+
Aa
-
like
comment

Bóc trần thủ đoạn nói về “chiếc ghế” hòng công kích Thủ tướng Phạm Minh Chính

An Diễm - 18/01/2022 22:54

Hai kênh truyền thông thù địch vừa đăng tải 2 clip về Thủ tướng Phạm Minh Chính. Một clip thì tỏ ý chê bai, “trù ẻo” cho “chiếc ghế” của ông, clip kia thì dùng thủ đoạn ra vẻ ủng hộ, khen ngợi những chỉ đạo của Thủ tướng nhưng thực chất là buộc ông làm theo con đường “dân chủ”. Quả là thủ đoạn vừa đấm vừa xoa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Trên kênh Youtube mang tên Luật sư Nguyễn Văn Đài, các đối tượng vừa đăng tải một video mà xem xong chắc đa số độc giả sẽ cho rằng không khác gì một đống hổ lốn. Những nội dung chắp vá, lặp đi lặp lại, hình ảnh lộn xộn không ăn nhập với những gì đang được người đọc phát ngôn. Mục tiêu duy nhất họ muốn đề cập là các thách thức mà Thủ tướng đang phải đối mặt, bao gồm vụ án nâng khống giá và sai thông tin kit xét nghiệm ở công ty Việt Á, tình hình phục hồi kinh tế Việt Nam, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn…Họ thậm chí nghi ngờ cả phát ngôn của ngân hàng thế giới WB chỉ vì “trót” nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm tới. Và với những lý lẽ này, họ đặt tiêu đề tỏ ý “lo lắng” nhưng với mục đích trù ẻo cho “chiếc ghế” của Thủ tướng.

Nếu Thủ tướng của một quốc gia chỉ phải đối mặt với bằng đó vấn đề nghiêm trọng, thì dường như việc điều hành quốc gia của Việt Nam hiện nay đang quá tốt. Nhìn sang nước Mỹ ta có thể thấy từ nhiệm kỳ Tổng thống trước đến nay, họ phải đối mặt với đủ thứ vấn đề như phản ứng kém với đại dịch Covid-19 làm thiệt hại kinh tế và nhiều nhân mạng, bội chi ngân sách, lạm phát tăng cao, chia rẽ nội bộ, bạo lực súng đạn…Nhiều Chính phủ khác ở các nền kinh tế phát triển như châu Âu cũng đang vật lộn với đại dịch Covid-19, và cả tham nhũng trong lĩnh vực y tế như báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) cuối năm 2021 vừa rồi. Bất kỳ quốc gia nào, vào bất kỳ thời điểm nào cũng có những thách thức và vấn đề riêng, quan trọng là người lãnh đạo sẽ phản ứng như thế nào để xử lý những thách thức đó.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là nhà lãnh đạo có phong cách kỹ trị, mạnh mẽ và tự tin. Cuối tháng 8 năm 2021, khi tình hình dịch bệnh tại TP.HCM lên đến đỉnh điểm, trong khi vấn đề vaccine vẫn rơi vào bế tắc, Thủ tướng đã được phân công làm Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Lập tức ông đưa ra nhiều quyết sách mạnh mẽ: Điều quân đội tham gia giữ trật tự trị an, phân phối lương thực thực phẩm; yêu cầu Bộ y tế đẩy nhanh xét nghiệm toàn thành phố; chỉ đạo các bộ ngành đẩy mạnh công tác ngoại giao vaccine. Làm cách nào để thực hiện tốt bằng ấy việc? “Cái quan trọng là tổ chức!”- Thủ tướng đã nói vậy.

Thành quả chống dịch, tiêm vaccine cho người dân đã thành công như thế nào thì không cần nhắc đến nữa, và chắc chắn không ai có thể phủ nhận dấu ấn của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Phát biểu mới đây của ông tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành nội vụ một lần nữa nhấn mạnh thêm chất “kỹ trị, tỉ mỉ”. Thủ tướng đặc biệt yêu cầu phải chú trọng cụ thể, chi tiết, tránh bệnh hình thức tràn lan. “Khi phát động phong trào phải gắn với lợi ích quốc gia, gắn với các đối tượng cụ thể thì các phong trào đó mới sống được.” “Lẽ ra ở khu vực có người dân tộc thì phải học tiếng dân tộc để lăn lộn, hiểu người ta thì lại bắt phải có chứng chỉ là tiếng Anh. Tôi đọc hồ sơ thấy anh nào cũng có chứng chỉ tiếng Anh, nhưng khi hỏi anh có khỏe không thì lại bảo quê ở chỗ này”.

Đúng là như vậy, chứng chỉ hình thức mà không dùng đến thì lâu dần người ta phải quên, cũng như bất kỳ ai lớn lên đều khó có thể nhớ những kiến thức phổ thông mà bao năm không hề đụng đến. Tuy nhiên khi trích dẫn thông tin này, trang youtube Tiếng nói Hoa Kỳ cố tình trích riêng đoạn Thủ tướng nói về hỏi tiếng Anh, từ đó xuyên tạc cho rằng cán bộ ở Việt Nam “dốt”. Lý do thì họ đã chuẩn bị sẵn: Nào là nước ta thiếu “dân chủ”, nào là người dân chưa được bầu. Rồi nhân thể họ “cổ vũ” tán dương Thủ tướng, kêu gọi ông nên làm theo Âu Mỹ để có “dân chủ” trong tuyển dụng cán bộ. Thật là một thủ đoạn nham hiểm, giả vờ khen nhưng thực chất là đấm sau lưng.

Như vậy là dù chê bai hay (giả vờ) khen, những luận điệu xuyên tạc nhằm vào Thủ tướng Phạm Minh Chính đều hết sức hời hợt và không tính thuyết phục. Việt Nam đã đi qua đỉnh dịch Covid-19 và trong quá trình “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”, những số liệu kinh tế và việc làm 3 tháng cuối năm hết sức khả quan kéo theo những dự báo hết sức khả quan từ Ngân hàng thế giới và nhiều tổ chức khác. Những sai phạm trong ngành y hay các lĩnh vực khác đều được điều ra quyết liệt để đưa ra ánh sáng. Những thành quả đó chỉ có được nhờ một bộ máy điều hành có năng lực bao gồm từ người đứng đầu xuống đến các cán bộ điều hành.

Một video hổ lốn, lặp đi lặp lại những ngôn từ và hình ảnh không ăn nhập gì nhau, cùng một video không dám dẫn nguyên văn phát biểu công khai của lãnh đạo rõ ràng là thể hiện sự thiếu tự tin trước vấn đề mà họ đang muốn xoáy vào. Điều này thật đối chọi với các phát ngôn ngắn gọn, súc tích của nhà lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ đoạn xuyên tạc, chống phá Nhà nước của kênh Youtube Luật sư Nguyễn Văn Đài hay Tiếng Nói Hoa Kỳ thì đã rõ, nhưng “danh bất chính, ngôn bất thuận”, và quả thật lời của họ chẳng có mấy ai nghe.

An Diễm

Bài mới
Đọc nhiều