+
Aa
-
like
comment

Cả gan rao bán 200 ha đất công ở TP HCM

26/07/2019 10:49

Các sàn giao dịch bất động sản trên mạng ở TP HCM đã rao bán hàng trăm hecta đất công trước sự ngỡ ngàng của nhiều người và đơn vị quản lý khu đất

Bất chấp các cơ quan chức năng ở TP HCM đang mạnh tay xử lý hành vi lừa đảo liên quan đến việc phân lô và bán nền sai quy định, gần đây, không ít sàn giao dịch bất động sản trên mạng vẫn ngang nhiên làm liều. Đáng nói, có những sàn giao dịch, công ty địa ốc rao bán cả đất công hoặc chọn một khu đất (không được phép phân lô) để đưa khách vào xem, sau đó dụ dỗ khách mua với số tiền hàng tỉ đồng.

Biến đất nông nghiệp thành dự án nhà ở

Đầu tháng 7-2019, trên website sandaiphuc.com xuất hiện thông tin chào bán 200 ha đất nông nghiệp trên đường Đặng Công Bỉnh, xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn, TP HCM), đất này do Công ty CP Delta làm chủ sở hữu với giá chuyển nhượng dưới 900.000 đồng/m2. Kèm theo đó là bản photocoppy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bản đồ hiện trạng vị trí khu đất, sơ đồ thửa đất, nhà ở… Tương tự, thông tin rao bán khu đất này xuất hiện trên một số diễn đàn mua bán bất động sản khác với cái tên hấp dẫn “Dự án phát triển nhà ở”, khuôn viên vuông vắn được bao bọc 4 mặt tiền, giá bán 2,2 triệu đồng/m2…

Cả gan rao bán 200 ha đất công ở TP HCM - Ảnh 1.
Bảng cảnh báo của UBND xã Xuân Thới Thượng quanh vị trí khu đất công bị rao bán

Thấy giá đất khá rẻ so với thị trường thời điểm này, chúng tôi đến khu đất để tìm hiểu thực hư. Khu đất này khá lớn, bề ngang 1.000 m tiếp giáp mặt tiền đường Đặng Công Bỉnh, chiều dài 2.000 m giáp 2 con mương dẫn ra kênh An Hạ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, khu đất này được UBND TP HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty CP Delta (ngày 14-12-2015), diện tích khoảng 200 ha, mục đích sử dụng làm nông nghiệp để đầu tư nhân giống và phát triển cây giống vật nuôi, thời hạn sử dụng đến 20-8-2034 (tức đất công được nhà nước cho thuê có thời hạn). Hiện nay, công ty này dành phần nhỏ để trồng cỏ và nuôi bò, phần lớn để trống, cỏ mọc um tùm, một số hộ dân tận dụng thả trâu, bò vào ăn. Ngay đầu cống T10 dẫn vào khu đất có nhiều bảng cảnh báo được UBND xã lắp đặt với nội dung: “Khu đất này hiện không có bất cứ dự án nhà ở, đất ở nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thực hiện. Đề nghị người dân không được mua bán, chuyển nhượng trái quy định”.

Thông tin với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, cho biết đầu tháng 7, khi nhận thông tin rao bán dự án phát triển nhà ở trên website www.batdongsan.com.vn tại khu đất do Công ty CP Delta quản lý khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án phát triển nhà ở hoặc chấp thuận chủ trương theo quy định, chúng tôi lập tức cắm bảng cảnh báo và làm việc với đại diện Công ty Delta để nắm rõ thông tin.

Phúc đáp sự việc này, ngày 8-7, Công ty CP Delta đã có công văn gửi UBND xã với nội dung: Công ty không thực hiện hay yêu cầu bất kỳ bên thứ 3 đăng tin rao bán đất trong khu đất dự án Đầu tư nhân giống và phát triển cây trồng vật nuôi và giết mổ gia súc tập trung công nghiệp với diện tích 200 ha tại xã Xuân Thới Thượng do công ty làm chủ đầu tư. Hiện nay công ty này vẫn đang thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đầu tư do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp ngày 16-4-2018.

Tự vẽ dự án, bẫy khách hàng

Khác với hành vi lừa đảo của các sàn giao dịch trên, 2 công ty địa ốc V.A.C hay V.G.P đã tự vẽ dự án ở xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn và qua đó đã bẫy được không ít khách hàng.

Đơn cử, đầu tháng 7-2019, bà T.M.H (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đến UBND xã Xuân Thới Sơn cập nhật tính pháp lý của dự án Dragon Center tại xã Xuân Thới Sơn. Tại đây, bà H. tá hỏa khi biết thông tin trên địa bàn xã không có dự án nào được phép phân lô, tách thửa, phát triển nhà ở.

Theo bà H., trước đó, thông qua công ty địa ốc V.A.C và những lời giới thiệu đường mật của nhân viên môi giới như cam kết tính pháp lý của dự án, bản vẽ, sơ đồ nên bà H. đã đặt cọc 35%, khoảng 1,3 tỉ đồng để mua 2 lô đất gần 4 tỉ tại dự án trên. “Khi biết thông tin cụ thể về dự án, tôi yêu cầu công ty trả lại tiền thì họ lại đòi phải trả tiếp 15% theo hợp đồng, nếu không mất cọc. Hiện nay tôi rất lo lắng vì tính pháp lý dự án không rõ ràng” – bà H. bức xúc.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ bà H., tại khu đất trên, một số khách hàng khác đã đặt cọc từ 80 đến 700 triệu đồng, tất cả đều thông qua các công ty địa ốc như V.A.C hay V.G.P… Đáng nói nhất, trong khi khách hàng lỡ mua đang yêu cầu các công ty địa ốc trả lại cọc thì các ngày 21, 22 và 23-7, có mặt tại khu đất trên, chúng tôi nhận thấy ngay vị trí đi vào khu đất đã được UBND xã cắm bảng thông báo với nội dung “Khu vực này hiện không có dự án phân lô, tách thửa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Đề nghị cảnh giác các giao dịch đất nền có liên quan”. Còn khu đất đang làm “dự án ma” có diện tích khoảng 6.600 m2, bên ngoài xây cổng và tường rào kiên cố, bên trong bỏ trống. Một người dân sống gần khu đất cho biết: “Mọi giao dịch giữa người bán và người mua thường diễn ra cuối tuần. Trước khi dẫn khách vào xem, một nhân viên đến đây trước và dùng bạt phủ kín bảng cảnh báo, mở sẵn cổng, khi xe đưa khách đến sẽ chạy thẳng vào trong rồi đóng cổng lại”.

Nói về “dự án” này, ông Nguyễn Văn Thông – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Sơn – cho biết vị trí trên không có dự án phân lô, tách thửa, Thanh tra TP đã yêu cầu không được thay đổi hiện trạng khu đất, UBND xã đã cắm biển cảnh báo, đồng thời có văn bản báo cáo công an huyện làm rõ hành vi của những công ty địa ốc.

Chuyển “dự án ma” lên Công an TP HCM

Theo Công an huyện Hóc Môn, một số “dự án ma” xuất hiện trước đó tại các xã Nhị Bình, Đông Thạnh, Thới Tam Thôn… đã được cơ quan này chuyển Công an TP theo đúng thẩm quyền để tiếp tục điều tra, làm rõ. Riêng dự án tại 2 xã Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng vừa được công an huyện tiếp nhận, tiếp tục thu thập hồ sơ để điều tra.

(Theo Người Lao Động)

Bài mới
Đọc nhiều