Bức tranh đối lập, đi ngược xu thế của riêng Trung Quốc
Trong khi cả thế giới đều đang có cuộc sống bình thường mới, sống chung với Covid-19 thì Trung Quốc lại vẽ nên bức tranh khác lạ, đi ngược với xu thế toàn cầu.
Theo CNN, từ ngày 20/8, 313 triệu người tại ít nhất 74 thành phố Trung Quốc đã rơi vào cảnh phong tỏa hoàn toàn hoặc phong tỏa một phần để phòng dịch Covid-19. Chính quyền địa phương đã và đang áp dụng nhiều hạn chế. Các chuyên gia cho rằng trong những tuần tới, danh sách thành phố phong tỏa có thể sẽ dài thêm.
Những biện pháp hạn chế có ảnh hưởng sâu rộng tới cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. CNN cho rằng cảnh tượng tại Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với cuộc sống tại nhiều quốc gia chấp nhận sống chung với Covid-19 trên thế giới.
Bởi niềm tin chính sách Zero Covid cứu sống rất nhiều người của Trung Quốc đã khiến nơi đây trở thành quốc gia còn phong tỏa duy nhất trên thế giới. Các quan chức y tế cho biết tỷ lệ tiêm phòng ở người cao tuổi tương đối thấp và dịch vụ y tế ở vùng nông thôn còn mỏng manh là trở ngại cho việc nới lỏng hạn chế.
Tuy vậy, một số chuyên gia y tế công cộng Trung Quốc nhận định các yếu tố chính trị cũng đóng vai trò quan trọng trong chính sách chống dịch.
Hành trình kiên trì với Zero Covid-19
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 dự kiến bắt đầu vào ngày 16/10 tới. Các chuyên gia nhận định sự kiện này có ý nghĩa như khoảnh khắc kỷ niệm và minh chứng cho thành tựu của Trung Quốc trong hơn một thập niên. Do đó, một đợt bùng phát dịch nghiêm trọng có nguy cơ ảnh hưởng tới một sự kiện như vậy.
“Trung Quốc muốn đảm bảo không có rủi ro nào, chẳng hạn như đợt bùng dịch lớn, có thể đe dọa ổn định xã hội, làm lu mờ quá trình chuyển đổi ở nước này”, Yanzhong Huang – thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại – cho biết.
Đầu năm nay, đợt phong tỏa kéo dài hơn 2 tháng ở Thượng Hải gây nhiều tranh cãi và có tác động tiêu cực tới nền kinh tế, khiến một số người đặt câu hỏi về cách tiếp cận này.
Để đáp trả, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra lời cảnh báo mạnh mẽ tới những người chỉ trích, đảm bảo sẽ “kiên quyết đấu tranh chống lại mọi lời nói và hành động xuyên tạc, nghi ngờ hoặc phủ nhận” chính sách Zero Covid.
Các quan chức trên cả nước đã lưu tâm tới bài học này. Ông Huang nói sau đợt phong tỏa ở Thượng Hải, họ biết cần hành động quyết đoán và ngay lập tức khi đối mặt với các ổ dịch dù là nhỏ nhất.
Đối với các quan chức địa phương, siết chặt chính sách Zero Covid là cách để củng cố đường lối của Đảng, thể hiện lòng trung thành của họ với ông Tập và ngăn chặn mọi đợt bùng dịch có thể ảnh hưởng tới sự nghiệp vài tuần trước Đại hội đảng.
“Điều đó tạo động lực mạnh mẽ để họ thực hiện các biện pháp ngăn chặn nặng tay. Trong hơn một tháng tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thành phố phong tỏa hơn”, ông Huang nhận định.
Liệu Trung Quốc có thay đổi?
Trung Quốc áp dụng phong tỏa ngay cả khi chỉ có vài ca mắc. Điều này đã làm ảnh hưởng tới một số đô thị cũng như các trung tâm công nghiệp lớn.
Ở phía tây nam Trung Quốc, 21 triệu cư dân thành phố Thành Đô rơi vào cảnh phong tỏa hôm 1/9. Hôm 4/9, giới chức mở rộng khu vực phong tỏa với gần như toàn thành phố và yêu cầu xét nghiệm diện rộng từ ngày 5 đến 7/9.
Hệ thống kỹ thuật số của thành phố – được sử dụng để đăng ký xét nghiệm Covid-19 – liên tục gặp sự cố do lượng truy cập tăng đột biến, dẫn đến hàng dài người xếp hàng tại các điểm xét nghiệm.
Những bức ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy các nhân viên y tế đang giơ điện thoại di động lên trời với hy vọng bắt sóng tốt hơn. Công ty cung cấp phần mềm Neusoft Corporation tuyên bố sự cố là do “trục trặc mạng”.
Hôm 4/9, một người mẹ ở Thành Đô đã quay video và kể câu chuyện về đứa con trai mắc bệnh hiểm nghèo qua đời. Theo lời người mẹ, cậu bé bị cách ly một tuần và bỏ lỡ khoảng thời gian quan trọng điều trị bệnh tim.
CNN chưa xác minh được thông tin này, nhưng đoạn video lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội và khiến công chúng phẫn nộ và cảm thông với hoàn cảnh người mẹ.
Đến hiện tại, Zero Covid đã và đang khiến người dân Trung Quốc vô cùng “chán nản” và bức xúc. Hôm 2/9, một bài đăng trực tuyến của cư dân 27 tuổi tên Su Guangyu cho biết vợ anh bị sảy thai khi bị từ chối chăm sóc y tế do phong tỏa. Sau làn sóng phản đối kịch liệt trên mạng xã hội, chính quyền Đại Khánh cho biết họ sẽ “điều tra kỹ lưỡng” vụ việc.
Ở khu vực phía tây Tân Cương, một số cư dân Y Ninh đã lên mạng xã hội, kêu gọi chấm dứt phong tỏa kéo dài một tháng khiến họ bị thiếu lương thực và các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Tại Vũ Hán – tâm chấn đầu tiên của đại dịch Covid-19 – các video trên mạng xã hội cho thấy các cư dân ở Panlongcheng tổ chức biểu tình, yêu cầu chính quyền dỡ bỏ phong tỏa kéo dài một tuần qua.
Trong khi ban đầu, công chúng Trung Quốc ủng hộ cách tiếp cận của chính sách Zero Covid, thì hiện tại, một số người ngày càng trở nên thất vọng khi những hạn chế phòng dịch tác động tới cuộc sống hàng ngày, cũng như ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Tuy nhiên, việc thay đổi chính sách Zero Covid chuyển sang sống chung với dịch tại Trung Quốc dường như vẫn còn là điều bất khả thi.
Bảo Trâm (Theo CNN)