Bước tiến của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam
Nếu như trước đây, các cảng biển ở Việt Nam đã quen với việc tàu hàng cỡ lớn chở theo hàng nghìn ô tô nhập khẩu cập bến. Thì nay, lần đầu tiên, truyền thông trong nước và quốc tế đã tận mắt chứng kiến những chiếc ô tô thương hiệu Việt từ từ nối đuôi nhau lên tàu để xuất sang thị trường Mỹ – nơi có hàng rào kỹ thuật rất cao, cạnh tranh khốc liệt.
Trước đó, ngày 25/11/2022, tại Cảng MCP Port, Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng) đã diễn ra lễ xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên của VinFast sang thị trường Mỹ. Lô xe VinFast VF8 đầu tiên xuất cảng có số lượng 999 chiếc, được chuyên chở bằng tàu thuê riêng Silver Queen của Panama. Dự kiến, sau khoảng 20 ngày xuất phát từ cảng MPC Port, Hải Phòng, lô xe sẽ cập cảng California, Mỹ và sẽ được bàn giao tới những khách hàng đầu tiên vào cuối tháng 12/2022. Đây là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF8 và VF 9 trên toàn cầu. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023.
Sự kiện đã mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, không chỉ khẳng định đẳng cấp và trí tuệ Việt mà còn hiện thực hóa được khát vọng làm chủ công nghiệp ô tô của nhiều thế hệ cha anh, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.
Trở về những năm 90 của thế kỷ trước, với các dự án lắp ráp, sản xuất xe hơi trong nước nhưng rồi trì hoãn mãi, sau 20 năm lắp ráp vẫn hoàn… lắp ráp. Công nghiệp hỗ trợ thì không phát triển, đến khoảng năm 2015 mới thừa nhận thất bại. Đáng nói, đến năm 2018, khi Hiệp định Thương mại và Hàng hóa trong ASEAN (ATIGA) có hiệu lực đối với ô tô thì Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ “nuôi béo” các hãng xe ngoại đặt tại Thái Lan và Indonesia.
Trước bối cảnh đó, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2026-2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước; đồng thời phấn đấu đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc. Và VinFast chính là một trong những đại diện tiêu biểu trong thực hiện chiến lược nêu trên.
Bắt đầu sản xuất ô tô từ con số không, quyết định bất ngờ này đã tác động không nhỏ đến toàn ngành ô tô Việt Nam và nước ngoài. Tiếp sau đó là quyết định chuyển đổi VinFast thành nhà sản xuất ô tô điện nhằm tận dụng xu hướng sản xuất ô tô điện. Những mẫu xe điện được giới thiệu trong thời gian gần đây đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao về kiểu dáng và công nghệ châu Âu.
Có thể nói, việc VinFast tập trung vào ngành sản xuất ô tô, đặc biệt là ô tô điện là đi đúng với xu thế. Trong đó, việc xuất khẩu ô tô rất có ý nghĩa bởi nỗ lực của doanh nghiệp được khẳng định và ý nghĩa lớn hơn khi đã đưa tên Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu ô tô thế giới. Điều này khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện sự quan tâm, ủng hộ khuyến khích các doanh nghiệp phát triển đúng pháp luật, góp phần xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, đây là sự kiện có ý nghĩa nhiều mặt khi lần đầu tiên những chiếc ô tô điện của Việt Nam tham gia vào thị trường toàn cầu. Đồng thời Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp tự lực hoạt động đúng pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững, nhận thức rõ công nghệ và công nghiệp chính là câu trả lời cho sự phát triển bền vững của đất nước và doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi hy vọng, cùng với những chiếc xe điện thông minh VinFast lăn bánh trên các nẻo đường thế giới, hình ảnh về một Việt Nam mới, năng động và phát triển cũng sẽ được quảng bá rộng rãi hơn trong mắt bạn bè quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Diệu Hương