+
Aa
-
like
comment

Bộ Y tế yêu cầu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa một lần trong ngành y

16/08/2019 22:45

Ngành y tế phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa một lần có thể thay thế và ni lông khó phân hủy. Đó là yêu cầu được lãnh đạo Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị trực tuyến ‘Triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế’ tổ chức ngày 16/8, tại Hà Nội.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế hạn chế sử dụng các vật dụng làm từ nhựa. Ảnh: TL

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế và lãnh đạo các đơn vị y tế tại 63 điểm cầu địa phương đã ký cam kết giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng kêu gọi tất cả các cơ sở Y tế trên địa bàn toàn quốc, chung tay đồng lòng thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động khám chữa bệnh.

“Các cơ sở y tế cần có lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa từ hoạt động chuyên môn y tế; từ sinh hoạt thường ngày; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng vật liệu nhựa một lần có thể thay thế và ni lông khó phân hủy trong đơn vị”.

Bà Tiến cũng chỉ đạo các đơn vị trong ngành y tế phải đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa trở thành tiêu chí đánh giá bệnh viện xanh – sạch đẹp và chất lượng bệnh viện, trong mua sắm các trang thiết bị vật tư tiêu hao; bố trí nguồn lực hợp lý đảm bảo để thường xuyên kiểm tra, giám sát.

Dự kiến cuối năm nay, Bộ Y tế sẽ tổ chức đánh giá toàn diện 63 tỉnh, thành về hoạt động đổi mới thái độ, phong cách, hướng tới sự hài lòng của người bệnh, kết hợp với đánh giá bệnh viện xanh – sạch – đẹp cùng các tiêu chí giảm thải, dùng các chất thải nhựa 1 lần.

Theo đại diện Bộ Y tế, chất thải nhựa đang trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu chứ không phải riêng quốc gia nào. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và cộng đồng.

Hiện nước ta có khoảng 13.000 cơ sở y tế, hàng năm có gần 150 triệu bệnh nhân nội trú, hơn 450 triệu bệnh nhân ngoại trú, chưa kể một số lớn cộng đồng nhân dân sử dụng các sản phẩm của y tế. Vì vậy, số lượng chất thải nhựa trên là rất lớn.

Báo cáo nhanh từ một số bệnh viện cho thấy, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa, khoảng 22 tấn/ngày.

Do đặc thù trong ngành Y tế, việc lưu trú, sinh hoạt của nhân viên y tế, bệnh nhân và người bệnh nhân tại cơ sở y tế cũng làm phát sinh lượng chất thải nhựa dùng một lần trong sinh hoạt rất lớn.

Trong đó đa số chất thải nhựa là các túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cũng cho rằng, cùng với phát triển kinh tế của đất nước, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa.

Thống kê cho thấy, lượng chất thải rắn phát sinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày, trong đó 10% là chất thải y tế hư hại. Con số rác thải cứ tiếp tục tăng lên tại nhiều địa phương, do có sự gia tăng số lượng cơ sở y tế và các giường bệnh.

Đặc biệt, trong số đó có một số loại nhựa sử dụng trong ngành y tế thuộc diện khó phân hủy, nếu không được kiểm soát sẽ gây hại cho môi trường, tác động tới sức khỏe con người, làm thiệt hại 3-5% GDP của toàn quốc.

“Nếu các loại chất thải nhựa này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế-xã hội”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

(Theo Thanh Lâm/Công Luận)

Bài mới
Đọc nhiều