+
Aa
-
like
comment

Bóng ma làm loạn xã hội, cản trở sự phát triển của đất nước

Phạm Khoa - 12/03/2023 09:25

Nhân Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy được tổ chức ngày 10/03, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đẩy mạnh công tác bài trừ hiểm họa này.

Cây hoa anh túc được trồng trái phép

Dưới góc độ trật tự xã hội, tệ nạn ma túy được xem là nguyên nhân, điều kiện nảy sinh, phát triển các tệ nạn khác như: mại dâm, cờ bạc, lừa đảo, trộm cắp, giết người… Ngoài ra, ma tuý còn góp phần lan truyền đại dịch HIV/AIDS.

Theo một thống kê được Bộ Công an đưa ra, độ tuổi có nhiều người nghiện ma túy nhất nằm trong khoảng từ 16-30 tuổi, tương đương khoảng 100 ngàn người, chiếm 50% tổng số đối tượng nghiện có hồ sơ quản lý.

Do đó, phát biểu trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng, chống ma túy, Thủ tướng đã chỉ đạo: “Phòng, chống ma túy phải từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở”. Thực tế cho thấy, ngăn chặn trẻ vị thanh niên, người trẻ, tiếp cận ma túy sẽ tốt hơn rất nhiều phải giải quyết công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp. Để đến giai đoạn cai nghiện thì xã hội đã mất đi rất nhiều nguồn lực, như tiền của, thời gian, nhân sự, và đôi khi, cả sự an toàn nữa.

Về mặt kinh tế – xã hội, hơn 10 năm nay, cùng với sự “bùng nổ” của ma túy tổng hợp, tác hại của loại chất độc này đã ngày càng trở nên đáng sợ. Estasy, MDMA, Amphetamine, LSD… dễ tìm mua hơn và rẻ hơn thuốc phiện hay heroin, đã dễ dàng lấy đi hơn 7000 tỷ đồng/năm nếu mỗi con nghiện chỉ dùng 100 ngàn đồng/ngày mua ma túy. Con số này trong thực tế lớn hơn rất nhiều.

Đó là chưa kể Nhà nước phải chi một khoản không nhỏ ngân sách cho việc mua sắm thuốc men; triệt phá vùng trồng thuốc phiện, cần sa; hợp tác quốc tế; xây dựng trung tâm cai nghiện; trả lương cán bộ chuyên trách…

Ngoài việc nhấn mạnh yếu tố thời gian, và sự quan trọng của việc quản lý con người sâu sát, Thủ tướng cũng cho rằng: “Phòng, chống ma túy là vấn đề toàn dân nên phải có những giải pháp toàn dân, phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân.”

Thật vậy, đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tệ nạn ma túy, ngành Công an là ngành đứng mũi chịu sào, nhưng không thể bị “khoán trắng” như thời gian qua.

Một số điều tra xã hội học cho thấy, nhiều gia đình chỉ biết con em mình nghiện khi nhận được tin báo từ cơ quan Công an. Mặc định ma túy là tệ nạn xã hội, nhưng người dân vẫn thờ ơ với trách nhiệm phòng, chống ma túy ngay tại nhà mình, mà chỉ nghĩ đó là việc của ngành Công an. Có thể nói, trách nhiệm chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ đã bị buông lỏng ngay từ gia đình.

Cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy là một cuộc đấu tranh rất lâu dài, và cần sự nỗ lực liên tục không ngưng nghỉ của mọi tầng lớp nhân dân. Xã hội có trật tự, bình an, thì kinh tế mới có nền tảng để phát triển. Sở dĩ Việt Nam nhận được nguồn vốn FDI lớn từ nhiều nhà đầu tư quốc tế, một phần vì an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ma túy là yếu tố nguy cơ nguy hiểm, tác động trực tiếp đến nguồn tài nguyên quý nhất của đất nước, là nguồn lực con người, nên phải quyết liệt bài trừ.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều