Đừng dùng fan cuồng để đối đầu
Có lẽ nhiều người ít biết, Sơn Tùng MTP từng bị “nhắc khéo” trên báo Nhân Dân vào năm 2015. Hồi ấy, Sơn Tùng MTP đang có những bước đi đầu tiên trên hành trình trở thành nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam. Bài báo ấy phê phán “cái tôi” của Sơn Tùng MTP qua việc mượn lời của ca sĩ Tùng Dương và những lùm xùm “viết nhạc trên nền hòa âm ngoại” của chàng trai quê Thái Bình này bằng lá thư của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.
“Vấn đề mấu chốt là lòng tự trọng của một nhạc sĩ, của một nền âm nhạc và của cả dân tộc. Có khi người ta không thèm kiện mình đâu, nhưng người ta sẽ vô cùng xem thường cả một nền âm nhạc!” – Bức thư của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh có đoạn.
Bước chân chưa vững thời ấy và những lời “nhắc nhở” đó, có lẽ đã giúp định hình Sơn Tùng MTP, trở thành một ca sĩ với khát vọng mang âm nhạc Việt tiến ra thế giới, một ca sĩ chuyên nghiệp và lịch thiệp với các tiền bối, nhã nhặn với hậu bối, trở thành ca sĩ đứng vị trí cao nhất về danh tiếng tại làng nhạc Việt nhưng chưa hề tỏ ra ngôi sao, trịnh thượng.
Jack, cũng ở vào một vị trí như Sơn Tùng MTP ngày trước, Jack nổi tiếng quá nhanh, cũng… quá nguy hiểm khi xuất hiện quá nhiều những tranh cãi về hậu trường, bản quyền và cả chính âm nhạc mà Jack truyền tải. Giới chuyên môn, người hâm mộ cũng đã có những bước đầu so sánh Jack và Sơn Tùng MTP, không ít người đặt câu hỏi rằng, bao lâu nữa, Jack có thể vượt qua được Sơn Tùng MTP?
Khi bị báo Nhân Dân nhắc tên về chuyện “nghệ sĩ lệch chuẩn” và những ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ, thì một bộ phận hâm mộ Jack, đã chứng minh rằng, hóa ra báo nói không sai một tý gì cả.
Một bộ phận người hâm mộ đi khẩu chiến khắp nơi, chửi bất cứ ai có bình luận về Jack mặc dù những bình luận này mang tính góp ý và giải thích rất cao. Có những bạn trẻ lớn tiếng kêu gọi “tẩy chay” báo Nhân Dân, cho rằng tờ này đang “bú fame” Jack, báo Nhân Dân “thiếu view”, “vùi dập nhân tài”, “Kênh 14 của Đảng” và nhiều fan cuồng còn truy tìm thông tin của tác giả viết bài báo…
Những phản ứng này, làm mình nhớ đến vụ việc khá tương đồng, một bộ phận người hâm mộ của Độ Mixi chửi bới, “thánh chiến”… với nhà đài VTV xung quanh những phóng sự về trách nhiệm, thái độ… của những streamer – mà Độ Mixi là nhân vật trung tâm.
“Hai ngày qua tôi không thể làm được cái gì cả. Bọn trẻ trâu nó làm hết, từ việc đối đầu VTV hay vào page chửi mắng. Những điều đó tôi không bao giờ cổ suý” – Độ Mixi. Câu chuyện giữa VTV và Độ Mixi đã được giải quyết một cách rất văn minh và lịch sự, người hâm mộ thấy một Độ Mixi tích cực hơn trước, chính anh cũng nhiều lần lên tiếng nhắc nhở anh em về tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng, về văn hóa nghề nghiệp streamer.
Những người hâm mộ này, tự cho mình đang “thực thi công lý”, nhưng lại gián tiếp khiến thần tượng của mình phải đối diện với nhiều biến cố lớn có thể lớn hơn những gì mà những đơn vị báo chí đã nêu ra. Phải chăng là tuổi trẻ chưa trải sự đời?
Báo Nhân Dân phê phán chuyện Jack đăng tải bức ảnh giơ ngón tay thối cùng dòng trạng thái ngụ ý bảo vệ gia đình hoặc cộng đồng người hâm mộ Jack. Nhưng dù với bất cứ lý do gì, một nghệ sĩ trẻ đang rất nổi tiếng và có nhiều người hâm mộ nhỏ tuổi mà hành động như vậy thì rất đáng trách.
Nước nâng thuyền, cũng có thể làm chìm thuyền. Nổi tiếng sớm rất tốt, nhưng cũng có nhiều ngôi sao, vì nổi tiếng quá sớm, lại không vượt qua được chính mình hay những cám dỗ trong ngành, rồi trở thành một sự nuối tiếc trong lòng người hâm mộ. Như câu chuyện về Văn Quyến chẳng hạn.
Bài viết trên báo Nhân Dân, ở một góc độ nào đó, chỉ đơn giản là một câu chuyện nhắc nhở nhẹ nhàng liên quan đến câu chuyện ứng xử và thái độ chuyên nghiệp của người nghệ sĩ. Jack cần đọc bài báo, tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân, tiết chế những lùm xùm đời tư và tập trung làm nhạc. Và những người hâm mộ Jack, cộng đồng Đom Đóm, bảo vệ thần tượng là đúng, nhưng hãy bảo vệ bằng cách góp ý, ngôn từ nhẹ nhàng, vì các bạn còn trẻ. Chứ không phải lao vào chửi bới, miệt thị, xúc phạm hay tổ chức những cuộc kêu gọi report, “thánh chiến”… Điều này, càng đưa Jack vào tình thế khó hơn thôi.
Ví dụ, thay vì gây chiến giữa các fandom, Sky và Đom Đóm có thể cũng nhau hô hào ủng hộ thần tượng, bên nào bên đó tách biệt, “cày view” văn minh. Điều này khiến văn hóa hâm mộ cải thiện, thần tượng cũng có thể an tâm làm nhạc và vĩ mô hơn, âm nhạc Việt đều đi lên.
Báo Nhân Dân cũng nhắc về trường hợp của ViruSs, một streamer rất có ảnh hưởng trong cộng đồng game thủ Việt Nam. Nhưng điều mà mình “ấn tượng” với ViruSs, lại từ những đoạn reaction của streamer này.
Nhiều lần, cộng đồng Kpop đã bày tỏ thái độ không tốt khi ViruSs có những video reaction rất nhạy cảm nhắm vào các thần tượng nữ Kpop. Rõ ràng, không một ai vui khi những thần tượng của mình – lại là những thần tượng nữ, bị để ý quá mức về giọng hát hay ngoại hình.
Đặc biệt, là câu chuyện hồi đầu năm ngoái, ViruSs reaction đoạn phim xuyên tạc về đại dịch Covid-19, trong đoạn reaction đó có dòng chữ rất nhạy cảm: “Đừng nghe những gì cộng sản nói”. ViruSs cũng có nhiều bình luận trên kênh Dưa Leo, một kênh bị chính báo Nhân Dân nói là “nấp bóng truyền bá tri thức để kích động, chống phá đất nước”.
Clip VirusS reaction về đại dịch đã đạt khoảng 60 ngàn lượt xem trước khi bị chính chủ gỡ xuống. Rõ ràng, đó thực sự là một nước đi không tốt khi cuộc chiến đại dịch vừa mới bắt đầu, nếu không muốn nói là lệch lạc tư tưởng và lan truyền thông tin độc hại.
Đâu là giới hạn của tự do ngôn luận? Đâu phải cứ đưa “cảm xúc cá nhân” ra, để muốn nói gì cũng được?
Tại Trung Quốc, bị CCTV hay Nhân Dân Nhật Báo nhắc tên, là ngôi sao đó sẽ “tự dưng” đóng mạng xã hội, tránh xuất hiện trên truyền thông, người hâm mộ cũng hạn chế lên tiếng nhằm tránh liên lụy đến thần tượng. Thách thức các cơ quan truyền thông lớn, lại là những cơ quan tầm vóc chính trị, thì chưa bao giờ là một ý tưởng hay ho cả.
Hãy hâm mộ chân chính, đừng cuồng.
Tifosi
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả