BOT có đang chống lệnh Thủ tướng?
Thu phí tự động không dừng được xem là một trong những giải pháp để minh bạch hoạt động thu phí, nhưng tới nay, việc này chậm so với kế hoạch của Thủ tướng giao. Đây có phải do nhà đầu tư BOT chống lệnh hay do năng lực quản lý nhà nước kém,
Trước tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm BOT trên cả nước còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Mới đây, công điện số 849 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và các ngành liên quan nêu rõ: “Chậm nhất đến ngày 31/12/2019 tất cả các trạm thu phí BOT trên cả nước phải chuyển sang thu phí không dừng và báo cáo Chính phủ”.
Công điện lần 2 trong vòng hơn một tháng
Theo đó, Bộ GTVT được giao là đơn vị chịu trách nhiệm chính kế hoạch giám sát, triển khai thu phí không dừng. Còn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp, tổ chức phân luồng giao thông tại các trạm thu phí; hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng làn đường đối với từng cửa thu phí của các trạm (cửa thu tự động, cửa thu hỗn hợp); có biện pháp xử lý nghiêm đối với lái xe cố tình đi không đúng làn đường, gây ùn tắc giao thông và mất an ninh trật tự tại các trạm thu phí.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại kết nối tài khoản ngân hàng với tài khoản phục vụ công tác thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng của chủ phương tiện giao thông, đảm bảo liên thông, thuận lợi, an toàn.
Còn đối với chủ đầu tư các dự án BOT trên cả nước, “phải bảo đảm chậm nhất trước ngày 31/12/2019 chuyển sang thu phí tự động đối với tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc. Đồng thời sẽ yêu cầu nhà đầu tư dừng hoạt động thu phí đối với các dự án BOT có trạm thu phí không chuyển sang thu tự động không dừng theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng
Sau khi hoàn thành xong việc triển khai thu phí không dừng, Bộ GTVT khẩn trương rà soát, đánh giá và có báo cáo tổng kết gửi Thủ tướng Chính phủ trong tháng 1/2020. Trong đó, nêu rõ những mặt được, chưa được và hướng xử lý đảm bảo chất lượng, hiệu quả, phù hợp lòng dân.
Như vậy, đây là lần thứ 2 trong vòng hơn một tháng qua, Chính phủ thúc Bộ GTVT triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT. Trước đó, ngày 10/6/2019, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc gửi Bộ GTVT về việc báo cáo triển khai thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Có thể thấy, việc sớm triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng để tăng cường công khai, minh bạch trong công tác thu phí tại các trạm thu phí BOT đang được Quốc hội, Chính phủ và xã hội rất quan tâm. Đã có những chỉ đạo quyết liệt, rốt ráo từ Chính phủ, thế nhưng sự “ì ạch” trong công tác triển khai phần nào đã cho dư luận thấy như thế nào là “trên nóng dưới lạnh”.
Cấp dưới đang “lạnh”!
Đang có sự “trên nóng dưới lạnh” và tù mù về trách nhiệm trong việc chậm tiến độ thu phí không dừng
Trải qua 3 năm, kể từ năm 2017, Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo và nhắc nhở triển khai thu phí không dừng đối với các dự án BOT giao thông cả nước. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện khá chậm.
Theo thống kê, thu phí tự động không dừng đến nay đạt chưa tới 30% xe sử dụng. Riêng trong 18 trạm ngoài Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, hiện vận hành chỉ 2 trạm, chạy thử nghiệm 1 trạm, 15 trạm còn lại chưa triển khai. Đến hết tháng 3/2019, chỉ có khoảng 700 ngàn/3triệu xe được dán thẻ, tỷ lệ xe sử dụng thu phí tự động chưa tới 19% số xe được dán thẻ.
Có vị đại diện Bộ GTVT từng phát biểu là hiểu rất rõ tình hình thu phí đường bộ hiện nay và sự quan tâm của người dân, dư luận. Chúng tôi luôn cầu thị, lắng nghe các ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp, các bên liên quan; đồng thời quyết liệt, cố gắng bằng nhiều giải pháp để đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động và doanh thu tại các trạm thu phí.
Rồi, lời hứa của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, đến cuối năm 2018 tất cả các trạm thu phí BOT sẽ hoàn thành việc thu phí không dừng nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Không rõ nguyên nhân từ đâu nhưng việc thất hứa của Bộ trưởng không thể chấp nhận được.
Tiếp nữa, ngày 5/6/2019, trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể lại hứa, hạn cuối cùng thực hiện thu phí tự động không dừng là 31/12/2019 cho tất cả các trạm thu phí. Đầu tháng 7/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cương quyết yêu cầu 3 trạm thu phí BOT phải ngừng thu phí vì chưa ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng.
Tuy nhiên, gần đến ngầy thực hiện việc dừng thu phí, Bộ GTVT lại yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam rút lại yêu cầu này để Bộ GTVT làm việc với các nhà đầu tư liên quan.
Đấy, việc triển khai thu phí tự động chậm, với nhiều nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ GTVT trong vấn đề này ra sao? Bộ GTVT sẽ xử lý thế nào với các cá nhân, tổ chức liên quan khiến việc triển khai thu phí tự động bị chậm? Thậm chí, đã có sư quan ngại nhất định khi có một bộ phận người dân hoài nghi “Bộ GTVT là cơ quan quản lý ngành thực hiện các chức năng quản lý nhà nước hay Bộ này thực hiện chức năng của người bảo vệ các trạm BOT? Đó là những câu hỏi mà dư luận muốn Bộ chủ quản trả lời.
Được biết, trên địa bàn cả nước hiện có khoảng trên 90 trạm thu phí BOT. Nếu tất cả các trạm thu phí BOT của nước ta được áp dụng thu phí tự động không dừng, ước tính tiết kiệm hơn 3.000 tỉ đồng/năm.
Tuy nhiên, theo phản ánh từ phía các doanh nghiệp vận tải, việc phải nộp tiền trả trước vào tài khoản thanh toán của đơn vị cung cấp dịch vụ, coi như một khoản tiền “chết” trong tài khoản mà không được hưởng lãi suất khiến các chủ xe không hào hứng.
Ngoài ra, các chuyên gia lo ngại, nhà cung cấp công nghệ thu phí không dừng và chủ đầu tư có thể “bắt tay” can thiệp công nghệ để ăn gian doanh số thu phí, trốn thuế. Vụ việc Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh chi nhánh Long An cùng 4 người đã bị bắt để điều tra về việc mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm trốn thuế vẫn còn đó một bài học.
Từ đây có thể thấy, chủ trương thu phí tự động không dừng là đúng, là tất yếu, nhưng thực hiện nhanh hay chậm là do chúng ta giải quyết hài hòa lợi ích giữa 4 nhà đó là: Nhà đầu tư BOT – có lợi hơn so với thu phí hiện nay: áp dụng công nghệ hiện đại thì chi phí thu tự động thấp hơn chi phí thu thủ công hiện nay; Nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thu phí tự động – họ cũng là nhà đầu tư về công nghệ nên họ phải có lãi; Người sử dụng dịch vụ đường bộ – tiện lợi hơn, nhanh hơn; Nhà nước – giao thông thông thoáng, đảm bảo giám sát công khai minh bạch.
Dù nói thế nào đi nữa, dù có biện minh ra sao đi nữa thì những diễn tiến của việc triển khai thu phí không dừng đến nỗi chỉ trong vòng hơn một tháng mà Thủ tướng có tới hai công điện khẩn để đốc thúc, chứng tỏ “trên dưới nóng lạnh” là có thật.
Phải có cá nhân chịu trách nhiệm viêc chậm trễ này, không thể cứ chung chung đây là trách nhiệm của cơ quan, Bộ này ngành kia được… nếu cứ thế thì đây sẽ là chuyện dài nhiều tập không hồi kết.
(Theo Bút Danh)