+
Aa
-
like
comment

Cả nền kinh tế, chỉ có mỗi ngành bất động sản cần được “giải cứu”?

Công Luân - 11/10/2022 10:59

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (HoREA) Lê Hoàng Châu vừa qua đã kiến nghị Chính phủ giải cứu 790.000 tỷ đồng trái phiếu của doanh nghiệp. Rất nhiều người bức xúc trước kiến nghị này: Cả nền kinh tế, chỉ mỗi ngành bất động sản cần được giải cứu?

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu.

Trước khi đi vào vấn đề chính, hãy nhìn sang Trung Quốc – đất nước đang phải gánh chịu hậu quả từ việc phát triển ồ ạt bất động sản để làm động lực tăng trưởng kinh tế. Ngành bất động sản Trung Quốc đã góp phần đẩy nước này vào tấn bi kịch về lạm phát và cả an sinh xã hội. Hàng loạt các dự án bỏ không nhưng vẫn đều đặn phải được “đút ăn” mỗi tháng từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, người dân khổ sở chật vật, sống mòn trong các ngôi nhà ổ chuột vì không đủ tiền chạm tới mức giá nhà “bỏng rát”.

Nó nhức nhối tới mức, trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX (năm 2017), Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu rằng: “Nhà là để ở, không phải để đầu cơ”. Và cho đến thời điểm hiện tại, 5 năm sau những vết thương chí mạng từ bất động sản gây ra, nền kinh tế Trung Quốc vẫn rất nhức nhối. Đơn cử như tổng nghĩa vụ nợ mà 3 “ông lớn” trong ngành địa ốc Trung Quốc là Evergrande, Kaisa và Shimao đã lên đến 2,6 nghìn tỷ Nhân dân tệ (hơn 9 triệu tỷ đồng).

Các tòa nhà do Evergrande xây dựng tại Bắc Kinh.

Bài học từ Trung Quốc đã được rất nhiều chuyên gia cảnh báo đến Việt Nam, khi bong bóng bất động sản ngày càng lớn và có nguy cơ vỡ tung. Trên vai trò là người nắm giữ xương sống của đất nước thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Có thể thấy là rất quyết liệt nhưng cũng rất dũng cảm, bởi việc thanh lọc sẽ khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng, nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Nhưng Việt Nam đã chấp nhận đi chậm lại, chứ không thể đi theo vết xe đổ của Trung Quốc. Và việc xử lý hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp nằm trong tinh thần ấy.

Tất nhiên, bất cứ cái gì xiết lại cũng sẽ khiến cho người ta khó chịu và đó cũng là lý do ngành bất động sản xin “giải cứu”. Các nhà đầu tư bất động sản luôn đưa ra những viễn cảnh khốn khổ khi kêu gọi vốn như nếu chúng tôi “chết” thì sẽ kéo theo các ngành nghề khác. Thế nhưng, không mấy ai nói tới những trái núi, quả đồi, những mảnh đất nông nghiệp bị cắt xẻ phân lô, không mấy ai hỏi rằng hàng trăm toà địa ốc bỏ hoang thì sẽ ảnh hưởng gì đến nền kinh tế và xã hội?

Chu kỳ bất động sản là “nóng sốt – vỡ bong bóng – đóng băng – tan băng”, cứ thế quay vòng trong khoảng 10 năm lặp lại. Các doanh nghiệp bất động sản biết rất rõ điều này nhưng vì cái lợi quá lớn mà bỏ qua nguyên tắc dự phòng rủi ro trong kinh doanh. Để rồi, họ phóng tay huy động vốn và làm dự án. Họ không tập trung xây nhà vì mục đích ở, mà chỉ vì lợi nhuận. Đầu tư quá đà, giá lên trời, không bán được, không phát hành trái phiếu được, không huy động vốn được, giờ quay qua đổ lỗi cho siết tín dụng, cho Nhà nước…

Quang cảnh một khu đô thị bỏ hoang ở phía tây Hà Nội.

Thậm chí, họ sẵn sàng sử dụng truyền thông làm công cụ tạo sức ép lên Nhà nước trong cuộc “giải cứu” kỳ khôi này. Họ than thở rằng quá trình xử lý sai phạm trong phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh hay gần đây là Vạn Thịnh Phát đã khiến niềm tin của nhà đầu tư bị tổn thương, rằng Nghị định 65 của Chính phủ khiến kênh trái phiếu của doanh nghiệp gặp khó khăn. Thế tính ra là việc ngăn chặn và đưa ra ánh sáng việc sử dụng sai mục đích hàng nghìn tỷ tiền trái phiếu từ nhà đầu tư là có lỗi?

Vậy cứ phải bằng mọi giá để dung dưỡng thị trường đầu cơ thổi giá như hiện nay, nới tín dụng để kích thích thị trường đầu cơ thì mới là đúng? Và sau đó cứ mỗi năm phải giải cứu một lần, để đầy túi một số người, còn mặc kinh tế lâm nguy? Để sau mỗi cuộc giải cứu các doanh nghiệp bất động sản lại tiếp tục “chơi lớn”, vốn một mà phát hành trái phiếu gấp hàng chục, hàng trăm lần?

Cần phải nhìn tổng quan nhất rằng điều mà Chính phủ đang cố gắng hướng đến đó là trả bất động sản về giá trị thực vốn có của nó. Điều đó không những tác động về mặt mình tế mà còn để cho những người thực sự có nhu cầu được sở hữu nhà trong khoảng tài chính mà họ chắt chiu dành dụm cả chục năm trời. An sinh xã hội ổn định mới là tiền đề tiên quyết tạo ra nguồn lực để phát triển kinh tế.

Một đất nước phát triển bền vững thì phải từ sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng sáng tạo để tạo ra giá trị thặng dư thật sự, chứ không phải là việc thổi giá bơm kích từ những miếng đất không thể nở thêm diện tích. Hết thời đào xúc múc bán, giờ đến buôn bán đất đai, thử hỏi nền kinh tế mà chỉ dựa vào những “mũi nhọn” như thế này sẽ phát triển bền vững đến đâu?

Khó có thể tìm ra ai sẽ là người thông cảm cho những nhà đầu tư vốn đã quen với việc kiếm tiền dễ dàng từ bất động sản bao năm nay. Kinh doanh thì phải chấp nhận cuộc chơi, thua lỗ thì cắt giảm giá nhà để kích cầu người mua. Rõ ràng, nhu cầu sử dụng nhà trong dân là rất lớn, nếu không thì đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ đã không ra đời.

Đã đến lúc các doanh nghiệp bất động sản cần thay đổi tư duy, chứ cứ coi mình là “con cưng” thế này thì còn đòi giải cứu dài dài…

Công Luân

Bài mới
Đọc nhiều