Bồi thường oan sai, tiền lấy từ đâu?
Nhiều vụ án oan sai sau khi được minh oan, người bị oan sai yêu cầu bồi thường hàng chục tỉ đồng. Vậy nguồn tiền sẽ lấy từ đâu nếu phải bồi thường?
Một trong những vụ việc đang được dư luận quan tâm nhiều là các ông Trần Ngọc Chinh (79 tuổi), Trần Trung Thám (sinh năm 1942, đã mất, em trai ông Chinh) và Khổng Văn Đệ được giải oan về tội “giết người” vào năm 1982, nhưng đến ngày 9.10.2019 chính quyền mới tổ chức xin lỗi oan sai công khai. Từ đó, các ông và người nhà có đơn đề nghị Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường trong thời gian bị tạm giam và 38 năm chịu oan ngoài xã hội. Cụ thể, ông Trần Ngọc Chinh yêu cầu bồi thường 12,87 tỉ đồng, vợ ông Trần Trung Thám yêu cầu bồi thường khoảng 25 tỉ đồng, gia đình ông Khổng Văn Đệ yêu cầu được bồi thường 10 tỉ đồng.
Về các yêu cầu bồi thường trên, ngày 26.6, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản trả lời đang thụ lý hồ sơ. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Tất Hiếu, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết để xảy ra oan sai là trách nhiệm của thế hệ trước, nhưng những người hậu kế cần phải xem xét bồi thường đúng về mặt đạo lý và trách nhiệm. “Viện Kiểm sát sẽ nghiên cứu hồ sơ, căn cứ luật Trách nhiệm bồi thường (TNBT) của nhà nước để tính toán mức bồi thường phù hợp, thỏa đáng. Sau đó, sẽ có buổi làm việc với các gia đình để thống nhất mức đền bù, nếu các gia đình không đồng tình thì có quyền khởi kiện để tòa phân xử”, ông Hiếu cho hay.
Mức bồi thường luôn thấp hơn yêu cầu
Việc bồi thường, theo quy định hiện hành, là phải căn cứ luật TNBT của nhà nước để tính toán mức bồi thường. Tuy nhiên, trong thực tế số tiền được bồi thường luôn thấp hơn số tiền người oan sai yêu cầu, thậm chí thấp hơn rất nhiều. Như trong vụ oan sai xảy ra ở Tây Ninh mà Báo Thanh Niên từng phản ánh qua loạt bài Mỏi mòn thân phận 40 năm oan khuất, 8 người cùng một “đại gia đình” bị bắt oan trong vụ cướp ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng năm 1979 yêu cầu bồi thường cả chục tỉ đồng mỗi người cho hàng chục năm chịu án oan. Sau nhiều lần tính toán, thỏa thuận, số tiền người nhận được cao nhất khoảng 1 tỉ đồng, thấp nhất là 615 triệu đồng.
Trường hợp khác, các đồng nguyên đơn là gia đình ông Bùi Duy Hải (năm 1989 ông Hải được tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên không phạm tội về 3 tội danh do TAND tỉnh Bạc Liêu kết án ông; đến năm 1999 ông mất) kiện yêu cầu TAND tỉnh Bạc Liêu bồi thường oan sai cho ông Hải hơn 9 tỉ đồng. Sau 3 năm khởi kiện, tháng 5.2020, TAND cấp cao tại TP.HCM y án sơ thẩm, buộc TAND tỉnh Bạc Liêu bồi thường hơn 1,1 tỉ đồng cho gia đình ông Hải. Số tiền còn lại, theo HĐXX, các đồng nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ phù hợp, các yêu cầu liên quan không nằm trong luật định hoặc vượt quá quy định… nên không được chấp nhận.
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết căn cứ áp dụng bồi thường theo luật TNBT của nhà nước năm 2017 và Nghị định 68/2018/NĐ-CP thì thiệt hại sẽ được tính tương đương giá trị thời điểm tiến hành bồi thường. Đối với các vụ bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự, các khoản bồi thường có thể gồm: thiệt hại về tài sản do bị xâm phạm; thiệt hại về thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; thiệt hại về vật chất do người thiệt hại bị mất; thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm hại; thiệt hại về tinh thần; chi phí khiếu nại, tố cáo, thuê người bào chữa và chi phí đi lại, thuê phòng nghỉ để thăm gặp người thân trong quá trình bị tạm giam.
Còn theo luật sư Trần Xuân Tiền, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, để có cơ sở bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường và chứng minh những thiệt hại thực tế, mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại. Đó cũng là nguyên nhân khiến công tác thực hiện bồi thường thiệt hại của nhà nước bị kéo dài do quá trình thương lượng, các bên khó tìm được điểm chung.
Người gây oan sai có phải trả tiền bồi thường?
Về kinh phí bồi thường oan sai, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết điều 60 luật TNBT của nhà nước năm 2017 đã quy định nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách để thực hiện TNBT của nhà nước; đồng thời, Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường khi có đề nghị.
Về phía người gây oan sai, thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Khoa Luật Trường đại học Kinh tế – luật, cho hay luật có quy định “người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại”, trong đó quy định về lỗi cố ý hoặc vô ý của người thi hành công vụ gây thiệt hại cho nạn nhân để tính nghĩa vụ bồi hoàn.
“Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại mà có bản án đã có hiệu lực pháp luật tuyên người đó phạm tội thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại; người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả từ 30 – 50 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả nhưng tối đa là 50% số tiền mà nhà nước đã bồi thường. Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây thiệt hại thì mức hoàn trả từ 3 – 5 tháng lương của người đó tại thời điểm có quyết định hoàn trả, nhưng tối đa là 50% số tiền mà nhà nước đã bồi thường”, ông Quang phân tích.
PV/TN