+
Aa
-
like
comment

Bồi thường hay trúng thưởng?

Phạm Khoa - 17/04/2023 16:30

Tấm ảnh chụp 4 người thuộc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cùng với đại diện gia đình các nạn nhân cầm bảng ghi số tiền bồi thường khiến nhiều người chua chát đặt câu hỏi, không biết đơn vị bảo hiểm đến chia sẻ nỗi đau, hay lợi dụng nỗi đau để PR thương hiệu.

Hiện trường vụ việc

Vụ tai nạn trực thăng xảy ra chiều ngày 05/04/2023 làm chết 5 người, bao gồm cả phi công, đã làm chấn động dư luận cả nước. Đau xót hơn, khi thông tin sau đó cho biết trong 4 người còn lại, có 3 người là thành viên của 1 gia đình, và chuyến đi là để mừng sinh nhật.

Gia đình mất 1 người thân đã vô cùng đau đớn, đằng này những 3 người ra đi cùng lúc, nhất định nỗi đau sẽ lớn, và kéo dài. Ngay sau đó, những thông tin bồi thường từ các công ty bảo hiểm được thông báo rộng rãi đã khiến dư luận an tâm, cho là hành động kịp thời, và cần thiết để an ủi gia đình người đã mất, góp phần chia sẻ gánh nặng tài chính của họ trước biến cố quá sức thương tâm vừa qua.

Tuy nhiên, sự an tâm kia kéo dài chưa lâu thì nhiều người đã lại chạnh lòng, khi hình ảnh nhân viên Công ty Bảo hiểm Bảo Việt chụp cùng đại diện gia đình nạn nhân tay cầm tấm bảng ghi số tiền bồi thường xuất hiện nhan nhản trên khắp các báo mạng và mạng xã hội.

Người ta không thấy đó là một sự chia sẻ nỗi đau, mà ngược lại, tấm bảng trong tay người đại diện gia đình nạn nhân cầm rất giống với một sự kiện trúng thưởng hay một hoạt động PR cho doanh nghiệp.

Thực tế là các nạn nhân đều mua hoặc được mua bảo hiểm, nên việc công ty bảo hiểm đền bù khi tai nạn xảy ra là lẽ đương nhiên. Ở đây hoàn toàn không có câu chuyện xin-cho, hay “chiếu cố”, mà là một việc phải làm giữa người mua dịch vụ, và người cung cấp dịch vụ.

Công ty Bảo hiểm Bảo Việt trong trường hợp này đã tỏ ra thiếu tôn trọng khách hàng, và thiếu luôn cả đảm bảo bảo mật cho khách hàng.

Xét dưới góc độ đạo đức xã hội, hành động để đại diện gia đình nạn nhân chụp hình cùng tấm bảng ghi số tiền bồi thường bên cạnh người của Công ty Bảo hiểm, với “background” (phông nền) là di ảnh của các nạn nhân, đã hoàn toàn không đạt tiêu chí nhân văn.

Đây không phải lần đầu những chuyện gây phản cảm xảy ra với ngành bảo hiểm. Những tấm bảng ghi tiền bồi thường vẫn thường xuất hiện, đặc biệt nếu nạn nhân có được sự quan tâm từ dư luận xã hội. Ai cũng thấy, nhưng ít người lên tiếng, dù không đồng tình hay khó chịu, vì cho rằng chuyện đó không lớn.

Đã đến lúc ngành bảo hiểm phải thay đổi cách làm việc và đối xử với khách hàng, vì tiêu chí nhân văn là tiêu chí, cũng như ý nghĩa quan trọng cốt lõi của ngành này.

Phạm Khoa

Bài mới
Đọc nhiều