có những hạn chế nghiêm ngặt để ngăn Covid-19, nhấn mạnh rằng các biện pháp phòng ngừa vệ sinh và an toàn là chìa khóa then chốt.

(Theo Guardian)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều