Mới đây, Reuters dẫn thông cáo từ Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức ký bản ghi nhớ an ninh quốc gia về chống đánh bắt cá trái phép.
Đây được cho là một phần nỗ lực thực hiện cam kết của Mỹ trong việc đối phó với các đội tàu đánh cá bị cáo buộc đánh bắt trái phép, trong đó có tàu của Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi đây là một vấn đề mà các nhà bảo vệ môi trường và các quốc gia phương Tây đặc biệt “ngao ngán” trước đội tàu cá “đông như kiến” của Trung Quốc.
Về lực lượng thực thi, quan chức Mỹ cho biết Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ và các cơ quan thực thi khác sẽ cùng với các đối tác tư nhân và nước ngoài điều tra các tàu đánh cá vi phạm.
Trước đó, Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cũng đề xuất quy tắc để giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức và các vấn đề về quyền lao động khác trong ngành thủy sản. Theo đó, các quy tắc mới ban hành của NOAA sẽ đảm bảo tính nhất quán với kế hoạch hành động quốc tế của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc nhằm ngăn chặn, xác định và loại bỏ đánh bắt cá trái phép.
Theo thông cáo, Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam, Ecuador, Panama, Senegal và đảo Đài Loan về chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gọi tắt là IUU trong thuật ngữ về môi trường. Kế hoạch sẽ được công bố vào cuối tháng 7.
Đặc biệt, Chính quyền của Tổng thống Joe Biden nói sẽ hợp tác với Việt Nam để chống đánh bắt cá trái phép, trong bối cảnh đội tàu cá hùng hậu “không nể mặt ai” của Trung Quốc đang vét sạch Biển Đông cũng như tận diệt tài nguyên biển khắp thế giới.
Theo Reuters, Mỹ đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì hòa bình ở Biển Đông và mọi hoạt động hợp tác để đảm bảo an ninh an toàn hàng hải. Bên cạnh đó, nhận thấy Việt Nam là quốc gia phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của hành vi ngang tàn này, Mỹ tuyên bố sẽ ưu tiên “bắt tay” với Việt Nam trước để dẹp loạn.
Theo Reuters, bản ghi nhớ nói trên không nêu tên cụ thể nước nào nhưng một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Trung Quốc là nước vi phạm nhiều nhất. Theo quan chức này, “Trung Quốc dẫn đầu nạn đánh bắt trái phép trên toàn thế giới và cản trở tiến triển trong việc phát triển những biện pháp đối phó với đánh bắt trái phép và đánh bắt quá mức”.
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ cũng nhận định rằng thực trạng đánh bắt cá bất hợp pháp đã vượt qua nạn cướp biển trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh hàng hải. Hành động này có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia tranh giành nguồn khai thác quá mức. Theo xếp hạng của bảng chỉ số đánh bắt cá trái phép 2021 (IUU Fishing Index), Trung Quốc liên tục đội sổ trong 152 quốc gia có đường bờ biển, do vi phạm đánh bắt cá và để xảy ra nhiều sự cố nhất.
Nhiều nước khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã nhiều lần phản đối việc các đội tàu cá khổng lồ của Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển chủ quyền của họ để khai thác cá trái phép. Hành vi này gây thiệt hại kinh tế và môi trường rất đáng kể cho các nước này. Gần đây nhất, Philippines đầu tháng 6 tố cáo bị tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế để đánh bắt trái phép. Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Manila.
Không chỉ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các đội tàu Trung Quốc còn càn quét đến kiệt quệ các vùng biển ở xa hơn như Tây Phi, Nam Mỹ. Ở Sierra Leone – một nước thuộc Tây Phi, nơi nghề đánh bắt thủy sản chiếm 12% nền kinh tế, người dân cho biết sản lượng khai thác của họ đang sụt giảm nhanh chóng do nạn đánh bắt cá quá mức trên quy mô lớn trong nhiều năm nay.
Đặc biệt, tháng 8/2020, khoảng 300 tàu cá TQ đánh bắt trái phép gần vùng biển quanh quần đảo Galapagos của Ecuador. Nhà chức trách Ecuador thời điểm đó cho biết số tàu cá Trung Quốc nhiều chưa từng có tiền lệ và cáo buộc các tàu này tắt hệ thống định vị và đổi tên tàu để che giấu danh tính.
Bên cạnh hệ lụy kinh tế, giới chức các nước và các chuyên gia cũng lo ngại về an ninh từ các đội tàu đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc. Họ cho rằng lực lượng này là công cụ để Trung Quốc thực hiện những yêu sách lãnh thổ phi lý, bao gồm tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông. Trong khi 75% đội tàu đánh cá thuộc sở hữu tư nhân, chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì hiện diện đáng kể trong ngành khai thác hải sản. Bên cạnh đó, hải quân, hải cảnh và lực lượng bán vũ trang do Trung Quốc chỉ đạo cũng thường tham gia cùng đội tàu cá trong các hoạt động gây hấn ở Biển Đông.
Ông Conor Kennedy và ông Andrew Erickson, hai chuyên gia thuộc Đại Học Hải chiến Mỹ, đánh giá các đội tàu là “lực lượng do chính quyền Trung Quốc tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động theo một chuỗi chỉ huy quân sự trực tiếp, tiến hành các hoạt động do Trung Quốc bảo trợ”. Ông Erickson cho biết lực lượng dân quân Trung Quốc hiện đã được hợp nhất với đội tàu cá và đây là đội tàu lớn nhất thế giới với ít nhất 187.000 tàu thuyền.
Về phần mình, Trung Quốc vẫn tuyên bố họ là một quốc gia có trách nhiệm, đã và đang hợp tác quốc tế nhằm ngăn chặn nạn đánh bắt bất hợp pháp. Trung Quốc không thừa nhận đội tàu cá của họ “vơ vét khắp các vùng biển” mà tuyên bố rằng “chúng tôi luôn chỉ đánh bắt cá trong phạm vi chủ quyền của mình, là bên có trách nhiệm và có ý thức tăng cường hợp tác quốc tế nhằm hạn chế khai thác tận diệt thủy hải sản cũng như nạn đánh bắt cá trái phép”.
Thực hiện: Lan Hoa
Đồ họa: M.N