Bối cảnh mới đòi hỏi Công đoàn đổi mới mạnh mẽ, toàn diện
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, việc thực hiện cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện.
Sáng nay, 28/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam. Tham dự buổi lễ có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương.
Lễ kỷ niệm vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Đúng 90 năm trước, ngày 28/7/1929, Tổng công hội đỏ Bắc kỳ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức được thành lập, đánh dấu bước ngoặt lớn, khẳng định sự lớn mạnh của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn Việt Nam, là kết quả công vận, sự truyền bá lý luận công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Thủ tướng cho rằng, trải qua 9 thập kỷ hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, đồng hành cùng dân tộc, là lực lượng và là chỗ dựa tin cậy, trung thành của Đảng, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng phấn đấu vì quyền lợi của giai cấp công nhân, người lao động, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Công đoàn là tổ chức chính trị xã hội tiên phong trong xây dựng, chỉnh đốn, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, là chỗ dựa vững chắc và cầu nối giữa công nhân, người lao động với Đảng và Nhà nước. Công đoàn Việt Nam luôn là lực lượng tiên phong, đóng vai trò trung tâm trong đời sống chính trị của đất nước.
Thủ tướng cũng nêu rõ, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn luôn ở tuyến đầu, là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công đoàn các cấp, đặc biệt là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tìm tòi, sáng tạo, đề xuất và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực như “Tết sum vầy”, “Tháng công nhân”, xây dựng các thiết chế công đoàn, tháo gỡ các vấn đề bức xúc về nhà ở, nhà trẻ, nơi sinh hoạt văn hóa, chăm sóc sức khỏe tại các khu công nghiệp; tổ chức gặp gỡ, đối thoại hàng năm giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân. Xây dựng chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước, phát động cuộc vận động “cán bộ, công chức, viên chức nói không với tiêu cực”. Quan tâm đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần bảo đảm chế độ chính sách và từng bước nâng cao phúc lợi, lợi ích cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Theo Thủ tướng, việc thực hiện cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả to lớn và truyền thống vẻ vang 90 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời phải khẳng định được vai trò chủ lực định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân cả nước trong tình hình mới. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng nêu một số vấn đề về công tác đổi mới xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới “để các đồng chí nghiên cứu, thực hiện”.
Thứ nhất, các cấp công đoàn mà trước hết là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải tiếp tục nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng. Nắm bắt tình hình việc làm, thu nhập, đời sống, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người lao động và cán bộ công đoàn để xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác sát với thực tế, khoa học, khả thi và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống của người lao động và tổ chức hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Thứ 2, cần tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao chất lượng đoàn viên công đoàn; chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức chấp hành pháp luật, tôn trọng và phục vụ nhân dân, làm sâu sắc thêm nhận thức về giai cấp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân về Đảng, về tổ chức công đoàn. Phổ biến, nâng cao kiến thức pháp luật, nhất là pháp luật về lao động. Động viên, khích lệ người lao động không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu; nỗ lực phấn đấu vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mình, vì sự ổn định, phát triển của doanh nghiệp và góp phần vì sự phồn vinh của đất nước.
Thứ 3, thực hiện tốt chức năng cơ bản, cốt lõi của tổ chức công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, coi đây là một nội dung then chốt để thu hút đông đảo người lao động tham gia ủng hộ, tin tưởng và gắn bó với tổ chức công đoàn. Nâng cao hiệu quả phương thức đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp. Quan tâm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người lao động. Huy động các nguồn lực chăm lo cho người lao động, nhất là lao động thu nhập thấp, gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc, mâu thuẫn trong quan hệ lao động, không để nảy sinh các vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống người lao động, gây mất an ninh, trật tự xã hội.
Chủ động tham gia xây dựng chính sách về việc làm, tiền lương, về lao động, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động và xây dựng môi trường làm việc an toàn; bảo đảm sức khỏe cho người lao động, hỗ trợ, bảo vệ kịp thời quyền lợi của người lao động trong các tranh chấp lao động tập thể, cá nhân.
Thứ 4, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn. Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi mà đoàn viên, người lao động quan tâm, đồng thời, mang lại lợi ích trước mắt, lâu dài, hài hòa cho người lao động, người sử dụng lao động và cho đất nước. Nội dung hoạt động phải thiết thực, phù hợp với điều kiện làm việc, ngành nghề, nhận thức của từng đối tượng đoàn viên, người lao động. Phương thức hoạt động cần linh hoạt, đa đạng, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, bám sát cơ sở và phục vụ người lao động. Phong trào phải thiết thực, hấp dẫn, được người lao động đón nhận, tham gia.
Thứ 5, hoàn thiện mô hình tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn ngang tầm nhiệm vụ, bộ máy công đoàn các cấp cần được thiết kế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tham mưu tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong mô hình tổ chức công đoàn nói chung, thí điểm một số mô hình tổ chức công đoàn trước khi triển khai rộng rãi. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, không để bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có đủ phẩm chất và năng lực.
“Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ để công đoàn Việt Nam thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình trong tình hình mới”, Thủ tướng nói.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ 3 cho Công đoàn Việt Nam.
(Theo Cổng TTĐT Chính Phủ)