Bóc trần luận điệu mỉa mai, vô ơn, “lẽ nào Thủ tướng chỉ có thế”
Nhân dịp gặp bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị WB cung cấp một số khoản viện trợ và hỗ trợ để phục hồi đất nước sau đại dịch. Một số đối tượng ác ý cho rằng hành động này là “đi xin” và mỉa mai rằng “Lẽ nào Thủ tướng Việt Nam sanh ra chỉ có thế?”.
Một điều đáng chú ý trong cuộc gặp này là việc Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn coi WB là người bạn tốt, đối tác phát triển rất quan trọng. Đối tác tức là hợp tác cùng phát triển, cùng có lợi chứ không phải chỉ là quan hệ vay nợ một chiều. Về phía Ngân hàng thế giới, bà Manuela.V Ferro cũng bày tỏ ấn tượng với những thành quả phát triển của Việt Nam thời gian qua và nhất là trong phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, phục hồi và phát triển kinh tế, chủ động, kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp tình hình. Bà cũng đánh giá cao Việt Nam có tiềm năng và lợi thế lớn, quyết tâm mạnh mẽ về phát triển kinh tế – xã hội, cùng những cam kết rất ấn tượng về ứng phó biến đổi khí hậu.
Cần hiểu Ngân hàng thế giới là một tổ chức tài chính tuy tuyên bố mục tiêu là muốn xóa đói giảm nghèo thông qua cung cấp các khoản vay thúc đẩy kinh tế, nhưng họ cũng có nhiều lợi ích từ đó. Lợi ích đầu tiên là về kinh tế vì cho vay thì sẽ phải có trả kèm theo lãi suất, dù là lãi suất thấp hay ưu đãi đi nữa. Thứ hai là có thể thấy trong Ngân hàng thế giới Mỹ và một số quốc gia khác có vai trò quyết định, nên đây cũng là một công cụ để họ tạo ra ảnh hưởng. Nhìn chung, đúng như Thủ tướng đã nói, việc Việt Nam đề nghị Ngân hàng thế giới cho tiếp cận các khoản viện trợ và hỗ trợ là một hình thức hợp tác, chứ không phải đi xin, đi vay.
Ngân hàng thế giới được thành lập vào năm 1944 nhằm mục tiêu khi đó là khôi phục và phát triển kinh tế quốc tế sau thế chiến 2. Ngoại trừ những cường quốc sáng lập, có thể nói hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã trải qua những thời điểm khó khăn và cần đến các nguồn vốn hỗ trợ. Ngay cả cường quốc kinh tế số 2 thế giới là Trung Quốc hiện tại cũng từng vay khá nhiều từ Ngân hàng thế giới, và giờ họ lại hợp tác với chính Ngân hàng thế giới để cho vay. Đây cũng có thể là tương lai không xa của Việt Nam khi đất nước ngày càng phát triển, quy mô kinh tế ngày một lớn hơn.
Chuyện Việt Nam vay vốn từ Ngân hàng thế giới để phát triển và phục hồi kinh tế trong nước cũng là hết sức bình thường. Điều này cũng như hầu hết các công ty trên thế giới đều đi vay nợ ngân hàng để làm ăn nhằm có vốn nhanh để phát triển, ngược lại các ngân hàng cũng cần có người vay để hoạt động. Trong khi Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới, “người cho vay” tỏ ra ấn tượng và trân trọng sự phát triển của Việt Nam thì lại có những kẻ thiếu hiểu biết, dùng lời lẽ ác ý để bôi nhọ hình ảnh của Thủ tướng. Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, cuộc gặp của Thủ tướng Ngân hàng thế giới là một buổi họp giữa hai đối tác đang hợp tác cùng phát triển, với vị thế ngang hàng và chỉ có người thiếu hiểu biết mới dùng từ ngữ theo kiểu “lẽ nào chỉ có thế”.
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng bị bôi nhọ về vấn đề viện trợ. Còn nhớ khi Thủ tướng dẫn dầu công tác ngoại giao vaccine, nhiều kẻ chống phá ra sức mỉa mai là “Việt Nam chỉ biết đi xin nhưng chẳng ai cho”. Thế nhưng thực tế khi Việt Nam “mở lời” thì bạn bè quốc tế “ủng hộ ầm ầm”. Từ một nước gần như không có vaccine, đến nay Việt Nam là một trong những nước tiêm chủng hàng đầu thế giới. Xét đến những nỗ lực của Thủ tướng để mang lại thành công này, có thể nói nếu như phải “mang tiếng” gì đó, chắc hẳn ông cũng sẵn sàng “cúi mình để Tổ quốc đứng lên”. Vì lợi ích quốc gia và dân tộc, giả sử chúng ta có phải đi “xin xỏ” thật thì thiết nghĩ cũng chẳng có người Việt Nam nào cần thiết hoặc phải cảm thấy xấu hổ.
Chỉ có những kẻ không Tổ quốc, chưa bao giờ nghĩ đến Tổ quốc, và thậm chí là luôn luôn muốn tìm cách xuyên tạc, chống phá đất nước mới cần phải xấu hổ.
An Diễm