+
Aa
-
like
comment

‘Bong bóng’ giá dầu chực vỡ tung

19/03/2022 16:05

Giá dầu gần đây tăng đột biến và sau đó “sụp đổ” được giải thích bởi sự kết hợp của: các yếu tố cơ bản trong trung hạn, bổ sung thêm nữa là căng thẳng do sự gián đoạn dầu xuất khẩu từ Nga và tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng.

'Bong bóng' giá dầu chực vỡ tung
Ảnh minh họa

Hầu hết “bong bóng” phình to nhanh vào giai đoạn đầu bởi các nguyên tắc cơ bản về trung hạn, sau đó là yếu tố kích hoạt ngắn hạn, trước khi các động lực nội tại của thị trường hình thành và thúc đẩy đợt phục hồi không bền vững, và cuối cùng là giai đoạn điều chỉnh. Những biến động gần đây của giá dầu tuân theo mô hình này, giống như những gì xảy ra ở nhiều thị trường tài chính và hàng hóa.

Trong trường hợp này, bối cảnh trung hạn là sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế toàn cầu và tiêu thụ dầu sau làn sóng đầu tiên của đại dịch Covid-19, trong khi OPEC + và các công ty đá phiến của Mỹ đã khôi phục sản xuất một cách chậm chạp.

Kết quả là lượng dự trữ xăng dầu toàn cầu không ngừng hao hụt, dẫn tới cạn kiệt và xu hướng giá tăng đã kéo dài trong vòng 2 năm.

Dự trữ xăng dầu thương mại ở các nền kinh tế phát triển đã giảm 17/21 tháng qua, trong khi giá dầu Brent kỳ hạn giao sau 1 tháng tăng trong 18/23 tháng qua. Dự trữ xăng dầu toàn cầu đã trở nên thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm trước đại dịch và dự kiến ​​sẽ còn giảm hơn nữa dù không xảy ra cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine. Mức chênh lệch giá dầu Brent kỳ hạn giao gần với kỳ hạn giao sau 6 tháng đã giảm xuống còn trừ lùi 8 USD/thùng, tương tự như năm 1990, cho thấy thị trường bị thắt chặt đến mức nào trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine.

Trong bối cảnh đó, việc Nga thực hiện “chiến địch đặc biệt” ở Ukraine, và tiếp theo là các lệnh trừng phạt do Mỹ và các đồng minh áp đặt lên Nga đóng vai trò là yếu tố kích hoạt ngắn hạn, đẩy giá giao ngay và chênh lệch giá tăng nhanh kể từ ngày 25/2 – một ngày sau thời điểm xảy ra khủng hoảng giữa Nga và Ukraine.

Các lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu xăng dầu của Nga gây nguy cơ sản lượng dầu toàn cầu tổn thất nghiêm trọng nhất kể từ khi Iraq tấn công Kuwait năm 1990 và cuộc cách mạng Iran năm 1979.

Đến ngày 8 tháng 3, hợp đồng dầu thô kỳ hạn giao nhanh vòng một tháng đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2014 (sau khi điều chỉnh theo lạm phát), và chênh lệch giá giữa hợp đồng giao ngay với giao sau 6 tháng tăng lên mức cao kỷ lục, gần 22 USD/thùng.

Các nhà giao dịch đã bắt đầu dự đoán chiến tranh và các lệnh trừng phạt có thể biến tình trạng khan hiếm trên thị trường hiện tại thành tình trạng thiếu hụt hàng thực, và lo ngại thị trường dầu tái diễn kịch bản của những năm 1970.

Bong bóng giá dầu chực vỡ tung - Ảnh 1.
Giá dầu Brent trong vòng 1 tháng qua.

Sự hình thành bong bóng

Đợt giá và chênh lệch giá tăng mạnh gần đây nhất diễn ra trong khoảng thời gian từ 25/2 đến 8/3 cũng cho thấy các đặc trưng của “bong bóng” thị trường tài chính. Khi cả giá và chênh lệch giá tăng mạnh, hầu hết các nhà giao dịch đều cố gắng tránh rơi vào tình trạng khó mua, dẫn đến việc thiếu vắng những người tham gia thị trường sẵn sàng bán.

Sự bất ổn gia tăng dẫn đến yêu cầu ký quỹ tăng mạnh, khiến việc duy trì các vị thế hiện tại hoặc bắt đầu các vị thế mới trở nên đắt đỏ hơn nhiều so với trước đây.

Thanh khoản trên thị trường giảm nhanh làm gia tăng mức độ biến động, dẫn đến nhu cầu tiền ký quỹ cũng tăng lên. Bắt đầu diễn ra một vòng luẩn quẩn khi sự biến động gia tăng và thanh khoản giảm tạo ra áp lực phản hồi “tích cực” (tăng giá), khuếch đại nghiêm trọng ảnh hưởng của sự xáo trộn ban đầu đối với giá và chênh lệch giá.

Giống như hầu hết các bong bóng khác, bong bóng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và sau đó là một đợt giảm giá đột ngột không kém, một vụ nổ có nhiều đặc điểm của một vụ tai nạn chớp nhoáng.

Bong bóng xì hơi

Yếu tố kích hoạt ngắn hạn cho việc bán tháo có lẽ là triển vọng Nga và Ukraine sẽ đạt được một thỏa thuận ngừng bắn, hoặc ít nhất là giảm leo thang xung đột, điều đó sẽ cho phép xuất khẩu dầu của Nga tiếp tục.

Đồng thời, số ca nhiễm virus Covid-19 ở Trung Quốc ngày càng tăng đã dẫn đến ngày càng nhiều địa phương áp dụng chính sách phong tỏa, đe dọa tiêu thụ dầu chậm lại.

Ở châu Âu và Bắc Mỹ, giá dầu tăng đang làm cho vấn đề lạm phát – vốn đã nóng từ trước – trở nên tồi tệ hơn, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất và gây nguy cơ làm cho chu kỳ kinh doanh chậm lại. Đến ngày 8 tháng 3, triển vọng sản xuất dầu toàn cầu đã được cải thiện một chút trong khi triển vọng tiêu thụ đã xấu đi đáng kể.

Giá dầu leo thang nhanh chóng và những biến động bất thường giữa các hợp đồng kỳ hạn khác nhau thường khuyến khích những nhà đầu tư lạc quan nhận ra cơ hội kiếm lời nhanh chóng trước khi có khả năng điều chỉnh.

Trong tuần tính đến ngày 8 tháng 3, các quỹ đầu cơ và các nhà quản lý tiền tệ khác đã bán tương đương 142 triệu thùng trong sáu hợp đồng quyền chọn và hợp đồng tương lai quan trọng nhất liên quan đến dầu mỏ. Con số đó nhiều thứ 11 trong số các tuần kể từ năm 2013, theo hồ sơ được công bố bởi Sàn giao dịch Châu Âu ICE và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai của Mỹ.

Nhưng khi một số nhà giao dịch bắt đầu cắt giảm các vị thế dài với giá cao bắt đầu kích hoạt hiện tượng biến động mạnh, giữa bối cảnh thiếu thanh khoản và yêu cầu ký quỹ tăng cao, thúc đẩy một đợt tăng giá mạnh chớp nhoáng, khiến cho người muốn mua cũng phải ngần ngại vì giá cao. Nhưng trong khi lượng bán ban đầu được hấp thụ mà không có quá nhiều ảnh hưởng đến giá thị trường thì lượng bán ra ồ sạt sau đó nhanh chóng lấn át thanh khoản sẵn có, khiến giá giảm với tốc độ chóng mặt.

Tiếp tục biến động

Giá dầu Brent kỳ hạn giao sau một tháng đã giảm hơn 13% vào ngày 9 tháng 3, mức giảm nhiều thứ 7 trong số hơn 8.200 ngày giao dịch kể từ năm 1990.

Trong sáu ngày giao dịch (8-16/3), giá dầu Brent kỳ hạn giao sau 1 tháng đã giảm hơn 23%, mức giảm lớn thứ 23 trong khoảng thời gian tương tự kể từ năm 1990.

Đợt giá tăng bất thường trong giai đoạn 8/2 đến 8/3 được tiếp nối bởi một đợt giá giảm nghiêm trọng không kém cho đến 16/3, khi các động lực đẩy giá tăng lên đột nhiên trở nên mờ nhạt. Giá đã giảm nhanh về mức trước khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine, khi mà nguồn cung vẫn rất eo hẹp nhưng các nhà giao dịch lại không còn lo sợ về sự thiếu hụt quá mức, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, với những bất ổn lớn xung quanh diễn biến có thể xảy ra trong cuộc xung đột ở Đông Âu, sự gián đoạn đối với xuất khẩu của Nga, sự bùng phát đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc, chu kỳ kinh doanh của các nước OECD chậm lại và tính thanh khoản vẫn kém, thị trường dầu mỏ có thể sẽ còn tiếp tục biến động mạnh trong ngắn hạn.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều