+
Aa
-
like
comment

Cả Chính phủ tiếp tục hành động vì bài toán kinh tế mới

Đặng Trường - 07/10/2020 14:40

Tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2020 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hạ quyết tâm cho cả bộ máy Chính phủ: Phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3% và tháo gỡ khó khăn từng dự án.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế là 2,5-3%.

Đại dịch Covid-19 tác động đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề và nhóm đối tượng nhưng các nguồn lực của nhà nước, từ tài chính, hành chính đến năng lực thực hiện đều có hạn. Không chỉ riêng Việt Nam mà rất nhiều quốc gia không thể can thiệp đại trà mà phải xác lập ưu tiên để can thiệp có chọn lọc. Trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo trên dưới sẵn sàng hy sinh một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Hàng loạt chính sáchs hỗ trợ người dân doanh nghiệp như Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn trong đại dịch, trong đó Nhà nước chia sẻ trách nhiệm với doanh nghiệp trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Đích thân Thủ tướng cũng đã gặp mặt doanh nghiệp để khích lệ động viên tinh thần doanh nhân nỗ lực vượt khó, kịp thời nắm bắt, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp. Theo sau đó, Nghị quyết 84 cũng ra đời để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Trong quý II, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đến năm 2020, về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng và việc miễn giảm lãi suất cho dư nợ hơn 1,14 triệu tỷ đồng là những liều thuốc trợ lực thiết thực nhất đối với cuộc sống của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp trong những tháng dịch vừa qua. Chính nỗ lực tìm ra giải pháp và đưa đến người dân, doanh nghiệp của Chính phủ mà GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương (1,81%), “đốn hạ” cả các nền kinh tế lớn như Mỹ (-5,9%), Nhật Bản (-5,2%), khu vực đồng tiền chung euro (-7,5%), Trung Quốc (tăng trưởng -6,8%), Hàn Quốc (-1,4%). Trang Nikkei Asian Review đã nhận định rằng: “Nhờ thành côngtrong việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nền kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì tăng trưởng GDP dương mà còn tăng trưởng cao hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á lớn nào khác”.

Chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch Quảng Ninh – Đà Nẵng năm 2020 giới thiệu các chính sách kích cầu du lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ mới với các mức giá ưu đãi.

Như Thủ tướng đã chia sẻ, Việt Nam là nước tăng trưởng dương duy nhất trong khu vực ASEAN. Để có được thành quả đáng khích lệ thì không thể không nhắc đến quyết tâm của Thủ tướng, sự nỗ lực tính toán của Tổ tư vấn kinh tế và sự cố gắng khẩn trương kịp thời của các bộ, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, thành công này cũng phần nào chứng minh công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ đã đi đúng hướng. Bên cạnh việc bảo đảm tính mạng và sức khỏe cho người dân thì việc đẩy mạnh phát triển kinh tế là hướng đi cần thiết.

Sự khởi sắc của bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm đã củng cố thêm niềm tin để Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới thì không khó hiểu khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn quán triệt tinh thần cả bộ máy Chính phủ phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5-3%. Con số đưa ra cụ thể và càng chi tiết hơn, đó là hàng loạt chính sách mới để cả bộ máy quản lý các cấp và doanh nghiệp cùng “chạy”. Theo đó, phải xây dựng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên, tập trung tháo gỡ khó khăn cho những dự án, những chương trình để thúc đẩy tăng trưởng. Người đứng đầu Chính phủ cũng không quên nhắc đến ngành công nghiệp “không khói” – thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời yêu cầu Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch cần xem xét chủ đề du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn trong 3 tháng cuối năm. Các bộ, ngành, các địa phương ưu tiên quan tâm đến công tác đào tạo lao động để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, cần tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Triển khai giải pháp Nghị quyết 115 về thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, mở rộng khai thác hiệu quả thị trường. Nền kinh tế số cũng không thể đứng ngoài cuộc trong kế hoạch tăng trưởng GDP lần này.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng năm 2020 tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước.

Rõ ràng, cả Chính phủ đều đang nỗ lực tăng tốc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2020. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện sẽ đối mặt với không ít thách thức, chính lúc này cần nhất là sự quyết tâm và đoàn kết một lòng trên dưới để khắc phục, chấn chỉnh. Có như vậy, chúng ta mới gặt hái được quả ngọt nơi cuối con đường.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực, Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) cũng đang hoàn tất những bước “chốt hạ” cuối cùng. Vì vậy, thời gian qua, Việt Nam đón nhận rất nhiều dự án đầu tư nước ngoài khủng, đây l một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế Việt, đồng thời đảm bảo được lộ trình thực hiện kế hoạch kinh tế năm 2020 và các năm trong tương lai.

Đặng Trường

Bài mới
Đọc nhiều