+
Aa
-
like
comment

Bộ Y tế đề xuất dừng đếm ca F0 để tránh gây hoang mang

05/03/2022 19:20

Bộ xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho phép tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang.

Bộ Y tế đề xuất: Tạm dừng thông báo số ca F0 hàng ngày để tránh gây hoang mang
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19, ảnh Việt Hùng.

Mức độ nhiễm trong tháng 2 tăng 

Theo báo cáo tình hình dịch bệnh Covid-19 của Bộ Y tế, tính từ ca nhiễm đầu tiên đến nay, cả nước đã ghi nhận 4.059.262 ca mắc, 2.589.436 người đã khỏi bệnh (63,8%), 40.609 ca tử vong.

So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 197,9%, số ca tử vong giảm 47,1%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43,1%. Tỷ lệ chết/số ca mắc của 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%).

Phân bố tỷ lệ nhiễm theo độ tuổi trong tháng 2/2022 so với tháng trước: nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3% (871.083 ca) tăng 2,5 lần so tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8% (173.254 ca) tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm trên 65 tuổi chiếm 4,5% (72.189 ca) tăng 2 lần so với tháng trước.

Đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố trong tháng qua (với khoảng 50.000-75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 125.000 ca), số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 01 là 18,4% và tháng 02 là 24,3%);

Số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước, số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Bộ Y tế đề xuất: Tạm dừng thông báo số ca F0 hàng ngày để tránh gây hoang mang - Ảnh 1.
Xét nghiệm Covid-19, ảnh Việt Hùng.

Biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta, theo báo cáo của TP. Hà Nội biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện.

Biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện biến thể Omicron (biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%).

Tại TP. Hồ Chí Minh biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gen.

Tuy nhiên do tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ chết/mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu (ngày 1/2 là 0,9% và ngày 03/3 là 0,1%).

Đề xuất dừng đếm ca bệnh

Theo Bộ Y tế hiện nay (ngày 5/3) toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên địa bàn.

Từ đó, Bộ xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho phép tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hàng ngày để tránh gây hoang mang. Theo Bộ, số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng xin ý kiến Ban Chỉ đạo điều chỉnh về cách ly y tế và biện pháp phòng tránh lây nhiễm, tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Bộ Y tế đã đề xuất giảm thời gian cách ly y tế đối với người nhập cảnh, các trường hợp F1 nhưng tăng cường khuyến cáo thực hiện biện pháp 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Bộ cũng kiến nghị cho các F0, F1 đi làm trong thời gian cách ly.

Để đảm bảo việc người bệnh dễ dàng tiếp cận với các thuốc kháng virus điều trị Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao những ngày gần đây, đồng thời đảm bảo kiểm soát chặt chẽ theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Bộ Y tế cũng đề xuất cụ thể những điều kiện cấp phát thuốc miễn phí hay người dân tự chi trả.

F0 tập thở như thế nào cho đúng? Chuyên gia hướng dẫn chi tiết (kèm ảnh) rất dễ làm theo

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 5/3, Bộ Y tế cho biết đang tiếp tục làm việc với các bộ, ngành để có phương án bình ổn giá trang thiết bị y tế phòng, chống dịch. Bộ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể coi Covid-19 là “bệnh lưu hành” hay như một số chuyên gia gọi là “bệnh đặc hữu” khi thời điểm thích hợp.

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, vắc xin hiện vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Do đó, Bộ vẫn đặt công tác tiêm chủng lên ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, đánh giá khả năng tái nhiễm của biến chủng Omicron, ông khuyến cáo người dân phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Bộ Y tế nhận định, thời gian qua, cả nước đã cơ bản chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Mặc dù số ca mắc tăng nhanh, nhưng giảm 3 tiêu chí gồm nhập viện, chuyển nặng và tử vong. Hệ thống y tế vẫn đang trụ vững, tăng cường năng lực hồi sức và điều trị các ca nặng.

“Bộ Y tế đang tiến hành từng bước, hướng tới điều trị Covid-19 như điều trị bệnh nhân thông thường”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Về các biện pháp trong thời gian tới, GS.TS Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương tăng cường và hoàn thành tiêm mũi 3, mũi nhắc lại vắc xin phòng Covid-19 trong tháng 3 này; ưu tiên quản lý nhóm nguy cơ cao; tăng cường năng lực cách ly, điều trị tại nhà.

Lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý: “Đặc biệt, trong giai đoạn này, việc thực hiện thông điệp 5K, vắc xin, thuốc điều trị và ý thức là rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch”.

Minh Ngọc

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều