Buồn của châu Âu: Khủng hoảng năng lượng chưa qua, khủng hoảng nước đã tới
Gần 50% diện tích của Liên minh châu Âu (EU) đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng do đợt nắng nóng kéo dài.
Theo báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu chung (JRC) của EC công bố hôm 26/7, 46% lãnh thổ của EU đang trong tình trạng hạn hán ở mức độ cảnh báo, còn lại 11% đã ở tình trạng báo động. Các đợt nắng nóng vào tháng 6 và tháng 7 vừa qua đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lượng mưa.
Hơn nữa, dòng chảy của các con sông ở một số quốc gia cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và lượng nước dự trữ đang dần cạn kiệt. Châu Âu đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình trạng hạn hán và thiếu nước kéo dài.
Các chuyên gia chỉ ra rằng tình hình không chỉ đặc biệt đáng lo ngại ở Pháp, Romania, miền Tây nước Đức, mà còn ở Ý, Hy Lạp và Bán đảo Iberia.
Tại Ý, sau nhiều tháng khô hạn, mực nước sông Po và sông Dora Baltea đã giảm mạnh so với mức trung bình tới 8 lần. Cả hai con sông đều cung cấp nước cho rất nhiều khu vực nông nghiệp quan trọng ở Italia. Theo dự báo, 30% sản lượng nông nghiệp của nước này có nguy cơ mất trắng bởi hạn hán trong năm 2022.
Cơ quan quản lý thủy lợi khu vực sông Sesia (Tây Bắc Ý) thậm chí còn ra lệnh cấm tưới cây ăn quả để dành nước tưới cho cây lương thực. Còn ở Verona, người đứng đầu thành phố đã ra lệnh cấm sử dụng nước để tưới vườn, rửa xe,… từ nay cho đến cuối tháng 8, nhằm bảo đảm có đủ nguồn cung cấp nước uống. Các khu vườn trồng rau chỉ được tưới vào ban đêm để tiết kiệm tối đa lượng nước tiêu thụ.
Tại Thụy Điển, hạn hán kéo dài kèm theo nhiệt độ cao khiến thu hoạch ngũ cốc dự báo cũng sẽ giảm khoảng 30%. Ngoài ra, người đứng đầu Ủy ban Nông nghiệp Thụy Điển Harald Svensson cho biết, phần lớn nông dân tại nước này đã phải sử dụng tới nguồn dự trữ thức ăn chăn nuôi gia súc cho mùa đông để qua đợt hạn hán mùa hè này. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 4% nông trại của nước này đang đối mặt với nguy cơ ngừng các hoạt động chăn nuôi, bởi sản lượng thu hoạch các loại cây làm thức ăn cho gia súc đã giảm hơn 40% so với các năm.
Tương tự, các nông trại sản xuất bơ sữa bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Theo ông Erwin Schoepges, Chủ tịch Hiệp hội sữa Thụy Điển cho biết, hiện nông dân chỉ có thể bán tối đa 30 – 33 cent/lít sữa, trong khi chi phí sản xuất là 40 – 45 cent/lít. Trước tình hình trên, nhiều nông dân châu Âu đã buộc phải lựa chọn đưa bò sữa đi mổ thịt. Nhiều ý kiến cho rằng, dù có các nỗ lực từ phía chính phủ, họ vẫn sẽ lựa chọn từ bỏ hoạt động chăn nuôi.
Tại Tây Ban Nha, lượng nước trong các hồ chứa đã giảm 31% so với bình thường, khiến sản lượng điện giảm 3.060 GWh trong 6 tháng đầu năm. Việc thiếu nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của các nhà máy nhiệt điện, buộc chính phủ Tây Ban Nha phải thông báo tạm dừng năm con đập để “bảo toàn khối lượng cần thiết cho việc cung cấp cộng đồng”. Tại một quốc gia mà gần 30% năng lượng tiêu thụ đến từ thủy điện, động thái này cảnh báo rằng giá điện tại đây có thể tăng vọt trong thời gian tới.
Tại Pháp, ngành giao thông đường thủy cũng được dự báo sẽ phải đối mặt với một số khó khăn do tình trạng hạn hán gây ra. Theo Cơ quan khí tượng Pháp, hạn hán đã làm mực nước các con sông ở một nơi hạ xuống mức thấp nhất trong hơn 100 năm qua, gây khó khăn cho tàu thuyền đi lại, nhất là trên hai sông lớn nhất của Pháp là sông Rhine và sông Danube. Thâm hụt lượng mưa cũng khiến các con sông tại Pháp khô cạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến dịch vụ du lịch bằng đường thủy.
“Tại châu Âu, đúng là khủng hoảng năng lượng chưa qua, khủng hoảng nước đã tới”, ông Juan Pardo Martinez, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phát triển Novagric (Thụy Sĩ) cho hay. Điều đó cũng có nghĩa là tình trạng hạn hán nghiêm trọng mà châu Âu đang phải gánh chịu cùng với tác động từ cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu do xung đột Nga – Ukraine chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những biến động kinh tế – chính trị của nhiều nước EU.
Lan Hoa