Quan hệ Việt Nam – Campuchia và những “ngọn lửa thử vàng”
Campuchia – Việt Nam vốn là một mối quan hệ nhạy cảm. Dù cho Việt Nam từng giúp nước bạn đánh dẹp Khmer Đỏ, nhưng tới nay tâm lý bài trừ người Việt ở Campuchia vẫn rất cao. Và sẽ thật tai hại nếu các quan chức ở thủ đô Phnom Penh cũng có ác cảm Việt Nam, do đó giữ gìn mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước là điều luôn được đặt lên hàng đầu. Cũng chính vì thế, cần phải hiểu rõ những chủ trương đối ngoại của Việt Nam hiện nay như thế nào để giữ gìn tình bạn cả hai nước.
Campuchia, một quốc gia có thể xem là cực kỳ nhạy cảm về mặt địa chính trị với Việt Nam. Trong quá khứ, đây từng là nơi mà chính quyền Khmer Đỏ dùng làm bàn đạp tấn công xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam. Hay như hiện tại là cảng Ream tại Campuchia cũng trở thành vấn đề khúc mắc giữa hai nước, do tin tức chưa được xác thực về việc Trung Quốc định biến nơi đây thành một căn cứ hải quân.
Kể từ khi vấn đề cảng Ream nổi lên, đi kèm với những động thái thân thiết giữa Trung Quốc và Campuchia, cho đến việc chính quyền Phnom Penh mạnh dạn chỉ trích Mỹ trên rất nhiều vấn đề, những tưởng quan hệ với Việt Nam cũng sẽ theo đó mà đi vào bế tắc và đổ vỡ. Tuy nhiên, với những thỏa thuận mới đạt được thì có thể thấy rằng một bước đột phá trong quan hệ hai nước đã được mở ra. Mới đây nhân ngày kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia, các quan chức từ cả hai nước đều đưa ra cam kết rằng: “Sẽ không cho những thế lực thù địch sử dụng lãnh thổ để gây phương hại nước kia”.
Có được lời cam kết này từ phía nước bạn, Việt Nam đã thật sự yên tâm hơn rất nhiều. Bởi giờ đây có thể thấy được mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia đang cực kỳ tốt đẹp. Hay nói rộng hơn là mối quan hệ giữa ba nước Trung Quốc – Việt Nam – Campuchia đều đang được gìn giữ rất tốt, mặc cho giữa chúng ta và hai nước láng giềng đúng là vẫn còn những nút thắt tồn đọng chưa được tháo gỡ hết.
Hiểu rõ mối quan hệ Việt Nam và Campuchia
Thẳng thắn thừa nhận, hiện nay vẫn có một bộ phận người Campuchia mang suy nghĩ rằng Campuchia đã bị mất đất về tay nước Việt, rằng nhiều vùng lãnh thổ của mình đã bị mất vào tay nước Đại Việt trong lịch sử. Chính vì chuyện tranh chấp lãnh thổ này mà tư tưởng thù địch với Việt Nam trỗi dậy rất mạnh mẽ ở Campuchia.
Dù cho có một giai đoạn Campuchia đã kề vai sát cánh cùng với chúng ta để giải phóng nhân dân hai nước khỏi chế độ thuộc địa, nhưng sau này vấn đề lịch sử thì vẫn bị đem ra lợi dụng bởi các chính khách Campuchia để chiếm lấy lòng dân. Từ đó, hòng chiếm lấy quyền lực tiếp quản chính quyền. Sự lạm dụng chủ đề này đã dẫn tới một hệ lụy là tư tưởng bài trừ người Việt ở Campuchia đã phát triển mạnh mẽ, nó đã ăn sâu vào văn hóa và tiềm thức người Campuchia rằng Việt Nam luôn là nước gieo rắc điều bất hạnh và cực khổ ở Campuchia.
Sự kiện đánh dẹp Khmer Đỏ tuy là một điểm sáng trong quan hệ hai nước nhưng kém may mắn thay nó lại ít khi được nhắc hay giảng dạy nhiều ở Campuchia. Ngược lại với Việt Nam, người Hoa ít nhận sự ác cảm này, do Trung Quốc là nhà tài trợ và đầu tư chính cho Campuchia, mặc dù chính Trung Quốc mới là nước đã từng hậu thuẫn Khmer Đỏ trước đây. Thời điểm ngày 17/4/1975, khi Khmer Đỏ tiến vào thủ đô Phnom Penh. Từ giờ phút ấy trở đi, Phnom Penh biến thành thành phố chết. Trong bốn năm 1975 – 1979, hơn 1,7 triệu dân Campuchia chết vì đói, lao động khổ sai, dịch bệnh, tra tấn và hành hình.
Lịch sử đáng sợ là thế, nhưng giờ đây đến Khmer Đỏ là gì, nhiều người trẻ Campuchia lại không biết, nhưng lại ăn sâu suy nghĩ “Campuchia bị mất đất vào tay Việt Nam”. Điển hình cho sự việc này là vào tháng 7/2014, các cuộc biểu tình chống Việt Nam đã diễn ra sau một tuyên bố của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia nói rằng Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã là một phần của Việt Nam. Người biểu tình và các nhà hoạt động đảng đối lập đã phản ứng rất dữ dội, yêu cầu đại sứ quán phải công nhận Đồng bằng sông Cửu Long là lãnh thổ cũ của Campuchia và lên tiếng xin lỗi. Dù hiện nay vấn đề này đã phần nào nguôi ngoai, nhưng nó vẫn luôn là mồi lửa bất ổn chực chờ trong quan hệ hai nước.
Giải quyết như thế nào?
Hiểu được tình hình phức tạp tại Campuchia cũng như những mâu thuẫn còn tồn đọng, cho nên thúc đẩy mối quan hệ cấp chính quyền luôn là mối quan tâm hàng đầu của Việt Nam. Hiện nay, theo thống kê vào năm 2021, thì kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Campuchia đã là trên 9 tỷ USD, dù trước đó mục tiêu chỉ là 5 tỷ USD. Còn riêng trong Quý I/2022 cũng đã đạt gần 3,4 tỷ USD, dự kiến trong năm 2022 sẽ có thể đạt trên 10 tỷ USD. Trong số các thị trường, thì Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Campuchia, chính phủ Việt Nam những năm qua đã không ngừng xúc tiến để hàng hóa Campuchia có thể được tiêu thụ nhiều hơn ở trong nước.
Xét về mặt lợi ích, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen rất cần thị trường Việt Nam để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Chỉ khi kinh tế đi trước thì phía sau mới càng thêm củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng Nhân dân Campuchia do Thủ Tướng Hun Sen đứng đầu. Nên trong bài phát biểu 20/6 vừa qua, Thủ tướng Hun Sen đã chia sẻ rằng: “Khu vực tỉnh Tbong Khmum và Bình Phước sau này sẽ có thể mở cửa khẩu quốc tế”. Đây là một tín hiệu đáng mừng, vì nó cho thấy mối quan hệ Việt Nam – Campuchia sẽ ngày càng bền chặt hơn nữa. Mối lo an ninh ở phía Tây Nam vì thế cũng giảm đi rất nhiều.
Và bên cạnh việc làm sâu sắc mối quan hệ với chính quyền Campuchia, thì không thể không nhắc đến việc giao lưu văn hóa giữa nhân dân hai nước. Việt Nam ta vốn thuộc vùng văn hóa Á Đông, trong khi Campuchia lại thuộc vùng văn hóa Ấn Độ, lý do Campuchia thân thiết với Thái Lan hơn cũng là vì vấn đề này. Cho nên để nhân dân hai nước gặp gỡ và học tập lẫn nhau chính là cầu nối hòa giải tốt nhất những mâu thuẫn giữa ta và Campuchia theo một cách hòa bình.
Huy Hoàng