Bộ Y tế mua gấp 10 triệu khẩu trang y tế cho các địa phương phòng chống dịch
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch COVID-19, đang có tình trạng thu gom thuốc kháng sinh và các vật tư y tế phục vụ phòng dịch bệnh này. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm được Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết tại hội nghị về công tác y tế và phòng dịch COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức.
Thu gom, đầu cơ hàng chống dịch
Lo ngại trước tình trạng “chảy máu” khẩu trang và thiết bị y tế, ông Nguyễn Trung Thảo – Phó Chủ tịch UNND tỉnh Cao Bằng – đã đề nghị Bộ Y tế cần xem xét việc xuất khẩu trang thiết bị y tế, vật tư y tế, trong đó có khẩu trang, qua biên giới. Bởi thời gian vừa qua có nhiều vụ xuất thiết bị y tế qua Trung Quốc với số lượng lớn. “Mà nếu xuất khẩu số lượng quá lớn trong khi trong nước không có hàng thì phải xem lại” – ông Thảo nêu quan điểm.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Cường cho biết Bộ Y tế sẽ tăng cường chỉ đạo thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc, vật tư y tế trên địa bàn, tránh hiện tượng đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc với việc xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Thời gian qua, các Sở Y tế đã kiểm tra và xử phạt 93 cơ sở bán lẻ thuốc vi phạm, với tổng số tiền là 411.133.000 đồng.
Đặc biệt, với mặt hàng khẩu trang, nhiều địa phương, đơn vị phản ánh rất khó mua hoặc số lượng không đủ yêu cầu, ông Cường cho hay Bộ Y tế đang triển khai gấp việc mua sắm 10 triệu khẩu trang y tế, 50.000 khẩu trang N95, 15.000 bộ trang phục phòng, chống dịch, 8.000 bộ trang phục Tyvek, để cấp cho các đơn vị, địa phương khi có nhu cầu.
Đề xuất áp dụng cơ chế giấy phép xuất-nhập khẩu khẩu trang y tế
Bộ Y tế cũng đang phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính để tìm nguồn nguyên liệu đầu vào nhằm ổn định sản xuất; giảm/miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu một số mặt hàng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng trình Chính phủ áp dụng cơ chế giấy phép xuất-nhập khẩu khẩu trang y tế.
Về trang thiết bị y tế dự trữ cho phòng dịch, được biết, hiện các bệnh viện chuyên ngành lây truyền đã có khoảng 1.000 máy thở phục vụ bệnh nhân cấp cứu và Bộ Y tế đang tiếp tục mua dự trữ một số trang thiết bị thiết yếu phục vụ chẩn đoán, cấp cứu người bệnh, như máy thở, X- quang, máy theo dõi bệnh nhân, bơm tiêm điện… và khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ xem xét điều phối cho phù hợp.
Để đảm bảo thuốc cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động chuẩn bị đủ thuốc cho các tình huống; khẩn trương liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thuốc để đảm bảo đủ thuốc cho nhu cầu phòng, chống dịch bệnh, tránh để xảy ra tình trạng thiếu thuốc.
Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc báo cáo số lượng tồn kho; tình hình sản xuất, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đặc biệt, các đơn vị phải chủ động tìm kiếm nguồn cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc từ các thị trường ngoài Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, đảm bảo ổn định sản xuất, nhập khẩu, tránh để thiếu thuốc. Trước mắt phải kịp thời đảm bảo nguồn cung ứng khi có yêu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.
Về hóa chất khử khuẩn ông Cường cho biết Bộ Y tế đã xuất cấp Cloramin B từ nguồn dự trữ quốc gia cho một số nơi như Vĩnh Phúc, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Trị, Tổng cục Hậu cần, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để khử khuẩn môi trường. Bộ Y tế cũng đang khẩn trương mua bổ sung hóa chất khử khuẩn để cấp cho các địa phương, đơn vị khi có nhu cầu.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung chế độ cho các cán bộ, nhân viên tham gia phòng chống dịch, cho đối tượng cách ly, điều trị COVID-19, đồng thời, đề nghị Chính phủ cho phép bổ sung danh mục vật tư, trang thiết bị y tế để phòng, chống dịch vào danh mục hàng dự trữ quốc gia
Theo ông Cường, công tác dự trù của một số bệnh viện chưa kịp thời. Hiện có 39/63 tỉnh thành có báo cáo về chuẩn bị trang thiết bị vật tư phòng chống dịch khá tốt.