+
Aa
-
like
comment

Bức ảnh ‘vĩ đại’ cùng Kinh thánh lại tạo ra khủng hoảng cho TT Trump

14/06/2020 15:01

Chuyến thăm nhà thờ St. John của Tổng thống Trump hôm 1/6 cho tới nay vẫn là tâm điểm của làn sóng chỉ trích vì thiếu sự chuẩn bị và việc dùng hơi cay giải tán người biểu tình.

Trong lúc đối mặt hàng loạt cuộc khủng hoảng, Tổng tống Mỹ Donald Trump dường như muốn tạo ra khoảnh khắc mang tính biểu tượng cho mình.

Chưa đầy một giờ sau khi chính quyền liên bang sử dụng hơi cay giải tán người biểu tình ở quảng trường Lafayette hôm 1/6, ông Trump cùng với các quan chức cấp cao khác bất ngờ đi đến nhà thờ St. John, nơi xảy ra hỏa hoạn vào đêm trước khi người biểu tình chạm trán với cảnh sát chống bạo động.

Trước khuôn viên nhà thờ, ông Trump cầm trên tay một quyển kinh thánh, giơ cao để tạo dáng chụp ảnh và tuyên bố: “Chúng ta là đất nước vĩ đại nhất thế giới”.

Khoảnh khắc đó thực sự mang tính biểu tượng, nhưng nó lại châm ngòi một cuộc khủng hoảng khác cho Tổng thống Trump.

Tong thong Trump anh 1
Tổng thống Trump chụp ảnh với Kinh thánh khi đến thăm nhà thờ St. John hôm 1/6. Ảnh: Reuters.

Người dân phẫn nộ

Hình ảnh của ông Trump chụp tại quảng trường Lafayette hôm 1/6 vẫn là chủ đề bình luận trong suốt hai tuần sau đó. Đây là hậu quả ngoài ý muốn đối với tổng thống Mỹ trong bối cảnh nước Mỹ đang phẫn nộ trước cái chết của George Floyd, người đàn ông da đen 46 tuổi bị viên cảnh sát da trắng ghì cổ chết hôm 25/5.

Vào ngày 1/6, hàng rào được dựng lên, quây kín công viên và các khu phố xung quanh, khiến Nhà Trắng trở thành pháo đài biệt lập. Đây được đánh giá là hình ảnh tượng trưng cho sự xa cách giữa tổng thống và người dân đang hò hét đòi công lý.

Dòng chữ “Người da đen đáng được sống” in đậm giăng trên Đại lộ Số 16 trở thành lời tuyên bố đanh thép cho làn sóng biểu tình. Trong khi đó, cái tên “quảng trường Lafayette” giờ đây lại là cụm từ làm gợi lên rất nhiều điều vô lý ở Mỹ.

Với việc di chuyển từ quảng trường Lafayette tới nhà thờ lịch sử St. John hôm 1/6, Tổng thống Trump vốn hy vọng xây dựng được hình ảnh mạnh mẽ và chủ động trong mắt công chúng, nhằm đập tan tin tức ông trốn xuống hầm ở Nhà Trắng khi người biểu tình ở bên ngoài cơ quan này.

Huy động cả lực lượng vũ trang để dẹp đường tới nhà thờ, ông Trump hôm 1/6 đã cho cả thế giới thấy cách nước Mỹ kiểm soát tình trạng bất ổn.

Tong thong Trump anh 2
Cảnh sát bắn hơi ga vào người biểu tình bên ngoài nhà thờ St. John để dẹp đường cho ông Trump. Ảnh: AP.

Vụ việc cũng cho thấy bất đồng giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo quân đội Mỹ. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark A. Milley và Bộ trưởng Quốc phòng Mark T. Esper đều né tránh nói về vụ việc. Trong khi đó, cựu bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đã chỉ trích tổng thống.

Nhiều tín đồ công giáo cũng chỉ trích ông Trump. Giám mục Mariann Edgar Budde, thuộc giáo phận Washington của Giáo hội Giám nhiệm, hôm 1/6 cho biết bà “phẫn nộ” sau khi Tổng thống Trump đến thăm nhà thờ nơi bà đang phụng sự mà không báo trước. Giáo hội cũng lên án ông Trump vì sử dụng Kinh thánh không đúng mục đích.

Cẩu thả trong chuẩn bị

Trong bối cảnh cả nước Mỹ đang rơi vào tình trạng hỗn loạn, ông Trump đứng tạo dáng chụp ảnh với các trợ lý hỗ trợ xung quanh để biến đây thành chiến dịch truyền thông.

Washington Post đánh giá sự việc là cẩu thả. Không có bài phát biểu nào được chuẩn bị cho tổng thống. Ông Trump cũng không xem xét thiệt hại tại nhà thờ St. John sau cuộc bạo loạn đêm hôm trước. Tổng thống Mỹ cũng không cầu nguyện hay dành thời gian mặc niệm cho George Floyd.

“Vụ việc này là minh chứng cho rất nhiều điều. Có sự khác biệt rất lớn giữa những gì tổng thống đã làm và đáng ra nên làm. Nếu phải đến đó thì cứ đến, nhưng vấn đề là hãy lên kế hoạch trước”, một quan chức cấp cao giấu tên của Nhà Trắng nói, theo Washington Post.

Tong thong Trump anh 3
Tổng thống Trump được hộ tống khi đi bộ đến nhà thờ St. John hôm 1/6. Ảnh: AP.

Kết quả thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ đối với ông Trump sau vụ việc ở quảng trường Lafayette đã giảm xuống, dù trước đó con số này cũng không cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hình ảnh người biểu tình ôn hòa nghẹt thở giữa mù mịt đạn hơi cay của cảnh sát trái ngược hoàn toàn với cảnh ông Trump ở quảng trường Lafayette và nhà thờ St. John, và nó khiến công chúng càng phẫn nộ.

Eddie Glaude, Chủ tịch bộ phận nghiên cứu người Mỹ gốc Phi tại Đại học Princeton, cho biết trong hai tuần ngắn ngủi, quảng trường Lafayette đã trở thành “sân khấu của quyền lực độc tài”.

“Người dân rõ ràng đã nhìn nhận đúng vấn đề này. Việc huy động quân đội giải tán người biểu tình đã khiến họ có cảm giác rằng các quy tắc dân chủ đang bị xói mòn, và thể chế của nước Mỹ đang lâm nguy”, chuyên gia Glaude nói.

Chiến lược phản tác dụng

Quan chức chính quyền Tổng thống Trump phản ứng khác nhau trước vụ việc. Một số tỏ ra lo lắng vì màn phô trương sức mạnh của nhà lãnh đạo Mỹ đã phản tác dụng. Washington Post dẫn hai nguồn thạo tin cho rằng các trợ lý đã không chuẩn bị kỹ và thiếu sự phối hợp với nhau khi vụ việc diễn ra hôm 1/6.

“Đây là thất bại khổng lồ về mặt nhân sự. Tôi chắc chắn rằng họ nhận thức được tổng thống cần thể hiện sức mạnh và dập tắt câu chuyện trốn xuống hầm, và họ cũng có ý tốt… Nhưng ý tưởng đó được triển khai quá kém, và rõ ràng gây thiệt hại nhiều hơn mang lại lợi ích cho cả ông Trump nói riêng và nước Mỹ nói chung”, một cựu quan chức nói với Washington Post.

Tong thong Trump anh 4
Ivanka Trump đi cùng cha tới nhà thờ St. John hôm 1/6. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, Ivanka Trump, con gái của Tổng thống Trump, ủng hộ ý tưởng này. Cô cũng để sẵn cuốn Kinh thánh trong ví khi đi theo cha đến nhà thờ hôm 1/6.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh CBS News hôm 12/6, Phó tổng thống Mike Pence cho rằng ông đã được khuyến cáo nên ở lại Nhà Trắng vào ngày hôm đó “để đề phòng”.

“Nhưng tôi vẫn rất vui nếu được kề vai sát cánh với Tổng thống Trump. Chúng tôi không cho phép đốt phá các địa điểm tôn giáo ở đất nước này. Chúng tôi không để yên khi các nhà thờ Công giáo hay Hồi giáo bị phá hoại. Tổng thống đã nói rất rõ điều đó trong chuyến thăm của mình”, Phó tổng thống Pence nói.

Giới phê bình cho rằng nỗ lực thể hiện bản thân của ông Trump đã phản tác dụng trong trường hợp này, buộc người Mỹ phải nhìn nhận lại tính cách của tổng thống.

“Ông Trump không biết khi nào nên từ bỏ, và ông ấy đã đẩy chuyện này đi quá xa. Ông ấy giống như bệnh nhân được chỉ định uống 2 viên thuốc/ngày, và rồi ông ấy quyết định uống nguyên cả chai vì nghĩ như thế sẽ hiệu quả hơn”, Stuart Stevens, chiến lược gia của đảng Cộng hòa, thuộc nhóm phản đối Tổng thống Trump, nói với Washington Post.

(Theo Washington Post)

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều