+
Aa
-
like
comment

Bước ngoặt lùi 10 năm của Huawei và ngành công nghệ toàn cầu

15/09/2020 22:19

Lệnh trừng phạt của Mỹ lên Huawei không chỉ tác động đến các công ty công nghệ Trung Quốc mà còn kéo theo nhiều hệ lụy tới ngành công nghiệp toàn cầu.

Theo nội dung kiểm soát xuất khẩu của Bộ Thương mại Mỹ đưa ra ngày 17/8, các nhà cung cấp không phải doanh nghiệp Mỹ phải ngừng bán linh kiện sản xuất bằng công nghệ Mỹ cho Huawei. Nếu muốn tiếp tục “mối làm ăn” với đại diện Trung Quốc này, các nhà cung cấp cần có giấy phép đặc biệt từ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Nhân viên làm việc trên dây chuyền sản xuất điện thoại di động Huawei ở Đông Hoản, Trung Quốc. Cuộc đàn áp của Mỹ đã chặn đứng công ty khỏi nhiều nhà cung cấp chính. Ảnh: Reuters

Các linh kiện quan trọng với Huawei đều rơi vào thế khó, từ vật liệu bán dẫn chủ chốt, màn hình, ống kính máy ảnh đến bảng mạch in. Huawei đã dự trữ các loại chip cần thiết từ cuối năm 2018, nhưng chưa rõ liệu hãng đã trữ đủ linh kiện điện tử, như màn hình tiên tiến hay ống kính máy ảnh cho điện thoại, hay chưa.

Wu Chia-chau, Chủ tịch Nanya Technology, cho biết: “Các thiết bị điện tử vô cùng phức tạp. Nếu thiếu bất kỳ linh kiện nào, bạn cũng không thể lắp được một thiết bị hoàn chỉnh, dù là điện thoại thông minh, máy tính xách tay hay máy trạm”.

Su Tze-yun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, đồng thời là chuyên gia về chuỗi cung ứng, cho biết Huawei có thể tìm kiếm một vài linh kiện phân khúc thấp để thay thế. “Nhưng điều đó sẽ làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm và thậm chí chúng còn lạc hậu, đẩy hãng thụt lùi về thời điểm cách đây 10 năm”, ông cho hay.

Mảng điện thoại của Huawei bị ảnh hưởng thế nào

Loạt chip Kirin của Huawei, vốn là điểm mạnh của những chiếc điện thoại thông minh hàng đầu và được coi là biểu tượng cho năng lực đổi mới của hãng, phải đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ do lệnh cấm của Mỹ. Vừa qua, Huawei cho biết họ sẽ sử dụng hệ điều hành HarmonyOS 2.0 cho dòng điện thoại thông minh của họ từ năm sau, qua đó cho thấy Huawei không còn mong đợi tiếp tục nối lại sợi dây hợp tác với Google.

Theo thống kê từ công ty nghiên cứu Canalays, Huawei đã gặp khó tại thị trường châu Âu, nơi doanh số bán hàng của hãng giảm 16% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, trong khi Samsung và Xiaomi lần lượt đạt mức tăng trưởng 20 và 48% so với cùng kỳ năm ngoái. “Samsung đã nhanh chóng chớp lấy thời cơ khi Huawei bị liệt vào danh sách đen thương mại của Mỹ, họ đã ngầm xây dựng vị thế như một phương án thay thế ổn định trong những hoạt động giao thương với các nhà bán lẻ và đơn vị kinh doanh quan trọng”, theo một nhà phân tích của Canalays.

Donnie Teng, chuyên viên phân tích đến từ Nomura Securities, nhận định hoạt động kinh doanh trong mảng di động của Huawei phải đối mặt với hàng loạt bất ổn nghiêm trọng.

“Về triển vọng của dòng điện thoại thông minh mũi nhọn sắp ra mắt – được biết đến với tên Mate 40, mẫu điện thoại trọng điểm với tham vọng thay thế iPhone – Huawei tỏ ra vô cùng dè dặt”, ông Teng cho hay. “Chúng tôi dự đoán Huawei sẽ dần mất đi thị phần, ngay cả ở Trung Quốc, sau ngày định mệnh 15/9”, ông nói.

Nhà phân tích Jeff Pu của GF Securities dự báo doanh số smartphone của hãng này thậm chí có thể giảm sâu từ con số 195 triệu máy trong năm nay và 240 triệu máy trong năm 2019, xuống còn vẻn vẹn 50 triệu vào năm tới, nếu Mỹ không có động thái nới lỏng lệnh trừng phạt.

Các mảng kinh doanh khác

Trong suốt hàng chục năm qua, thiết bị viễn thông vốn là mảng kinh doanh trụ cột của Huawei, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các nhà mạng lớn của Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng 5G. Huawei đã lên dây cót chuẩn bị các linh kiện cần thiết trước ít nhất một năm trời. Tuy nhiên, tốc độ lắp đặt 5G ở Trung Quốc đã chậm lại khi Huawei gấp rút tái thiết kế và loại bỏ càng nhiều linh kiện Mỹ khỏi các sản phẩm của mình càng tốt.

Bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, nhiều quốc gia, trong đó có Anh, đã hạn chế sử dụng thiết bị của hãng này.

Stephane Teral, nhà phân tích viễn thông kỳ cựu tại LightCounting Market Research, dự báo: “Đến nay, Huawei là nhà cung cấp thiết bị mạng viễn thông lớn nhất thế giới và do đó hãng cũng là khách hàng tiêu thụ linh kiện lớn nhất của bất kỳ nhà cung cấp nào trong hệ sinh thái… Dự kiến hãng sẽ chịu thiệt hại tài sản thế chấp rất lớn”.

Huawei chiếm khoảng 28% thị trường thiết bị viễn thông. Nếu hãng không thể duy trì doanh số bán hàng hay tiếp tục cung ứng, bên hưởng lợi có thể là Samsung, Ericsson và Nokia, cũng như một số nhà cung cấp đến từ Nhật Bản như NEC và Fujitsu.

Teral cho hay Samsung, một cái tên mới nhưng đầy năng nổ trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị mạng và viễn thông, sẽ là bên được hưởng lợi nhiều nhất, bởi hãng này đã giành được thị phần ở các thị trường quan trọng, như Nhật Bản và Mỹ, đồng thời có được sức hút ở nhiều thị trường khác. Teral tiết lộ thương vụ trị giá 6,7 tỷ USD gần đây với Verizon đã chính thức nâng bậc Samsung lên danh sách nhà cung cấp hàng đầu, sáng ngang với Ericsson, Huawei và Nokia. Điều đó cũng có thể giúp ích ít nhiều cho cái tên NEC của Nhật Bản, vốn là đối tác của Samsung.

Cơ hội cho các đối thủ

Samsung, vốn là đối thủ lớn nhất của Huawei trong lĩnh vực điện thoại thông minh, đã rất tích cực tung ra thêm nhiều sản phẩm mới. Mới đây, hãng này đã mở bán smartphone màn hình gập thế hệ thứ hai tại nhiều quốc gia, trong đó có Đài Loan, trong khi smartphone màn hình gập của Huawei vẫn chỉ được bày bán tại Trung Quốc. Hai nhà sản xuất smartphone lớn nhất theo doanh số bán hàng cũng chính là những cái tên tiên phong sản xuất điện thoại màn hình gập năm 2019, với nỗ lực phô diễn năng lực công nghệ và vực dậy thị trường smartphone đang xuống dốc khi đó.

Xiaomi, Oppo và Realme – những thương hiệu đến từ Trung Quốc – cũng đang dần mở rộng thị phần của mình tại thị trường châu Âu. “Xiaomi hoạt động vô cùng năng nổ ở nước ngoài kể từ khi Huawei thống trị thị trường trong nước. Nhưng Xiaomi vẫn có thể giành lại thị phần ở Trung Quốc khi Huawei không thể tung ra nhiều mẫu điện thoại thông minh như trước đây”, Chiu Shih-fang, chuyên viên phân tích đến từ Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan nhận định.

Apple cũng không để tuột mất cơ hội này. Dù quá trình sản xuất iPhone 5G bị trì hoãn, “ông lớn” của Mỹ dự kiến ra mắt một loạt sản phẩm mới vào ngày 15/9, đồng thời yêu cầu các bên cung cấp chuẩn bị đầy đủ linh kiện cho 80 triệu iPhone mới. Một tín hiệu dự báo tương lai vô cùng lạc quan của hãng.

Ông Teng đến từ Nomura cho biết năm tới, tất cả đối thủ của Huawei – từ Samsung, Oppo, Vivo và Xiaomi, cho đến Apple – đều hy vọng mỗi bên sẽ giành được “20 đến 30 triệu khách hàng” từ tay Huawei. Phía các nhà phân tích cho hay Samsung và Xiaomi đang tỏ ra tích cực hơn những đối thủ khác khi đặt nhiều đơn hàng với chuỗi cung ứng hơn.

Các nhà cung cấp chip bán dẫn bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm Huawei

Việc gấp rút bán những lô linh kiện cuối cùng cho Huawei đã giúp nhiều nhà cung cấp công nghệ có được tháng 8 bội thu. Doanh số hàng tháng của MediaTek tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số báo cáo của Novatek, đơn vị cung cấp chip điều khiển mạch tích hợp màn hình, cho thấy doanh thu hàng tháng của công ty tăng hơn 30%. Con số này của TSMC cũng tăng 16%.

Nhìn chung, giá trị xuất khẩu linh kiện điện tử từ Đài Loan sang Trung Quốc tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sức nóng cũng lan sang thị trường chip DRAM, loại chip cần thiết trong hầu hết các thiết bị điện tử. Nghiên cứu của Nikkei cho thấy giá giao ngay cho loại chip DDR4 8 gigabyte chuẩn là khoảng 2,95 USD (mức giá theo báo cáo vào cuối tuần trước), cao hơn 7% so với mức thấp gần đây vào đầu tháng 9. Theo một nguồn tin từ nhà kinh doanh chất bán dẫn của Nhật Bản, Huawei đang cố gắng “gom mua” khi lệnh cấm vận của Washington đang đến rất gần.

Tuy nhiên, có thể thấy rõ những công ty này đứng trước rủi ro sụt giảm doanh thu đột ngột sau khi không thể tiếp tục giao hàng cho Huawei nữa. Họ sẽ cần thêm thời gian để cân bằng lại danh mục khách hàng của mình.

TSMC, đơn vị cung cấp có Huawei là khách hàng tiêu thụ lớn thứ hai, chiếm gần 20% doanh thu của hãng, đã nhanh chóng “lấp đầy” vài khoảng trống nhờ nhu cầu tăng mạnh về cơ sở hạ tầng 5G, ứng dụng điện toán hiệu suất cao và điện thoại thông minh 5G đến từ các khách hàng khác như Apple, Nvidia và AMD.

Tuy nhiên, không phải nhà cung cấp nào cũng có cơ sở khách hàng đa dạng như vậy và dấu hiệu chững lại của nền kinh tế toàn cầu lại kéo theo thêm nhiều bất ổn. ASE Technology Holding, nhà đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới, đã cảnh báo rằng lệnh cấm nhằm vào Huawei sẽ ảnh hưởng đến doanh thu năm 2020.

Các nhà phân tích cho biết một số đơn vị sản xuất chip nhớ của Hàn Quốc, như Samsung và SK Hynix, cũng phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Theo Eugene Investment & Securities, Huawei là khách hàng lớn thứ hai của Samsung về vật liệu bán dẫn, chỉ đứng sau Apple, chiếm 3,2% doanh số của công ty. Còn với SK Hynix, Huawei chiếm 11,4% doanh số.

Một số nhà cung cấp cho hay họ kỳ vọng nhu cầu về 5G vẫn tăng cao và thị trường dần ổn định trở lại sau những bất ổn. Joe Tseng, người phát ngôn của Win Semiconductors, đơn vị cung cấp lâu năm cho Huawei, tiết lộ: “Chúng tôi không thể tránh khỏi những tác động ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, chúng tôi tin rằng thị trường vẫn có nhu cầu và sẽ ổn định, tái cân bằng, đồng thời nhu cầu 5G vẫn còn rất cao”.

Số phận Huawei thế nào sau bầu cử Mỹ

Dù ai lên cầm quyền vào ngày 3/11 tới, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cạnh tranh để giành vị trí tối cao về công nghệ.

Joe Biden, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ và là người thách thức Trump tái đắc cử, đã đưa ra lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Chiến dịch của Biden nêu bật các chính sách kiềm chế sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ bao gồm 5G và trí tuệ nhân tạo.

Tuy nhiên, Biden công khai chỉ trích cuộc chiến thương mại của Trump mang tính “hủy diệt” đối với nền kinh tế Mỹ. Nếu đắc cử, Biden cho biết ông sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh trong việc xây dựng mặt trận thống nhất, nhằm gây áp lực với Trung Quốc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng ông đồng thời sẵn sàng ngồi vào bàn hợp tác với Bắc Kinh để giải quyết những thách thức toàn cầu.

Nhiều nhà quan sát thị trường và giám đốc điều hành trong ngành tin rằng nếu Biden đắc cử, Mỹ có thể sẽ đối thoại nhiều hơn với Trung Quốc và thậm chí nới lỏng lệnh cấm đối với một số sản phẩm điện tử tiêu dùng ít liên quan đến an ninh quốc gia và các lĩnh vực quan trọng như mạng lõi 5G và trí tuệ nhân tạo.

Hải Yến

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều