“Bước ngoặt lịch sử” khiến Nhật Bản thay đổi
Trong ngày 7/4, trang CNN đã đăng tải bài phỏng vấn với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, trước khi ông có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào cuối tuần này.
Ông cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine, chiến sự ở Trung Đông và căng thẳng ở Đông Á khiến thế giới đứng trước bước ngoặt lịch sử.
“Đó là lý do Nhật Bản quyết định tăng cường khả năng phòng thủ của mình và chúng tôi đang thay đổi đáng kể chính sách an ninh trên các mặt trận này”, Thủ tướng Nhật Bản nói.
Thủ tướng Kishida nhấn mạnh, trước những thách thức an ninh ngày càng gia tăng, liên minh Nhật-Mỹ trở nên “quan trọng hơn bao giờ hết”, một quan điểm mà ông hy vọng sẽ được cả hai đảng ở Washington ủng hộ.
Thủ tướng Kishida sẽ có cuộc gặp Tổng thống Biden ở Washington ngày 10/4. Ông cũng sẽ có bài phát biểu tại phiên họp chung của Quốc hội Mỹ và tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa Nhật Bản, Mỹ và Philippines.
Ông Kishida cho rằng cuộc gặp song phương với Tổng thống Biden là cơ hội lịch sử để hai nước hiện đại hóa quan hệ liên minh, khi cả hai đều để tâm đến những mối đe dọa từ việc Triều Tiên thử vũ khí và phát triển quan hệ với Nga, đến vấn đề Biển Đông và Đài Loan (Trung Quốc).
Quan hệ đối tác với Nhật Bản từ lâu đã là trọng tâm trong chiến lược của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Quan hệ này càng được mở rộng dưới thời Thủ tướng Kishida, với nỗ lực nhằm nâng cao vị thế của Nhật Bản trong an ninh khu vực và toàn cầu.
Từ khi nhậm chức năm 2021, Thủ tướng Kishida đã triển khai những thay đổi sâu rộng trong thế trận phòng thủ của Nhật Bản, tăng chi tiêu quốc phòng lên khoảng 2% tổng GDP vào năm 2027 và phát triển năng lực phản công.
Khi được hỏi về những thay đổi đó, ông Kishida nói đến môi trường an ninh “nghiêm trọng và phức tạp” xung quanh nền kinh tế lớn thứ tư thế giới.
“Trong khu vực lân cận của chúng tôi, có những quốc gia đang phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, trong khi những quốc gia khác đang xây dựng khả năng phòng thủ của mình một cách không rõ ràng. Ngoài ra, còn có nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, bằng vũ lực, ở cả Biển Hoa Đông và Biển Đông”, ông nói.
Thủ tướng Nhật Bản cho rằng việc xây dựng năng lực răn đe và đáp trả của Nhật Bản cũng là điều “thiết yếu” trong quan hệ liên minh với Mỹ.
“Tôi hy vọng Mỹ sẽ hiểu điều này và chúng ta có thể hợp tác cùng nhau để cải thiện hòa bình và ổn định trong khu vực. Tôi nghĩ điều quan trọng là phải cho thế giới thấy rằng Mỹ và Nhật Bản sẽ phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác của chúng ta thông qua chuyến thăm của tôi”, ông Kishida nói.
Các sự kiện diễn ra trong tuần này sẽ là nền tảng cho việc nâng cao hơn nữa mức độ hợp tác giữa Nhật Bản và một đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á – Philippines.
Thượng đỉnh ba bên lần này diễn ra chưa đầy 1 năm sau cuộc gặp mang tính đột phá giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cả hai hội nghị này đều nhấn mạnh vai trò trung tâm của Nhật Bản trong chiến lược an ninh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và tăng cường phối hợp với các đồng minh và đối tác trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng.
Trước đó, phát biểu tại lễ tốt nghiệp Học viện Quốc phòng ở thành phố Yokosuka, tỉnh Kanagawa, phía Nam thủ đô Tokyo, Thủ tướng Kishida nói: “Chúng tôi sẽ củng cố hoàn toàn năng lực phòng thủ của đất nước trong 5 năm tới.” Nhiệm vụ này “sẽ chỉ hoàn thành sau khi các biện pháp được nêu ra trong ba văn kiện về quốc phòng được triển khai thực hiện.”
Thủ tướng Kishida Fumio nhấn mạnh, Chính phủ Nhật Bản “đã đưa ra một loạt biện pháp cần thiết để tăng cường sức mạnh phòng thủ của nước này thông qua các mô phỏng rất thực tế”.
Vào tháng 12/2022, nội các Nhật Bản đã thông qua các dự thảo sửa đổi ba văn bản quan trọng về quốc phòng, gồm bản cập nhật Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS), Chiến lược Quốc phòng và Chương trình Quốc phòng Trung hạn.
Trong chiến lược mới sửa đổi, Chính phủ Nhật Bản khẳng định, Nhật Bản đang phải đối mặt “với môi trường an ninh phức tạp và xấu nhất” kể từ Thế chiến thứ hai. Vì vậy, việc phòng thủ tên lửa là chưa đủ để đối phó với “sự tăng cường đáng kể các lực lượng tên lửa” của các quốc gia láng giềng.
Xuất phát từ thực trạng đó, trong Chiến lược An ninh Quốc gia, Chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh, nước này cần sở hữu năng lực “thực hiện các cuộc phản công hiệu quả vào lãnh thổ của kẻ thù như một biện pháp tự vệ tối thiểu.”
Điều này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách an ninh của Nhật Bản trong thời hậu chiến, trước đó vốn chỉ tập trung vào phòng vệ. Để tăng cường năng lực quốc phòng, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng hàng năm lên tương đương 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào tài khóa 2027.
Bảo Trâm