Bộ Y tế đề nghị dừng hoạt động không cần thiết dịp Tết Nguyên Đán
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết âm lịch.
Đề nghị được Bộ Y tế nêu trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ ngày 17/12, trước bối cảnh các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng cao, đặc biệt tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn. Trong khi đó, biến chủng Omicron đang lan truyền nhanh, diễn biến phức tạp, khó lường tại nhiều quốc gia, dù Việt Nam chưa ghi nhận ca nào.
Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cũng cho rằng hiện nay duy trì các hoạt động thiết yếu để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế; còn các hoạt động khác cần phải có điều kiện, nếu không cần thiết có thể tạm dừng.
Ông nhìn nhận “khi sống chung an toàn với Covid-19 thì việc tăng số ca bệnh là điều dễ hiểu”. Nhiều trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng, vì thế trong tiếp xúc hằng ngày rất khó để biết được liệu người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không. Bên cạnh đó, những hoạt động tập trung đông người như liên hoan, đám tang, đám cưới… làm tăng nguy cơ lây lan nCoV. “Chỉ đến những nơi đông người khi thực sự cần thiết, tránh tụ tập, liên hoan, giảm số người trong các buổi hội họp… đặc biệt thời gian tới”, ông Phu khuyến cáo.
Từ đầu đợt dịch thứ 4 đến ngày 17/12, cả nước ghi nhận trên 1,5 triệu ca, trong đó gần 1,1 triệu người đã được công bố khỏi bệnh và hơn 29.000 ca tử vong. Hiện, số ca mắc tại cộng đồng và tử vong tiếp tục có xu hướng gia tăng nhanh ở nhiều địa phương. Trong một tuần gần đây, Việt Nam liên tục ghi nhận khoảng 15.000 ca mắc mới mỗi ngày, trong đó 9.000-10.000 ca cộng đồng.
So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 186,4%; số ca đang điều trị tại bệnh viện tăng 153%, số ca nặng, nguy kịch tăng 62,2%. Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nguyên tắc: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân, trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức.
Ngọc Hà