Đã đến lúc hoa hậu cần phải trả về đúng bản chất và danh xưng vốn có
Trong khi các ngành nghề khác cũng đua nhau vặn mình quay trở lại thì giới giải trí cũng không chịu thua kém. Người ta đồn rằng một “ngành công nghiệp không khói” đã nở rộ, bởi khi chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, 20 cuộc thi nhan sắc đã được tổ chức và 6 tháng cuối năm còn hàng chục cuộc thi khác vẫn đang chờ lên sóng!
Tỉ lệ thuận với số lượng cuộc thi là số lượng người đẹp được gắn mác hoa hậu ngày một nhiều nhưng chất lượng thì… Hoa hậu là người đẹp đại diện cho đất nước. Chính họ là người quảng bá hình ảnh, văn hóa, ẩm thức của đất nước ra với bạn bè thế giới, mà ngay cả đến cả tên nhân vật hoạt hình nổi tiếng cũng nói sai thì chẳng hiểu giới thiệu được gì? Hay những pha bắn tiếng anh “đi vào lòng đất” khiến công chúng phải ngao ngán lắc đầu.
Nhiều người còn kháo nhau, cứ thi kiểu này có lẽ chỉ vài năm nữa có khi hoa hậu còn nhiều hơn cả công nhân! Tếu táo là thế nhưng đấy lại là sự thật cần được báo động. Rất nhiều cuộc thi người đẹp, người mẫu được tổ chức hằng năm, tốn kém kinh phí, thời gian nhưng không chất lượng. Vậy nhưng, sau khi giành được danh hiệu trên, những người đẹp này đã làm được gì? Đã đóng góp được gì cho đất nước? Hay là cần cái danh xưng hoa hậu ấy để phục vụ cho nhu cầu cá nhân?
Hơn nữa, dù chúng ta đang có tình trạng “ra ngõ gặp hoa hậu” nhưng thú thực để chọn một người xứng đáng tài sắc vẹn toàn để “mang chuông đi đánh xứ người” thì vẫn là bài toán nan giải. Âu đây cũng là kết quả của thực trạng nhiều thí sinh chỉ biết tập trung vào vẻ đẹp bên ngoài chứ chưa chăm lo cho việc cập nhật kiến thức.
Ở cuộc thi hoa hậu chính thống, thí sinh phải qua rất nhiều vòng kiểm tra kỹ lưỡng, quá trình thi cũng rất khắc nghiệt… mới chọn được đại diện xứng đáng. Các thí sinh có nhiều hoạt động cộng đồng truyền năng lượng tích cực, đóng góp cho cộng đồng cả về vật chất và tinh thần, truyền năng lượng và cảm hứng cho thế hệ trẻ. Thế nhưng các hoa hậu ngày nay càng ngày càng mờ nhạt.
Lý giải về sự “lạm phát” các cuộc thi hoa hậu, được biết sở dĩ năm nay số lượng đấu trường nhan sắc “bùng nổ” là nhờ hưởng lợi từ Nghị định 144, có hiệu lực từ tháng 2.2021. Trước đây, việc cấp phép do Cục Nghệ thuật Biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) thực hiện. Từ sau Nghị định 144, các đơn vị tổ chức chỉ cần thông qua Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh – nơi tổ chức sự kiện là đã có thể tổ chức thi sắc đẹp.
Tinh thần của Nghị định 144 ra đời từ quyết tâm cắt giảm thủ tục hành chính của Chính phủ. Rất nhiều đơn vị, ngành nghề và người dân đã được hưởng lợi từ việc cắt giảm những thủ tục “hành là chính” này. Quy định là để dễ thở nhưng một số đơn vị lại dùng nó làm lá bùa để tha hồ tổ chức hoa hậu gắn mác thế giới lớn nhỏ với nhau.
Thực trạng đã thấy và hiện tại rất cần tiếng nói của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Cần những đề xuất cụ thể từ Bộ gửi trình lên Chính phủ nhằm chấm dứt tình trạng này! Hoa hậu cần phải trả về đúng bản chất và danh xưng vốn có của nó!
Thu An