+
Aa
-
like
comment

Bộ Y tế: Các trường hợp F0 cần lưu ý khi ở nhà

01/09/2021 14:37

Người khuyết tật, tâm thần, cao tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em cần được chăm sóc đặc biệt, nhất là khi họ trở thành F0.

Bộ Y tế mới ban hành hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà (ngày 28/8), trong đó lưu ý đặc biệt với 5 trường hợp F0.

Người khuyết tật

Bộ Y tế cho hay nếu là người khuyết tật mắc Covid-19, họ cần được chăm sóc, quan tâm đặc biệt. Bệnh nhân cần mạnh mẽ, tin rằng sẽ vượt qua đại dịch và nghe theo hướng dẫn của Bộ Y tế về cách ly, điều trị tại nhà. Người khuyết tật có nguy cơ cao mắc Covid-19 ở mức độ nặng. Vì vậy, người chăm sóc cần sẵn sàng các tình huống liên lạc với nhân viên y tế, theo dõi sát dấu hiệu của F0 và chuyển cấp cứu kịp thời đến cơ sở y tế để điều trị.

Người bệnh nên kết hợp các hoạt động luyện tập phục hồi chức năng, tăng cường sức khỏe thể chất, tinh thần để bù đắp cho việc hạn chế hoạt động bên ngoài và tình trạng căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, thất vọng. Người nhà cần thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn đồ dùng trước và sau khi sử dụng của bệnh nhân.

Người cao tuổi

Theo Bộ Y tế, người cao tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 trong tình trạng nặng cao. Người chăm sóc cần theo dõi để phòng tránh nguy kịch. Họ cần cấp cứu kịp khi có các dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp. Bệnh nhân thực hiện nếp sống, sinh hoạt lành mạnh, khoa học, ăn uống đủ dinh dưỡng cân đối, ăn nhiều rau xanh và sử dụng thuốc đang điều trị bệnh sẵn theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân tâm thần

Ngoài thực hiện các điều tương tự trên, Bộ Y tế khuyến cáo người tâm thần là F0 nên chuẩn bị mọi thứ cần thiết khi phải cách ly, đặc biệt là thuốc điều trị bệnh dùng trong 1-3 tháng.

Người mắc Covid-19 không tự ý ngừng, bỏ thuốc đang điều trị. Nếu lịch tái khám bị hoãn do dịch, bệnh nhân nên kết nối tư vấn từ xa với nhân viên y tế theo đúng hẹn.

F0 tập luyện các bài tập thể chất, phục hồi chức năng đơn giản thường xuyên. Họ phải giữ thói quen hàng ngày và lịch trình của mình. Bệnh nhân tăng cường kết nối với người thân qua điện thoại, e-mail và phương tiện truyền thông xã hội khác.

Trẻ em

Cha mẹ hãy bình tĩnh nếu con mình mắc Covid-19. Chúng ta để ý xem trẻ có thay đổi các hành vi như khóc, cáu quá mức, lo lắng, buồn thái quá, mất ngủ. Hoặc bệnh nhân không chú ý, bỏ học online, nhức đầu, đau cơ thể.

Cùng với đó, người nhà nên tâm sự, trấn an, giải đáp thắc mắc và chia sẻ thông tin thực tế về dịch bệnh. Cha mẹ cần tránh tình trạng trẻ hiểu sai vấn đề và có thể dẫn đến hoang mang, hoảng sợ.

Trẻ cần có những thói quen như rửa tay thường xuyên, sử dụng khăn giấy khi ho, hắt hơi, sau đó vứt vào thùng rác. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động giải trí như trò chơi online trong phòng cách ly hoặc có thể cùng nói chuyện với gia đình.

Người có thai hoặc bệnh nền

Bộ Y tế cho biết người mắc Covid-19 có bệnh nền hoặc có thai, béo phì, trên 50 tuổi và trẻ em dưới 12 tháng đều phải điều trị tại bệnh viện. Trong thời gian chờ đợi đưa đến bệnh viện, bệnh nhân cần được chăm sóc, theo dõi sát để phát hiện những bất thường. Nếu có, người nhà cần gọi ngay nhân viên y tế đang phụ trách.

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân cần mang theo thuốc đang sử dụng, điều trị về bệnh của mình và trình báo với bác sĩ. Thêm vào đó, gia đình tích cực động viên người nhiễm.

Trà My

Bài mới
Đọc nhiều