Bước đi nào để đạt mục tiêu công chức sống được bằng lương?
Cải cách tiền lương, cần cải cách bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế, nhưng giảm ai, ai giảm để tránh con ông cháu cha ở lại, người có năng lực ra đi.
Theo Nghị quyết 27-QN/TW của Chính phủ ban hành ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, mục tiêu đến năm 2021 lương tối thiểu sẽ đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động, công chức, viên chức sống được bằng lương. Theo đó, chỉ còn 1 năm nữa để thực hiện mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, thành viên Ban chỉ đạo Cải cách tiền lương của Chính phủ đã có những bình luận về vấn đề này.
PV: Thưa ông, thực tế hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường bằng giỏi, xuất sắc nhưng nếu làm việc trong các cơ quan Nhà nước cũng chỉ được nhận mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Điều này dẫn đến việc ít người trẻ muốn vào Nhà nước. Điều này có bộc lộ những bất cập gì trong chính sách tiền lương hiện nay không, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Cho đến nay, chúng ta chưa cải cách chính sách tiền lương nên tiền lương của công chức, viên chức đang thực hiện theo bảng lương hiện hành của Nhà nước và đang có những bất cập. Nhà nước đã 2 lần lỡ hẹn cải cách tiền lương do điều kiện chưa cho phép. Sau nhiều lần điều chỉnh, mà tới 1/7/2020 tới đây lại tiếp tục tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng, nhưng rõ ràng mức lương này chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của công chức, viên chức. Bởi vậy, Hội nghị Trung ương 6 đã ban hành Nghị quyết 27 về Cải cách chính sách tiền lương của công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động.
Cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 không chỉ là cải cách tiền lương của công chức mà còn là cải cách tiền lương khu vực sản xuất kinh doanh. Do đó, Bộ Luật Lao động sửa đổi 2019 đã tiến hành sửa đổi toàn bộ chương tiền lương với mục tiêu xác định cho đúng tiền lương tối thiểu theo 4 vùng để làm sao tiền lương của khu vực sản xuất kinh doanh phải đảm bảo nguyên tắc trả lương theo chất lượng và số lượng lao động. Tiền lương phải thể hiện được giá cả của sức lao động trên thị trường. Tiền lương trả cho người lao động phải gắn với giá trị của sức lao động. Giá trị của sức lao động phải gắn với giá cả sức lao động trên thị trường.
Đến năm 2021, tiền lương khu vực công cũng phải phù hợp với giá trị sức lao động.
PV: Theo lộ trình của Chính phủ đề ra là đến năm 2021 sẽ tiến hành cải cách tiền lương, vậy trong năm 2020, cần có những bước chuẩn bị ra sao để hoàn thành mục tiêu đề án?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Nghị quyết 27 sắp có hiệu lực vào năm 2021, muốn cải cách chính sách tiền lương thực chất đáp ứng được yêu cầu thì ngoài việc thể hiện được quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, trước tiên cần chuẩn bị nguồn lực tài chính theo các nhóm nguồn lực mà Nghị quyết Trung ương đã chỉ ra như tiết kiệm tăng thu ngân sách từ năm 2017; giảm nhẹ biên chế để dôi dư quỹ tiền lương; giảm chi hành chính không cần thiết. Đặc biệt, là phải tạo ra năng suất lao động. Khi GDP tăng thì sẽ có nguồn cải cách tiền lương, thu ngân sách tăng lên. Vấn đề mà tôi vẫn nhấn mạnh là để cải cách tiền lương, cái khó nhất chính là cải cách bộ máy hành chính và giảm biên chế.
Tôi biết vẫn có những người bỏ tiền để xin vào cơ quan Nhà nước, mất tiền cho “cò mồi” hoặc cũng có những trường hợp lãnh đạo tiêu cực, tham nhũng vẫn nhận tiền đút lót xin việc. Nhưng chắc chắn rằng tuyển dụng theo kiểu đó thì lãnh đạo cũng không bao giờ dùng được đội ngũ nhân viên đó. Muốn cải cách tiền lương phải giảm tối đa số cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Chúng ta phải sắp xếp lại 2,2 triệu người đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Nếu giảm tối đa số người trả lương từ ngân sách Nhà nước, giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập tự sản xuất, kinh doanh, tự trả lương không cần đến Nhà nước thì sẽ giảm được biên chế, như vậy sẽ có nguồn để chi trả tiền lương cho những người còn lại.
Cuối cùng các cơ quan đơn vị Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải xác định đúng vị trí việc làm để bố trí đúng người đúng việc.
PV: Như ông vừa nói, để thực hiện cải cách tiền lương, tinh giản biên chế, giảm nhẹ bộ máy là nhiệm vụ quan trọng, vậy tới thời điểm này, việc này được tiến hành đến đâu, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Vấn đề tinh giản biên chế không thể một sớm một chiều, Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải giảm 10%. Nhiều ngành đã giảm rất tốt, như ngành y tế đã giảm 2.500 cán bộ công chức, viên chức không hưởng lương, tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.
Nhưng cũng có những lĩnh vực dù nói giảm nhưng không thể giảm được, thậm chí phải tuyển thêm như giáo viên mầm non mẫu giáo do nhu cầu của xã hội. Muốn cải cách tiền lương phải thu gọn bộ máy, các đơn vị sự nghiệp nào lâu nay ăn lương nhưng làm việc không hiệu quả thì phải giảm. Tôi thấy tốc độ cải cách tổ chức bộ máy và giảm biên chế như hiện nay là rất chậm. Phải làm sao giảm được tối đa, tinh gọn bộ máy thì mới có thể tiến hành cải cách tiền lương.
PV: Trong quá trình thực hiện lộ trình tiến tới cải cách tiền lương, chúng ta đang gặp phải những khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Thực tế hiện nay, chúng ta vẫn đang nặng về bao cấp, khi chuyển hoàn toàn sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tiền lương phụ thuộc vào số lượng và chất lượng công việc. Trả theo giá trị của sức lao động là một thách thức.
Chúng ta nỗ lực rất nhiều trong giảm nhẹ biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhưng đây là vấn đề con người nên rất khó và vẫn gặp phải những trở ngại trong quá trình thực hiện. Không phải ai cũng tự nguyện nhận thấy bản thân kém mà ra khỏi dây chuyền, không phải ai cũng thấy mình không đủ năng lực lãnh đạo nên không làm lãnh đạo…
Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng GDP hiện nay mới chỉ đạt khoảng 7%, điều kiện tăng trưởng kinh tế chưa tương đồng với cải cách chính sách tiền lương. Nguyên tắc của chính sách tiền lương là tốc độ tăng năng suất lao động phải nhanh và lớn hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân. Còn chúng ta vẫn bị lực cản là tiền lương tăng nhanh hơn tốc độ tăng năng suất lao động.
Khó khăn nữa là việc thay đổi nhận thức của mỗi người. Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề mới, cần thiết vì tiền lương là yếu tố để thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả công tác. Do đó, việc đầu tiên là cần tạo ra sự đồng thuận thống nhất cao trong cả hệ thống chính trị, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, phải làm tốt công tác giáo dục để ai cũng thấy rằng đây là sự sống còn, phát triển của đất nước để phân công lao động đúng hơn, trách nhiệm hơn.
Chúng ta cũng phải nhìn nhận cho đúng hệ thống tổ chức chính trị của chúng ta cần sắp xếp lại, nhập ban này ban kia, bộ phận này với bộ phận kia, nếu không nhận được sự đồng thuận thì rất khó. Nhưng quan trọng là những người đứng đầu các cơ quan đơn vị tổ chức phải gương mẫu thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp bộ máy. Ai giảm, giảm ai cần có sự thống nhất cao, tránh tình trạng con ông cháu cha thì ở lại, những người có năng lực lại phải ra đi. Đây là điều rất quan trọng.
Theo tinh thần của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương Nhà nước, dù khó khăn thế nào vẫn phải làm. Tiền lương phải phản ánh đúng bản chất. Trong thu nhập của người lao động phần lương cứng phải chiếm ít nhất 70%, các khoản phụ cấp có tính chất ưu đãi của các ngành nghề thì sẽ giảm đi, chỉ còn khoảng 30% tổng quỹ tiền lương của người lao động.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Nguyễn Trang/VOV