+
Aa
-
like
comment

Bóng đá nữ Việt Nam: Gái có công, nhưng chồng lại phụ

08/02/2022 07:25

Quả bóng Vàng Việt Nam 2015 Nguyễn Thị Minh Nguyệt giãy bày nhiều tâm sự: “Thầy Mai Đức Chung hay động viên toàn đội ‘gái có công thì chồng không phụ’, chúng tôi cũng thường xuyên an ủi nhau rằng cứ cố gắng rồi người hâm mộ”

Dung de dau tu cho bong da nu chi la khau hieu anh 1

Gần 10 tỷ đồng là số tiền thầy trò HLV Mai Đức Chung được hứa thưởng ngay sau trận thắng Đài Loan (Trung Quốc) 2-1 để giành vé tới World Cup nữ 2023. Những lời tung hô, kêu gọi đầu tư cũng lập tức xuất hiện khi tuyển nữ Việt Nam làm nên lịch sử.

Đây không phải lần đầu tuyển nữ Việt Nam là tâm điểm của truyền thông nói riêng và xã hội nói chung. Không ít lần các cô gái Việt Nam vượt mặt đồng nghiệp nam, là niềm tự hào của cả dân tộc. Song, khi làn sóng qua đi, ông Chung “Xe ca” và học trò lại trở về với những khoảng lặng khi nhiều người “vui thì đến, hết vui thì đi”.

Gái có công, nhưng chồng lại phụ

Trao đổi với PV sau chiến tích lịch sử của tuyển nữ Việt Nam, Quả bóng Vàng Việt Nam 2015 Nguyễn Thị Minh Nguyệt giãy bày nhiều tâm sự. Cô và đồng đội nhiều lần động viên lẫn nhau và tự động viên chính mình để vượt qua những khó khăn rất đặc trưng của bóng đá nữ, dù biết trước tương lai gần như không có gì thay đổi.

“Thầy Mai Đức Chung hay động viên toàn đội ‘gái có công thì chồng không phụ’, chúng tôi cũng thường xuyên an ủi nhau rằng cứ cố gắng rồi người hâm mộ và mọi người sẽ không quay lưng lại với mình. Nhưng tự mình động viên mình thế thôi, chứ làm gì có”, Minh Nguyệt chia sẻ.

Cầu thủ nữ phải hy sinh nhiều, nỗ lực hơn đồng nghiệp nam nhưng đãi ngộ thì không tương xứng. Để họ sống tốt với nghề đã khó, chưa nói có thể phát triển như nhiều ngôi sao bóng đá nam hiện nay.

Dung de dau tu cho bong da nu chi la khau hieu anh 2
Tuyển nữ Việt Nam giành vé dự World Cup 2023 sau khi đánh bại Đài Loan (Trung Quốc) với tỷ số 2-1.

Một ví dụ đơn giản nhưng rất rõ ràng: Tuyển nữ Việt Nam được thưởng 7 tỷ đồng cho HCV SEA Games 2019. Cũng giành HCV tại kỳ đại hội thể thao khu vực lần thứ 30, U22 Việt Nam được thưởng vượt mốc 20 tỷ đồng.

Thực tế, bóng đá nữ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, luôn được ví như “con ghẻ” bởi sự quan tâm và tính đặc thù của môn thể thao này. Song, sau ánh hào quang, sau nụ cười rạng rỡ trên bục nhận huy chương, các cầu thủ nữ lại trở về với nỗi lo cơm áo gạo tiền và đối mặt nhiều hệ lụy.

Ở những đội bóng lớn như Hà Nội hay TP.HCM, một cầu thủ nhận 5-7 triệu tiền lương. Những cầu thủ ở đội bóng nhỏ hơn còn nhận ít hơn con số nói trên. Năm 2019, cầu thủ của đội nữ Thái Nguyên nhận chế độ ăn 100.000 đồng mỗi ngày. Họ không có lương mà chỉ được hỗ trợ 60.000 đồng cho một ngày tập luyện, trừ thứ 7 và chủ nhật. Tính ra có cầu thủ nhận được khoản tiền hỗ trợ khoảng 1,3 triệu đồng, con số bằng 1/5 các công nhân ở xứ chè.

Nhiều cầu thủ của đội bóng này vừa đá bóng vừa làm công nhân. Có người nghỉ một thời gian dài, đến khi sắp thi đấu mới tạm dừng công việc để trở lại tập luyện. “Đi đá bóng, các em chỉ được hỗ trợ 3-4 triệu đồng/tháng, trong khi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp quanh đây, các em có thể kiếm được 6-7 triệu. Vì thế không thể tránh được nhiều trường hợp cầu thủ xin đi làm thêm ở ngoài”, HLV Đoàn Việt Triều chia sẻ với PV.

Những khó khăn mang tính truyền thống

CLB nữ Sơn La phải rút lui khỏi giải Vô địch Quốc gia nữ 2021 vì thiếu cả kinh phí lẫn nhân lực. Sau 9 năm hoạt động, đội bóng này chỉ còn 4 cầu thủ để tham dự giải Vô địch Quốc gia.

Đội bóng vùng Tây Bắc thiếu kinh phí tới mức, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã miễn nộp lệ phí và hỗ trợ 60 triệu đồng, nhưng thầy trò ông Chuyên vẫn phải căn ke chi phí sinh hoạt, di chuyển trong quá trình tham dự giải U19 nữ Quốc gia 2021.

Mùa giải 2020, HLV Lường Văn Chuyên phải mượn 15 cầu thủ từ đội nữ Hà Nam mới đủ quân số dự giải quốc gia. Trong khi ngành thể thao tỉnh nhà vẫn loay hoay tìm giải pháp, đội bóng nữ Sơn La hàng ngày đối mặt nỗi lo mất quân khi cầu thủ chỉ được hỗ trợ chưa đầy 2 triệu đồng mỗi tháng. Ông Chuyên đã 2 lần “đập đi làm lại” nhưng chưa thể ổn định nhân sự khi khó khăn chưa được tháo gỡ.

Dung de dau tu cho bong da nu chi la khau hieu anh 3
10 năm qua, giải Vô địch Quốc gia nữ chỉ có một nhà tài trợ chính. Ảnh: VFF.

Những khó khăn về chế độ nói chung kéo theo nhiều hệ quả đáng buồn. Một trụ cột của U19 nữ Việt Nam, và được đánh giá là tài năng khó tìm, gặp chấn thương đầu gối nhưng không đủ chi phí để phẫu thuật. Cô đành chấp nhận “bó gối” tập luyện và thi đấu với hy vọng qua thời gian, chấn thương sẽ tự lành.

Nhiều tuyển thủ quốc gia hiện tại, vừa đá bóng vừa kiếm thêm nghề “tay trái” để mưu sinh. Tiền vệ Nguyễn Thị Tuyết Dung còn là một người môi giới xuất khẩu lao động. Hoàng Thị Loan vẫn giao hàng phụ giúp gia đình mỗi khi rảnh…

Đừng để chỉ là những lời nói suông

Cuối năm 2019, đội bóng nữ Thái Nguyên có nguy cơ giải thể vì vấn đề kinh phí và cơ chế. May mắn cho đoàn quân của HLV Việt Triều, một doanh nghiệp đã đứng ra tài trợ kinh phí hoạt động. Các cầu thủ được hỗ trợ nhiều hơn, chuyên tâm hơn vào chuyên môn, không còn cảnh sáng đi làm công nhân, chiều về xỏ giày tập bóng đá. CLB nữ Sơn La thì không được may mắn đến vậy.

Sau SEA Games 2019, VFF được một doanh nghiệp ký hợp đồng tài trợ cho bóng đá nữ 100 tỷ trong vòng 5 năm. HLV Mai Đức Chung từng đề xuất VFF phân bổ một phần hỗ trợ các CLB đào tạo trẻ, đó nguồn là cung cấp lực lượng kế cận cho đội tuyển quốc gia. 20 tỷ mỗi năm chưa đủ để nuôi một đội bóng tại V.League, VFF còn phải tính toán, chia năm sẻ bảy số tiền đó cho nhiều mục đích khác nhau.

Dung de dau tu cho bong da nu chi la khau hieu anh 4
CLB nữ Sơn La không đủ lực lượng để tham dự giải Vô địch Quốc gia nữ 2021. Ảnh: Kiệt Trần.

Cũng khoảng thời gian này, những câu chuyện khó khăn của bóng đá nữ Việt Nam nói chung liên tục được đào xới, được cộng đồng chia sẻ. Không ít lời hô hào về việc tập trung nguồn lực, đầu tư thêm cho bóng đá nữ xuất hiện. Kết quả tích cực chưa thấy đâu, giải Vô địch Quốc gia nữ 2021, CLB Sơn La không thể tham dự, kết quả đã được dự báo từ trước.

Nhìn lại, 10 năm qua, giải Vô địch Quốc gia nữ chỉ có một nhà tài trợ chính duy nhất. Dù số lượng đội đã tăng lên, chất lượng chuyên môn cũng được cải thiện và bóng đá nữ Việt Nam gặt hái không ít thành tích trên đấu trường quốc tế, chúng ta không thấy bóng dáng của những thương hiệu khác ngoài những cái tên đã quá quen thuộc.

Cựu tuyển thủ quốc gia Nguyễn Thị Minh Nguyệt chia sẻ tâm tư: “Việc hô hào đã diễn ra nhiều lần rồi. Có thể bây giờ đội tuyển được tung hô thế thôi, rồi đâu lại vào đấy. Nhìn rộng ra cả thế giới, bóng đá nữ vẫn luôn nhận phần thiệt thòi. Tôi chỉ mong bóng đá nữ được nhận sự quan tâm thực chất, không phải là hành động trong chốc lát”.

Đàn chị của Minh Nguyệt, Đỗ Thị Ngọc Châm, thì giãi bày mong muốn lứa đàn em được chăm lo chu đáo hơn, thu nhập ổn định hơn để có thể tập trung vào chuyên môn hơn.

Theo Minh Nguyệt, để giải quyết những khó khăn cho bóng đá nữ, cần giải quyết được 2 vấn đề: “Thứ nhất, cầu thủ nữ nói riêng và bóng đá nữ nói chung cần được đầu tư tốt hơn. Từ đó, chất lượng chuyên môn cũng được đảm bảo và phát triển hơn”.

“Thứ 2, theo tôi là mấu chốt, là làm sao để cầu thủ nữ có thể yên tâm cống hiến. Đó là câu chuyện cơ chế. Họ cần được đảm bảo tương lai sau khi giải nghệ. Không nhất thiết phải công việc thật sự tốt, nhưng phải đảm bảo mức sống ổn định. Đừng hứa suông rồi để đó”.

Đỗ Hải

Bài mới
Đọc nhiều