+
Aa
-
like
comment

Buổi gặp xúc động của Chủ tịch nước với 16 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt

20/11/2021 08:47

Cô bé mồ côi bán vé số bị tai nạn mất một chân, từng được Chủ tịch nước gửi thư động viên ‘chắc chắn bác cháu ta sẽ gặp gỡ’. Nay lời hẹn đó thành hiện thực. Trước số phận và tài năng của các em, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bài học về ý chí của các em cũng chính là bài học cho người lớn.

Tại Phủ Chủ tịch chiều 19/11, Nguyễn Thị Hoàng Oanh không ngăn nổi xúc động trước cuộc gặp mặt bất ngờ. Em dõng dạc nói những lời đã ấp ủ. “Con không ngờ những khó khăn đã trải qua suốt nhiều năm bác đều nhận thấy. Những tâm sự của con, cả ước mơ trở thành bác sĩ cũng được bác biết”, cô bé 16 tuổi, học lớp 10 một trường cấp ba ở quận Gò Vấp, TP HCM chia sẻ.

Cô bé Hoàng Oanh, 16 tuổi chia sẻ câu chuyện nghị lực của mình tại Phủ Chủ tịch, chiều 19/11. Ảnh: Lê Đình Tùng

Hoàng Oanh mồ côi mẹ từ nhỏ, cha bỏ đi, em sống với một người họ hàng. Từ năm lớp Hai, em đã cùng bà dì đi bán vé số bất kể nắng mưa, tranh thủ học dưới đèn đường đêm muộn. Một tai nạn khi đi bán vé số bảy năm trước đã cướp đi một bên chân trái của Oanh.

“Tuy sống trong xóm lao động nghèo, em không bao giờ khiến mọi người thương hại mà luôn thể hiện sự mạnh mẽ và cố gắng học giỏi”, cô Đông Hà, giáo viên chủ nhiệm của Oanh chia sẻ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh với 16 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, cùng các bộ ban ngành và ban tổ chức chương trình Vì một Việt Nam tất thắng, chiều 19 tháng 11.

Hoàn cảnh và nghị lực của Hoàng Oanh tình cờ được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc biết được qua một bài báo cũ, vào mùa tựu trường năm 2019. Cuộc đời cô bé đã thay đổi từ đó.

Nhờ bức thư của Chủ tịch nước, Hoàng Oanh có sức mạnh vượt qua những ngày phẫu thuật để phục hồi. Từ mặc cảm tự ti, em không còn ngại ngùng khi gặp bạn bè trên đường bán vé số. Nhiều sự giúp đỡ của các cá nhân và chính quyền các cấp đã đến sau đó, giúp em không còn phải mưu sinh, được yên tâm ở nhà học hành và nuôi dưỡng ước mơ.

Bé Phương Thảo, 11 tuổi, đến từ Thái Nguyên cũng không may mắc bệnh hiểm nghèo. Em phải dừng việc học trong hai năm để chữa bệnh. Phương Thảo cũng gây chú ý trong cuộc thi sáng tác văn học của chương trình Vì một Việt Nam tất thắng.
Cậu bé Hà Lê Minh, 9 tuổi, ở Thanh Hóa bị ung thư. Em gây chú ý trong cuộc thi văn học.

Đầu tháng Chín, Oanh chia sẻ câu chuyện bức thư thay đổi đời mình trong cuộc thi Vì một Việt Nam tất thắng. Hoàng Oanh trở thành một trong 16 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt và thành tích xuất sắc của cuộc thi được gặp gỡ người đứng đầu nhà nước. Trong bức thư gửi chương trình, em viết: “Mỗi lần buồn hay mất phương hướng, cháu lại mở bức thư của bác ra đọc và không còn cảm thấy tuyệt vọng hay cô đơn nữa. Cháu thấy mình là người may mắn”.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ sự xúc động khi được gặp Hoàng Oanh. “So với thời điểm ba năm trước khi tôi gửi thư cho cháu, tôi thấy cháu đã trưởng thành, đã trở thành một người truyền cảm hứng về sự dũng cảm, ý chí, nỗ lực không ngừng với cả cộng đồng”, ông nói.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ 16 em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt chiều 19/11. Ảnh: Tùng Đinh

Có những khoảnh khắc khiến khán phòng lặng đi. Đó là khi Đỗ Thị Phương Anh, cô bé mồ côi ở làng trẻ SOS Hải Phòng, kể câu chuyện của mình. Vào ngày 16 tháng 11 của 18 năm trước, em được phát hiện trong bụi tre với chiếc tã lót duy nhất đã ướt nước cống, toàn thân là vết muỗi cắn. Sau này, ngày đó được chọn làm sinh nhật của em.

“Trùng hợp sao cũng ngày đó năm nay, con được trao học bổng toàn phần của Đại học Anh quốc. May mắn nữa khi hôm nay con được đứng đây khoe niềm vui này với bác”, em rưng rưng nói.

Phương Anh tham dự cuộc thi bằng bức thư “Gửi những người mẹ tương lai”, bày tỏ nỗi trăn trở các mẹ ở làng trẻ đã già, sức đã cạn kiệt và mong những người mẹ mới hãy đến với các em. Cô bé cũng đặt mục tiêu ngành học tương lai của mình sẽ giúp ích được nhiều hơn cho làng trẻ.

Khán phòng cũng đặc biệt chú ý tới Nguyễn Vũ Duy, 14 tuổi, ở Nam Định. Duy mắc ung thư não hơn ba năm. Những đợt hóa trị lần ba khiến tóc em chưa mọc lại. Mới tuần trước thôi em còn không đứng lên được.

Nhưng, Vũ Duy là một trong những thí sinh gửi nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi nhất, gồm: một bức tranh, một lá thư và ba bài thơ. Tất cả đều ra đời khi em đang nằm trên giường bệnh, tay vẫn đeo kim truyền.

Giữa rất nhiều các bạn chia sẻ ước mơ trở thành bác sĩ, nhà giáo, Vũ Duy nói về ước mơ bình dị là trở thành một đầu bếp, khiến Chủ tịch nước ngợi khen. Suốt những tháng ngày bị ốm, được vào bếp nấu ăn đã trở thành niềm vui lớn nhất với Duy.

“Con ước mơ trở thành một đầu bếp để nấu những món ăn ngon cho mọi người và quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới”, cậu bé bộc bạch. Duy còn tiết lộ rất muốn được làm bún chả theo công thức đặc biệt của mình mời Chủ tịch nước và các bạn.

Nguyễn Vũ Duy (giữa) vừa dứt hóa trị ba ngày, đã có mặt trong buổi gặp với Chủ tịch nước. Ảnh: Tùng Đinh

Đến từ làng trẻ SOS Điện Biên, cậu bé người Mông Sùng A Hảng xem cuộc gặp là “món quà lớn nhất cuộc đời từ trước tới nay”. Trái với một A Hảng bình thường nhút nhát, nay cậu bỗng sôi nổi và tự tin cất tiếng nói.

Em chia sẻ về bức tranh kêu gọi mọi người nâng cao ý thức đeo khẩu trang. Điểm ấn tượng trong bức tranh của cậu bé Mông là em không vẽ người mà khắc họa những nấm mồ đeo khẩu trang…

Trước số phận và tài năng của các em, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh bài học về ý chí của các em cũng chính là bài học cho người lớn. “Vượt lên nghịch cảnh, các em đã tạo nên những tác phẩm nhân văn, giúp khơi dậy, cổ vũ ý chí quật cường trong mỗi người Việt Nam để cùng cố gắng, có niềm tin mạnh mẽ hơn để chiến thắng đại dịch”, ông nói.

Chủ tịch nước nhắc nhở lãnh đạo các bộ, ngành cần chăm lo tốt hơn cho trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau, không để trẻ em mồ côi, khó khăn bị lạc lõng, cô độc giữa dòng đời”.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều