+
Aa
-
like
comment

Bộ Y tế yêu cầu theo dõi chặt biến chủng SARS-CoV-2

24/12/2020 06:39

Trước thông tin về biến chủng của SARS-CoV-2 tại Anh đang làm giới khoa học lo lắng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến này. Tuy nhiên, không vì thế mà lơ là trong phòng chống dịch. Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ”.

Khai báo dịch tễ trước khi vào Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội) Ảnh: Thái An

Chưa tìm thấy virus biến chủng tại Việt Nam

 Sáng 23/12, tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại hơn 700 điểm cầu, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện chưa phát hiện chủng virus nào ở Việt Nam có vùng đột biến như virus gây COVID-19 tại Anh. Về tình hình dịch tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng, đến nay, về cơ bản, đã kiểm soát COVID-19 thành công. Trước thông tin về biến chủng của virus tại Anh đang làm giới khoa học quan ngại, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, biến chủng này làm tăng khả năng bám dính của virus với tế bào vật chủ, đột biến trên vùng gene N501Y của virus corona.

Ước tính, biến chủng có khả năng làm tăng tốc độ lây truyền lên tới 70% – đây là điều đáng quan ngại. Hiện nay, các nhà khoa học cho rằng, chưa rõ có ảnh hưởng đến vắc – xin hay không, sự biến chủng này không làm tăng thêm tình trạng nặng của bệnh tật, mà chỉ tăng khả năng lây truyền. Đợt dịch COVID-19 tại Đà Nẵng trong tháng 7-8 đã phát hiện ra đột biến gene của SARS-CoV-2 làm tăng khả năng lây nhiễm, nhưng không như đợt này ở Anh.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, ngành y tế Việt Nam đã giải trình tự gene trên toàn bộ mẫu và tới đây Bộ Y tế chỉ đạo các Viện Trung ương tăng cường giải trình tự gene của các mẫu bệnh phẩm, đặc biệt khu vực châu Âu và ở các nước có biến chủng này để xem khả năng lây truyền thế nào, khả năng xâm nhập vào Việt Nam ra sao.

Tìm kiếm các nguồn lực vắc-xin

 Hiện nay, ngoài vắc-xin Nano Covax của Công ty Nanogen đang được thử nghiệm trên người, còn có 3 công ty IVAC, POLIVAC, VIBAOTEC đã và đang nghiên cứu, phát triển vắc-xin. IVAC, VABIOTEC có lộ trình thử nghiệm vào 1/3/2021. “Việc thử nghiệm cả hai miền Bắc và Nam để bảo đảm tính đại diện cho toàn quốc”, ông Long nói. POLIVAC đang đẩy mạnh nghiên cứu và hợp tác với các đối tác Trung Quốc, Nga để có vắc-xin…

“Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là song song tìm kiếm nguồn vắc-xin của các công ty, nhà sản xuất ở nước ngoài thì phải tập trung cho vấn đề nghiên cứu, sản xuất vắc – xin trong nước”, ông Long nói. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh theo ước tính và dự báo, cũng như các bằng chứng khoa học, đến nay chưa có vắc-xin nào chứng minh có hiệu quả bảo vệ lâu dài. Chủ động nguồn vắc-xin cho người dân là hết sức quan trọng nên phải tự nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc-xin.

“Bộ Y tế đang nỗ lực đảm bảo các cơ chế, đàm phán với các công ty để sớm nhất có vắc-xin cho Việt Nam. Nhưng chúng ta không trông chờ vào vắc-xin, kể cả trong bối cảnh có vắc-xin vẫn phải triển khai quyết liệt phòng chống dịch, đặc biệt hiện nay càng phải triển khai quyết liệt hơn với phòng chống COVID-19. Từ hôm nay, Bộ Y tế quyết định đẩy mạnh công tác phòng, chống COVID-19 thành đợt cao điểm từ nay đến cuối năm để đảm bảo người dân được hưởng Tết an lành. Phải chuẩn bị cho tình huống xấu, bởi chúng ta không biết COVID-19 sẽ bất ngờ xuất hiện ở đâu”, tư lệnh ngành Y tế nói.

Xét nghiệm mọi ca có triệu chứng giống COVID-19

Hằng ngày, có 100-150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các tỉnh, đặc biệt tỉnh có vùng biên bảo vệ phên dậu, ngăn chặn ca xâm nhập trái phép vào Việt Nam vì nếu ca bệnh xâm nhập mang theo virus sẽ rất nguy hiểm. Bộ trưởng Y tế yêu cầu tăng cường triệt để trong quản lý cách ly người nhập cảnh hợp pháp. Với các trường hợp nhập cảnh theo yêu cầu của Chính phủ được phép cách ly tại nhà (ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư…), thì chỉ được cách ly tại nhà; nơi lưu trú đủ điều kiện sau khi địa phương kiểm tra.

Đề nghị các địa phương chỉ đạo quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực xét nghiệm, đẩy mạnh giám sát, xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ. Thời điểm này, nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, triệu chứng giống COVID-19 nên tất cả trường hợp này vào viện phải xét nghiệm hết.

TS Park Kidong, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cho biết, thế giới đã trải qua một năm đại dịch; bài học quan trọng nhất là đầu tư vào công tác chuẩn bị ứng phó là công tác đầu tư hiệu quả. “Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch COVID-19. Tôi khẳng định sự thành công này không phải qua một đêm mà có, mà do chúng ta đầu tư rất nhiều năm. Khi các nền kinh tế, xã hội mở cửa trở lại thì dịch trên toàn cầu tiếp tục thay đổi, chúng ta sẽ có nhiều bằng chứng khoa học hơn nữa. Vì thế, chúng ta phải tăng cường hơn nữa các biện pháp phòng ngừa để ứng phó và thích nghi”, TS Park nói.

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ cho rằng, sự xuất hiện của chủng virus mới ở Anh, Nam Phi, loài chồn ở Đan Mạch cho thấy, dù có vắc-xin nhưng phải luôn có tinh thần ứng phó đại dịch có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, trong đó có Việt Nam.

Ngày 7/12, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết lấy ngày 27/12 là Ngày Thế giới phòng, chống dịch bệnh. Đây là nghị quyết đầu tiên Việt Nam dự thảo và trình Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Thái Hà/TP

Bài mới
Đọc nhiều