+
Aa
-
like
comment

Bốn nhà đầu tư trúng đấu giá đất Thủ Thiêm có tiềm lực tài chính như thế nào?

15/12/2021 11:49

Trong 4 doanh nghiệp tại phiên đấu giá kỷ lục thì có 2 doanh nghiệp tài sản dưới 100 triệu đồng, một đơn vị vừa lỗ nghìn tỷ, còn một công ty chỉ vừa được lập.

Bốn lô đất đắc địa phía Bắc Thủ Thiêm vừa tạo nên một phiên đấu giá lịch sử, không chỉ bởi việc thu hút nhiều công ty lớn so găng, mà còn nằm ở giá trị. Những lô đất với ký hiệu lần lượt là 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 mang về tổng cộng 37.346 tỷ đồng, gấp 7 lần khởi điểm.

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại phiên đấu giá

Trong đó, lô đất 3-5, có diện tích 6.446 m2, được Công ty cổ phần Dream Republic đấu giá thành công với mức 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần giá khởi điểm. Lô 3-8 rộng hơn 8.500 m2 cũng được đấu giá thành công bởi Công ty cổ phần Sheen Mega, với mức 4.000 tỷ đồng, 4 lần so với giá khởi điểm.

Lô đất 3-9 ban đầu có giá khởi điểm hơn 728 tỷ đồng nhưng được đấu lên hơn 5.000 tỷ đồng bởi Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh, gấp gần 7 lần. Lô 3-12 có biên độ tăng cao nhất, với giá khởi điểm hơn 2.942 tỷ đồng, nhưng giá trúng lên tới 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần, thuộc về Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt.

Các lô đất tại Thủ Thiêm được đấu giá thành công, giá cao nhất lên gần 2,5 tỉ đồng/m²

Ngoại trừ Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt ít nhiều đã tham gia trên thị trường bất động sản, những doanh nghiệp còn lại chưa từng xuất hiện, thậm chí mới được thành lập. Dù vậy, những người liên quan chúng lại không hoàn toàn “vô danh”.

Dream Republic thành lập ngày 4/10/2017 với vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, do ba cổ đông cá nhân góp vốn là Trần Thị Mộng Linh, Đặng Minh Thắng, Trương Ích Quốc với tỷ lệ 40%, 30% và 30%.

Bà Linh, ngoài vai trò đại diện pháp luật tại Dream Republic, còn đại diện cho Công ty TNHH Tú Linh, Công ty TNHH Speed Pro.

Ông Đặng Minh Thắng là người đại diện theo pháp luật của 5 doanh nghiệp, gồm Công ty Dịch vụ Supreme Performance, Công ty Công nghệ Innoware. Công ty TNHH Đầu tư City Link, CTCP Đầu tư City Field và Công ty TNHH Kết nối Sáng tạo Weedoo. Tại Công ty Công nghệ Innoware, ông Thắng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, trong khi hai thành viên còn lại là Trương Huệ Vân và Lâm Khắc Vinh (Truong Vincent Kinh).

Trương Huệ Vân, sinh năm 1988, là thế hệ thứ tư của gia tộc họ Trương, đứng sau Vạn Thịnh Phát. Còn ông Trương Ích Quốc là đại diện Công ty TNHH Golden Universe, đồng thời cũng góp vốn tại Công ty cổ phần Đầu tư City Field – công ty do ông Thắng là người đại diện theo pháp luật.

Nếu xét về cấu trúc tài chính, hai doanh nghiệp này cũng có nhiều điểm chung. Theo nguồn tin tìm hiểu, Dream Republic và Sheen Mega đều đăng ký số vốn vài trăm tỷ đồng nhưng cho tới cuối năm 2020, báo cáo tài chính của cả hai vẫn chưa ghi nhận phần vốn được góp. Tổng tài sản chỉ dừng ở mức vài chục triệu đồng và không phát sinh hoạt động kinh doanh.

So với hai doanh nghiệp trên, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (Viet Star) có “tiếng” hơn. Công ty này chi ra 24.500 tỷ đồng để giành lấy lô đất mang số hiệu 3-12 được giới thiệu là thành viên thuộc Tân Hoàng Minh Group, chủ đầu tư của dự án D’. Capitale Trần Duy Hưng, Hà Nội. Đại diện cho công ty này tham gia phiên đấu giá cũng là ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch của Tân Hoàng Minh.

So về tiềm lực, Viet Star có phần nổi trội nhất trong số bốn doanh nghiệp vừa trúng đấu giá nhưng quy mô vẫn khiêm tốn nếu so với số tiền phải bỏ ra để đấu giá lô đất 3-12. Tổng tài sản của Viet Star đến cuối năm 2020 mới dừng ở mức hơn 7.600 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 800 tỷ.

Ở thời điểm cao nhất là năm 2018, tổng tài sản của Viet Star cũng chỉ hơn 17.300 tỷ đồng, tức là vẫn thấp hơn 30% so với số tiền mà công ty này vừa phát giá.

Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh, doanh nghiệp chi hơn 5.000 tỷ đồng để đấu giá lô đất 3-9, có phần kín tiếng hơn cả.

Khu chức năng số 3 nằm đối diện với quận 1 bên kia sông Sài Gòn (giữa cầu Thủ Thiêm 1 và 2). Ảnh: BQL Thủ Thiêm

Doanh nghiệp này vừa được thành lập ngày 24/09/2021, đặt trụ sở tại tòa nhà 151, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Thân Thị Liên (sinh năm 1992). Công ty ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến ngày 3/12/2021 tăng vốn lên 200 tỷ đồng.

Theo quy định, trong 5 ngày làm việc kể từ buổi đấu giá, bốn doanh nghiệp nói trên phải ký hợp đồng mua bán tài sản với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP HCM (đại diện sở hữu các lô đất) và Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP HCM. Sau thời hạn này, nếu bên trúng đấu giá không thực hiện việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá sẽ bị mất tiền đã nộp để tham gia đấu giá, theo quy định là 20% giá khởi điểm lô đất.

Trong 30 ngày kể từ khi ký thông báo của cơ quan thuế, người trúng đấu giá phải thanh toán 50% số tiền mua tài sản cho ngân sách nhà nước. 60 ngày tiếp theo, bên trúng đấu giá phải thanh toán đủ số tiền còn lại. Nếu bên trúng đấu giá chậm thanh toán, sẽ bị phạt chậm nộp theo quy định quản lý thuế.

Trường hợp quá 180 ngày kể từ thời điểm ký thông báo thuế, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền mua tài sản đấu giá sẽ được xem là vi phạm hợp đồng. Các cơ quan chức năng sẽ báo cáo và trình UBND TP HCM hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.

Minh Ngọc

Bài mới
Đọc nhiều