+
Aa
-
like
comment

Business Times: Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á vào năm 2022

Bảo Trâm - 23/12/2021 08:19

Trang Business Times vừa có bài viết với tiêu đề “Vietnam seen to have highest growth rate in South-east Asia in 2022” (Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao nhất Đông Nam Á vào năm 2022), để nói về những triển vọng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Mở đầu bài viết, Business Times trích dẫn nội dung trong ấn bản bổ sung thường kỳ của Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2021 công bố mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã gặp nhiều biến động trong quý III sau cuộc chiến chống lại biến chủng Delta. Do đó, tổ chức này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 xuống 2% từ mức 3,8% theo dự báo hồi tháng 9/2021, nhưng vẫn giữ nguyên mức 6,5% cho năm 2022.

Bên cạnh đó, đánh giá tình hình kinh tế những tháng cuối năm và trong tương lai, bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, từ đó thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết trong vòng 2 năm qua bắt đầu mang lại “trái ngọt”.

Tầng lớp trung lưu tiếp tục mở rộng và cụ thể là tầng lớp giàu ngày một gia tăng sẽ thúc đẩy tiêu dùng của Việt Nam. Các công trình hạ tầng mới đưa vào sử dụng cũng sẽ tiếp tục “tiếp thêm nhiên liệu” cho các hoạt động kinh tế, theo Business Times.

Trang Business Times cũng đồng thời trích dẫn nhận định của ngân hàng Barclays, cho rằng sau khi kinh tế sụt giảm trong quý 3-2021, kinh tế Việt Nam đang được cải thiện trong quý 4. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất khu vực vào năm 2022. Sự gia tăng tiêu dùng và chi tiêu vốn cùng với lĩnh vực xuất khẩu phát triển mạnh mẽ sẽ thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2022.

Mặc dù vậy, vẫn còn mối đe dọa từ các đợt bùng phát dịch mới và nguy cơ áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt. Trong năm 2022, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,2%, cao hơn 0,2 % so với dự báo trước đó và 6,8% vào năm 2023.

Trong bài viết cũng đồng thời viết sơ qua những dự đoán cho tình hình kinh tế của ASEAN 2022. Theo chuyên gia kinh tế Brian Tan của Ngân hàng Barclays dự báo, tốc độ phục hồi của khu vực có thể sẽ bị kìm hãm trong quý 1-2022 và kéo dài tới quý 2 đối với một số nước do các chính phủ vẫn thận trọng trong việc mở cửa trở lại nền kinh tế.

Sự thận trọng đó có thể tạo nền tảng để các nền kinh tế này tăng trưởng tốt hơn trong nửa cuối năm 2022. Đây là thời điểm một số nền kinh tế tụt hậu trong khu vực bắt kịp tiến độ tiêm vaccine Covid -19, sẵn sàng mở cửa trở lại biên giới, cho phép nối lại các hoạt động thương mại và du lịch.

Còn theo chuyên gia kinh tế Rahul Bajoria cũng của ngân hàng Barclays, từ quý 2-2022 trở đi, xu hướng bình thường hóa có thể sẽ gia tăng trong các ngân hàng trung ương Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ không dẫn tới chu kỳ tăng lãi suất mạnh mẽ, mà thay vào đó là sự chuyển dịch từ các chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn sang các điều kiện chính sách tạo thuận lợi và mang tính hỗ trợ.

Ngoại trừ Singapore, nhiều ngân hàng trung ương Đông Nam Á không thực sự vội vàng thực hiện bất kỳ hình thức bình thường hóa nào trong tương lai gần. Hiện Singapore đang dẫn đầu trong nỗ lực mở cửa trở lại cũng như bình thường hóa trong khu vực.

Bên cạnh đó, nền kinh tế ASEAN sẽ được hỗ trợ từ việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một trong những động lực chính của thương mại khu vực. RCEP sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Đã có 6 nước ASEAN, bao gồm Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam ký kết phê chuẩn hiệp định này.

Bảo Trâm (Theo Business Times)

Bài mới
Đọc nhiều