Bóng đá Việt Nam và khoảng trống “mênh mông” sau lưng thế hệ Công Phượng, Quang Hải
Dưới thời HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam đang thăng hoa ở cấp độ đội tuyển lẫn U22. Tuy nhiên sau những thất bại liên tiếp ở cấp độ U18 gần đây, rõ ràng đang có khoảng trống lớn sau thế hệ của Công Phượng, Quang Hải. Trong khoảng 5 năm trở lại đây sau những thất bại liên tục, bóng đá Việt Nam đẩy mạnh công tác đào tạo trẻ và có những bước tiến rõ rệt ở giai đoạn từ 2014 đến 2017. Những lứa cầu thủ trẻ này đều đang là trụ cột của đội tuyển Việt Nam hiện tại. Gương mặt tiêu biểu cho hai lứa cầu thủ xuất sắc này là Công Phượng (SN 1995) và Quang Hải (SN 1997).
Lứa cầu thủ U19 Việt Nam chơi thăng hoa năm 2014 dưới thời HLV Graechen là sự khởi đầu cho giai đoạn “thay máu” đội tuyển quốc gia. Dàn cầu thủ Bùi Tiến Dũng (hậu vệ), Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Duy Mạnh…đều đang có chỗ đứng quan trọng ở đội tuyển quốc gia.
Tuy nhiên, thế hệ cầu thủ kế cận ngay sau đó còn thành công hơn. U19 Việt Nam 2016 dù thua Thái Lan 0-6 ở trận chung kết giải Đông Nam Á, nhưng HLV Hoàng Anh Tuấn đã dẫn dắt toàn đội vào bán kết giải U19 châu Á 2016, đồng thời đi vào lịch sử với tấm vé dự World Cup U20 năm 2017.
Lứa cầu thủ Đình Trọng, Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng (thủ môn), Quang Hải và cả Đức Chinh, Tiến Linh đã phát triển một cách rực rỡ. Họ cùng với thế hệ của Xuân Trường, Công Phượng đã giúp bóng đá Việt Nam thăng hoa ở các giải đấu đỉnh cao như U23 châu Á 2018, Asiad 2018, AFF Cup 2018 và mới nhất là Asian Cup 2019.
Ngoài nhóm cầu thủ như Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu có chỗ đứng ở đội tuyển thì những cầu thủ từng dự World Cup U20 năm 2017 như Tiến Dụng, Thái Quý, Trọng Đại, Việt Hưng, Tấn Sinh, Thanh Thịnh, Tấn Tài, Hoàng Đức cũng là đang là trụ cột của U22 Việt Nam hướng đến SEA Games 2019.
Tuy nhiên, sự phát triển của cầu thủ trẻ Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại kể từ sau World Cup U20 2017. HLV Hoàng Anh Tuấn và các học trò đã trải qua những giải đấu thất vọng từ giải Đông Nam Á năm 2017.
Ba giải Đông Nam Á liên tiếp 2017, 2018 và 2019, U18 Việt Nam đều không vượt qua được vòng bảng. Năm 2017 U18 Việt Nam thua Myanmar ở trận quyết định còn năm 2018, chúng ta thua Indonesia, Singapore và hòa Thái Lan. Cũng trong năm 2018, U19 Việt Nam thua cả ba trận trước Jordan, Hàn Quốc, Australia và bị loại ở vòng bảng giải châu Á.
Ở giải đấu trên sân nhà năm 2019, U18 Việt Nam dù thắng Malaysia, Singapore, hòa Thái Lan, thua Australia nhưng thất bại cay đắng trước Campuchia khiến chúng ta dừng bước ở vòng bảng, còn HLV Hoàng Anh Tuấn phải từ chức.
Nhìn vào lứa cầu thủ U18 Việt Nam từ năm 2017 đến nay, giới chuyên môn đánh giá chưa ai đủ thực lực góp mặt ở U22 Việt Nam dự SEA Games năm nay. Điều đó trái ngược hoàn toàn với việc Công Phượng, Xuân Trường hay Quang Hải từng có mặt ở đội tuyển quốc gia khi mới 19, 20 tuổi.
Trần Bảo Toàn, ngôi sao của lứa U18 năm 2018, và Phạm Xuân Tạo, lá cờ đầu của lứa U18 năm 2019, đều đã bộc lộ những hạn chế rõ ràng về trình độ. Bảo Toàn không thể cạnh tranh vị trí tại HA Gia Lai, còn Xuân Tạo tỏ ra không xứng đáng với biệt danh “Công Phượng mới”.
Trong chiến dịch vòng loại U23 châu Á 2020, HLV Park Hang Seo dựa hoàn toàn vào đội hình U19 dự World Cup 2017, trong khi ông không có bất kỳ bổ sung nào đối với lứa U18 dự giải Đông Nam Á 2017, 2018 và 2019.
Có thể ở SEA Games 30 năm 2019, thầy Park vẫn còn nguyên vẹn thế hệ Quang Hải để mơ về tấm HCV bóng đá nam. Nhưng rõ ràng, chúng ta sẽ không có đội U22 chiều sâu tại SEA Games 31, khi mục tiêu HCV bóng đá nam trên sân nhà năm 2021 được trao cho lứa cầu thủ vừa thất bại ở giải U19 Đông Nam Á 2019.
Anh Minh/Dân Trí