“Bùng nhùng” xuất khẩu gạo, Bộ Công an vào cuộc là rõ ngay!
Nên nhớ, không vì tập trung “chống dịch như chống giặc” mà công cuộc chống “giặc nội xâm” bị xao nhãng mà ngược lại, “lò” đã, đang và tiếp tục cháy.
Tuy là một nước nông nghiệp, song, để làm ra được hạt gạo có biết bao mồ hôi, nước mắt. Đó là những tháng ngày luôn phải “Lạy giời mưa nắng phải thì…” trong tâm trạng thấp thỏm “Trông trời, trông đất, trông mây – Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”.
Thế nhưng, để bán được hạt gạo lại còn khó nhọc hơn bởi “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Khi đưa “hạt gạo làng ta” ra với thế giới còn gian nan hơn nữa vì trăm người bán nhiều khi chỉ có vài ba chục người mua.
Rồi cuộc cạnh tranh “thương trường là chiến trường” không chỉ với doanh nghiệp nước ngoài mà còn giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau.
Chuyện hạt gạo vừa qua đã phần nào cho thấy sự “bùng nhùng” ở lĩnh vực này. Xin bắt đầu từ đề xuất ngừng xuất khẩu của Bộ Công Thương với lý do, nếu dịch bệnh kéo dài, sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Thể theo đề nghị của Bộ Công Thương và một số bộ, ngành, Chính phủ đồng ý.
Tuy nhiên chỉ một ngày sau, Bộ Công Thương lại đề nghị Chính phủ dừng thi hành quyết định ngừng xuất khẩu nói trên.
Thủ tướng Chính phủ đã phê bình Bộ Công Thương và các bộ ngành tham mưu, đồng thời đồng ý cho xuất khẩu có hạn mức.
Thực hiện Quyết định công bố hạn ngạch xuất khẩu có hiệu lực từ 0 giờ ngày 11.4 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan cho mở tờ khai và ngay lập tức, chỉ trong vòng mấy giờ đồng hồ, toàn bộ số lượng 400.000 tấn gạo trong kế hoạch xuất khẩu tháng 4 đã được đăng ký hết.
Cho rằng có sự khuất tất trong việc mở tờ khai hải quan lúc 0 giờ, một số doanh nghiệp kêu lên Thủ tướng.
Vào ngày 17.4, Thủ tướng Chính phủ phải ra “tối hậu thư”, yêu cầu báo cáo ngay trong sáng ngày 20.4 tới.
Câu chuyện không dừng ở đấy bởi ở một khía cạnh khác, đó là thông tin từ Cục dự trữ Quốc gia cho biết, đến thời điểm này, mới thu mua được 4% trong tổng số gạo phải mua theo kế hoạch.
Lý do, một số doanh nghiệp trúng thầu đã “bùng” và điều đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp “bùng” thầu lại nằm trong danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu với số lượng lớn.
Có lẽ cần nhắc lại, Dự trữ quốc gia là cót thóc cất kỹ trong góc buồng phòng khi thiên tai, dịch bệnh, giặc giã…
Giả sử xảy ra chiến tranh, người lính ra trận mà bụng đói thì còn hơi sức đâu đánh giặc?
Do đó, dự trữ quốc gia phải được ưu tiên số một.
Trở lại với việc xuất khẩu gạo.
Chính sự “lùng bùng” khi dừng khi xuất, “mở cửa lúc nửa đêm” khiến doanh nghiệp bức xúc, dư luận nghi ngờ và đó là lẽ tất nhiên.
Câu hỏi đặt ra là việc “lùng bùng” này do sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan liên quan, do năng lực yếu kém hay có sự khuất tất?
Để trả lời câu hỏi này, có lẽ không có con đường nào khác là nhờ Bộ Công an (theo như đề xuất của Tổng cục Hải quan). Nói như ngôn ngữ dân gian “quân bác Tô Lâm ra tay thì chỉ trong… phút mốt”.
Đây là cơ hội để cả hai bộ khẳng định sự vô tư của mình, nếu thật sự họ trong sạch.
Còn sau này, nếu phát hiện thiếu sự phối hợp, cần có biện pháp khắc phục. Nếu do yếu kém, cần kiện toàn tổ chức. Song, nếu có khuất tất, “sân trước, sân sau”, “lợi ích nhóm” thì cần phải nghiêm trị.
Ai được hưởng lợi từ sự “bùng nhùng” này, hoàn toàn có thể là thủ phạm.
Đây cũng là cơ hội để chấn chỉnh lại việc xuất khẩu gạo vốn là một “địa chỉ” từng có không ít điều tiếng nhiều năm qua.
Kiên quyết không để người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lại là người luôn chịu mọi thiệt thòi, thua thiệt.
Cũng nên nhớ, không vì tập trung “chống dịch như chống giặc” mà công cuộc chống “giặc nội xâm” bị xao nhãng mà ngược lại, “lò” đã, đang và tiếp tục cháy.
Bùi Hoàng Tám/DT