Bước qua lằn ranh chia cắt
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bước qua giới tuyến chia cắt Triều Tiên để bắt tay với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un ngay trên phần đất Triều Tiên trưa 30-6. “Thật vui khi được gặp ông lần nữa” – ông Trump nói ngay khi gặp ông Kim.
Tôi đã rất bất ngờ khi nghe về lời mời được đưa ra trên Twitter của ông, và phải đến chiều hôm đó (29-6) tôi mới xác nhận được chuyện đó là thật.
Ông Kim Jong Un tiết lộ khi ngồi nói chuyện với ông Trump.
20 bước chân của ông Trump trên đất Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm – biểu tượng của sự chia cắt – có thể là một khoảng cách vật lý ngắn nhưng trong quan hệ Mỹ – Triều, đó là một bước tiến dài mang tính lịch sử.
Cái bắt tay giữa ông Trump và ông Kim càng có ý nghĩa hơn nếu nhìn lại các sự kiện lịch sử đã xảy ra cách đây 69 năm.
Đúng vào ngày 30-6-1950, các máy bay Mỹ bắt đầu ném bom xuống lãnh thổ Triều Tiên – một phần của cuộc chiến khốc liệt dẫn đến những căng thẳng kéo dài đến tận hôm nay giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Hội đàm hơn 40 phút
Cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Triều Tiên thực tế không diễn ra nhanh chóng như ông Trump nói trước đó. Hai nhà lãnh đạo đã hội đàm hơn 40 phút trên lãnh thổ Hàn Quốc, trước khi cùng phát đi các tín hiệu tích cực về mối quan hệ giữa hai nước.
Khi đến trước đường ranh giới phân ly đôi miền Triều Tiên, Tổng thống Trump mỉm cười và khẽ gật đầu chào ông Kim Jong Un đang đứng bên kia lằn ranh. Nhà lãnh đạo Mỹ sải từng bước chân về phía bắc.
Ở bên kia biên giới, chủ tịch Triều Tiên cũng bắt đầu tiến về phía nam. Nhưng cuối cùng, với thể hình lớn hơn và khoảng cách đến lằn ranh gần hơn, ông Trump là người đến trước. Ông Kim cố gắng đi nhanh hơn để người kia không phải đợi lâu, một hành động thể hiện truyền thống tôn trọng người nhiều tuổi hơn của người Triều Tiên.
Hai nhà lãnh đạo sau đó cùng bắt tay nhau, nói với nhau vài điều trước khi ông Trump hỏi ông Kim rằng có muốn mình bước qua lằn ranh chia cắt hai miền Triều Tiên hay không. Và ông Kim đã đồng ý, họ cùng nhau đi một đoạn ngắn trước khi bắt tay một lần nữa trước rừng ống kính bởi không ai muốn bỏ lỡ khoảnh khắc lịch sử ấy.
Đó là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương chức đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, điều chưa từng xảy ra kể từ sau cuộc chiến 1953. Chủ tịch Triều Tiên sau đó cùng tổng thống Mỹ đi sang lãnh thổ Hàn Quốc, nơi diễn ra cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều.
“Tôi cảm thấy tự hào khi bước qua được lằn ranh đó” – tổng thống Mỹ trải lòng khi ngồi cạnh ông Kim Jong Un. Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên nhận định hành động của ông Trump đáng được “ghi vào lịch sử chính trị thế giới”, là cử chỉ cho thấy tổng thống Mỹ sẵn sàng “gạt qua tất cả những bất đồng trong quá khứ và mở ra một tương lai mới giữa hai nước”.
Ông Kim “rất bất ngờ khi biết lời mời”
Trong lúc các hình ảnh về cái bắt tay và những bước chân của ông Trump, ông Kim tràn ngập các phương tiện truyền thông thế giới, câu hỏi về việc cuộc gặp này đã được chuẩn bị như thế nào vẫn chưa có lời giải đáp.
Tổng thống Trump chỉ tuyên bố sẽ gặp Chủ tịch Kim tại khu phi quân sự DMZ vào ngày 29-6, chỉ một ngày trước khi cuộc gặp thực sự diễn ra. Điều đáng nói, công cụ mà ông Trump phát đi “lời hẹn” là qua mạng xã hội Twitter.
“Tôi đã luôn muốn gặp lại ông. Nơi này thật sự đặc biệt và gợi nhớ về những thời kỳ lịch sử đau buồn của người Triều Tiên. Vậy nên thật có ý nghĩa biết bao khi tôi có thể gặp ông tại đây với tâm thế và những suy nghĩ tích cực. Tôi tin rằng điều này sẽ có ảnh hưởng tích cực đến các cuộc đàm phán giữa chúng ta trong tương lai” – ông Kim nói trong cuộc gặp ông Trump ở Bàn Môn Điếm, trên đất Hàn Quốc.
Theo tiết lộ của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, từ giữa tuần trước các nỗ lực thu xếp cuộc gặp Trump – Kim đã được tiến hành bí mật. Trong cuộc gặp sau đó bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka (Nhật Bản), ông Moon còn bị ông Trump nhắc khéo là nên đọc Twitter của ông, ám chỉ việc cần hỗ trợ xử lý cho cuộc gặp với ông Kim ở DMZ.
Triều Tiên và Hàn Quốc có một văn phòng liên lạc chung hoạt động như một đại sứ quán đặt tại Kaesong, nên việc Seoul chuyển cho Bình Nhưỡng lời đề nghị của ông Trump không có gì khó khăn.
Tuy nhiên, dựa trên thái độ phản ứng của các quan chức và truyền thông Triều Tiên, có thể thấy Bình Nhưỡng đã bị bất ngờ trước mong muốn của tổng thống Mỹ. Thậm chí Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui còn nói đề nghị của ông Trump “rất thú vị, nhưng Bình Nhưỡng chưa nhận được bất kỳ đề nghị chính thức nào”.
Một số nhà quan sát nhận định ông Trump rõ ràng muốn đo “thành ý” của Triều Tiên sau cuộc gặp không đạt được thỏa thuận ở Việt Nam hồi tháng 2, bằng cách chỉ cho Bình Nhưỡng 24 giờ để chuẩn bị.
Sự xuất hiện của ông Kim tại DMZ cũng đã giúp tổng thống Mỹ có được câu trả lời cho riêng mình. “Nếu không phải vì mối quan hệ giữa chúng ta đang cực kỳ tốt, tôi nghĩ sẽ không thể có một cuộc gặp chớp nhoáng như thế này”, các nhận xét của ông Kim càng cho thấy cuộc gặp ngày 30-6 là một sự sắp xếp chóng vánh.
(Theo Tuổi Trẻ)