+
Aa
-
like
comment

Business Insider: Vũ khí Nga, Trung đe dọa tàu sân bay Mỹ

15/01/2021 06:55

Tiến bộ về tên lửa diệt hạm của Nga, Trung Quốc khiến tàu sân bay Mỹ đối mặt với nguy cơ bị tiêu diệt ngày càng lớn trong xung đột.

Trung Quốc hồi tháng 8/2020 phóng một tên lửa DF-26B từ tỉnh Thanh Hải và một tên lửa DF-21D từ tỉnh Chiết Giang về phía Biển Đông. Wang Xiangsui, cựu đại tá quân đội Trung Quốc và hiện là giáo sư Đại học hàng không vũ trụ Bắc Kinh, cho biết hai quả đạn đều đánh trúng mục tiêu mô phỏng tàu chiến đang di chuyển.

Động thái diễn ra một ngày sau khi Trung Quốc cáo buộc trinh sát cơ U-2 Mỹ khiêu khích khi di chuyển vào “vùng cấm bay, nơi đang diễn ra cuộc diễn tập bắn đạn thật của Chiến khu phía Bắc”. Washington trước đó cũng triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực.

Hải quân Nga năm ngoái cũng ba lần phóng thử tên lửa siêu vượt âm Zircon từ tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov, nhằm vào hai mục tiêu trên biển và một mục tiêu trên mặt đất từ khoảng cách 350-500 km. Nguồn tin giấu tên cho biết cả ba quả đạn đều đạt tốc độ gấp 8 lần âm thanh và đánh trúng đích với độ chính xác cao.

Tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov phóng tên lửa Zircon hồi tháng 10/2020. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov phóng tên lửa Zircon hồi tháng 10/2020. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

“Những thử nghiệm này là dấu hiệu mới nhất cho thấy các tàu sân bay Mỹ, vốn được coi là ‘chúa tể đại dương’, sẽ sớm đối mặt với những mối đe dọa thực sự”, bình luận viên Benjamin Brimelow của Business Insider nhận xét.

Tàu sân bay Mỹ luôn được coi là mục tiêu lớn nhất với các đối thủ ngang hàng. Liên Xô từng thừa nhận đây là nền tảng triển khai sức mạnh đầy uy lực, nhất là khi các phi đoàn trên hạm của Mỹ có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân.

Tài liệu giải mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho thấy quan chức Liên Xô hiếm khi chỉ trích tàu sân bay trong các cuộc thảo luận nội bộ hồi thập niên 1980, thậm chí còn ca ngợi chúng vì khả năng cung cấp “độ ổn định chiến đấu cao”.

Một tài liệu năm 1979 cho thấy tàu sân bay Mỹ là “ưu tiên hàng đầu trong các đòn đánh diệt hạm” khi nổ ra xung đột, tiếp sau đó là tàu đổ bộ tấn công.

Với chiến lược này, Liên Xô phát triển kế hoạch đối phó tàu sân bay xoay quanh tên lửa hành trình diệt hạm phóng từ tàu mặt nước, tàu ngầm và oanh tạc cơ. Hải quân Liên Xô ứng dụng công nghệ tên lửa hành trình trên mọi chiến hạm, bao gồm cả tàu sân bay Đề án 1143 “Krechyet” và Đề án 11435 “Kuznetsov”.

Oanh tạc cơ hải quân Tu-16, Tu-22 và Tu-95 là nền tảng triển khai tên lửa trên không, trong khi tàu khu trục, tuần dương hạm và tàu ngầm hạt nhân tấn công được trang nhiều loại tên lửa diệt hạm siêu thanh.

Tuy nhiên, điều này có thể là không đủ. Liên Xô đánh giá lưới phòng thủ của nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ dày đặc đến mức cần khoảng 100 oanh tạc cơ để đánh chìm một tàu sân bay, trong đó một nửa máy bay có thể bị tiêu diệt. Quân đội nước này cũng tính tới khả năng nhiều tên lửa bị đánh chặn, buộc họ trang bị đầu đạn hạt nhân để bảo đảm hủy diệt tàu sân bay Mỹ chỉ với một tên lửa trúng đích.

Hai tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông hồi tháng 7/2020. Ảnh: US Navy.
Hai tàu sân bay Mỹ diễn tập trên Biển Đông hồi tháng 7/2020. Ảnh: US Navy.

Sự thống trị của tàu sân bay Mỹ càng được đảm bảo sau khi Liên Xô tan rã và Chiến tranh Lạnh kết thúc. Lực lượng hàng không mẫu hạm luôn đóng vai trò then chốt trong mọi xung đột của Mỹ kể từ thập niên 1990. Dù vậy, trật tự thế giới hậu Chiến tranh Lạnh đang dần thay đổi, nhất là với sự trỗi dậy về kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Tàu sân bay là mối lo ngại lớn nhất của Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn luôn bị ám ảnh trước sức mạnh của hàng không mẫu hạm Mỹ trong cuộc khủng hoảng Đài Loan năm 1996, khi Washington điều động hai nhóm tác chiến tàu sân bay nhằm đáp trả hành động đe dọa sử dụng vũ lực của Bắc Kinh ở eo biển Đài Loan.

Quân đội Trung Quốc lúc đó nhận ra rằng họ hoàn toàn không có một vũ khí nào đủ sức chế áp tàu sân bay Mỹ, dù chúng hoạt động không xa bờ biển. Bắc Kinh gần như bị áp đảo trước những siêu tàu sân bay lớp Nimitz và phải thừa nhận trong cay đắng rằng họ không thể ngăn cản Washington hỗ trợ Đài Bắc khi xung đột nổ ra.

Sau sự kiện này, Trung Quốc coi sự thống trị của tàu sân bay Mỹ là biểu hiện của ngoại giao pháo hạm, thể hiện rằng Bắc Kinh luôn ở “chiếu dưới” trên các vùng biển sâu nếu không có phương án chống lại sự áp đảo của Washington. Điều đó thúc đẩy Trung Quốc tiến hành cải cách, hiện đại hóa quân đội một cách mạnh mẽ.

Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào năng lực chống hạm. Nước này mua sắm hàng loạt vũ khí từ Nga như tiêm kích đa năng Su-30MKK, 12 tàu ngầm tấn công Đề án 636 và 4 khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường Đề án 956 Sarych, còn gọi là lớp Sovremenny.

Tên lửa vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Nước này đang sở hữu một trong những kho tên lửa lớn và hiện đại nhất thế giới, 95% trong số đó không nằm trong điều khoản kiểm soát bởi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân Tầm trung (INF), vốn cấm Mỹ và Nga phát triển tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.000 km.

Quả đạn DF-21 và DF-26B được phóng tới Biển Đông hồi tháng 8 có tầm bắn lần lượt là 2.100 km và gần 3.900 km.

Tên lửa DF-21D duyệt binh tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Ảnh: AP.
Tên lửa DF-21D duyệt binh tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Tên lửa đạn đạo diệt hạm Trung Quốc có tầm bắn, tốc độ và độ cao lớn hơn nhiều so với tên lửa hành trình thời Liên Xô, cho phép chúng xuyên thủng lá chắn phòng thủ của nhóm tác chiến tàu sân bay và buộc hạm đội Mỹ hoạt động xa bờ biển tới mức không đoàn trên hạm trở nên vô dụng.

Báo cáo được Lầu Năm Góc công bố năm ngoái thừa nhận công nghệ tên lửa là lĩnh vực mà Trung Quốc đã “đạt cân bằng, thậm chí vượt mặt Mỹ”.

Tên lửa siêu vượt âm cũng là một đe dọa nghiêm trọng với tàu sân bay Mỹ. Chúng thường có tốc độ gấp 5 lần âm thanh hoặc cao hơn, khiến hệ thống phòng thủ trên các chiến hạm Mỹ không thể phản ứng một cách hiệu quả. Các loại tên lửa này cũng có thể thay đổi hành trình trong khi bay, khiến chúng gần như không thể bị đánh chặn.

Trung Quốc đã biên chế hai loại tên lửa siêu vượt âm gồm DF-17 và DF-100. Nga cũng đã sở hữu hàng loạt mẫu tên lửa siêu nhanh này, trong đó dòng Kh-47M2 Kinzhal đã được trang bị cho tiêm kích MiG-31K. Tên lửa Zircon cũng là dự án đầy hứa hẹn khi Moskva hy vọng có thể trang bị chúng cho toàn bộ chiến hạm mới.

Giới chức Anh từng nhiều lần bày tỏ lo ngại về mối đe dọa của tên lửa siêu vượt âm Nga với tàu sân bay. “Chúng gần như không thể bị đánh chặn. Tàu sân bay sẽ phải hoạt động cách bờ biển hàng trăm km để không lọt vào tầm bắn của tên lửa, phi đoàn trên hạm sẽ trở nên vô dụng và nhóm tác chiến tàu sân bay sẽ không còn ý nghĩa”, quan chức hải quân Anh giấu tên thừa nhận.

“Năng lực thực sự của vũ khí diệt hạm Nga, Trung Quốc vẫn là bí ẩn, nhưng các thử nghiệm gần đây cho thấy tàu sân bay Mỹ sẽ sớm mất đi vị trí thống trị trên biển hiện nay”, Brimelow nhận xét.

Vũ Anh (Theo Business Insider)

Bài mới
Đọc nhiều