+
Aa
-
like
comment

Bộ Xây dựng: Lợi nhuận condotel 12% là phi lý

Tùng Lâm - 02/12/2019 17:44

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định, lợi nhuận của condotel lên tới 2- 3 lần lãi suất tiết kiệm là phi lý.

Chiều 2/12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Lê Quang Hùng trả lời câu hỏi của báo chí về quản lý Condotel đồng thời nêu giải pháp của Bộ về vấn đề này.

Theo đó, sự phát triển loại hình của căn hộ du lịch phát triển cao trào vào năm 2016 – 2017, đến năm 2018- 2019 suy giảm. Sự suy giảm này là do cung cầu thị trường. Hiện tại cả nước đang có 30.000 căn condotel có đặc điểm là sở hữu chung của chủ đầu tư, nhưng nhà đầu tư thứ cấp lại sở hữu riêng từng căn hộ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng.

Theo ông Hùng, vướng mắc hiện nay là hành lang pháp lý các luật không có loại hình này, bị lẫn vào loại hình nhà ở lâu dài. Quy định vận hành quản lý chưa được rõ, chỉ có văn phòng nhà ở, còn codotel thì chưa có. Bên cạnh đó, cam kết trả lợi nhuận của condotel là rất cao.

Ví như trường hợp Cocobay có sự cam kết lợi nhuận cao, dẫn đến không đủ khả năng chi trả, từ đó dẫn tới vướng mắc.

“Lợi nhuận chỉ ngang lãi suất tiết kiệm thôi. Nếu cam kết lợi nhuận 12%, gấp 2-3 lần lãi suất tiết kiệm là phi lý. Ngân hàng cũng sẽ có kiểm soát chặt tín dụng cho đầu tư loại hình này” – ông Hùng nhận định.

Được biết, từ năm 2018, Bộ Xây dựng đã có cảnh báo về sự phát triển quá nóng của loại hình này, sau đó cũng đã có văn bản các tỉnh có nhiều codotel, tránh biến loại hình này thành nhà ở. Do đó, thời điểm năm 2018, từ đó việc cấp giấy phép condotel đã giảm hẳn.

Ông Hùng nhận định, cam kết lợi nhuận là quan hệ thị trường, quan hệ dân sự, và pháp luật không cấm. Nhưng trước tình hình liên quan đến condotel, Bộ Xây dựng đã đề xuất minh bạch thông tin, thông qua các hiệp hội (ví như Hiệp hội Bất Động sản… ) để có những cảnh báo.

Cùng với đó, Ngân hàng cũng sẽ siết vốn với loại hình này.

“Tới đây cũng sẽ hướng dẫn mẫu hợp đồng, trong đó quy định điều khoản ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi của người bán, người mua, lưu ý lợi nhuận cam kết rõ ràng, tạo hành lang pháp lý, can thiệp vào thị trường mức độ phù hợp” – ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh.

Từng trả lời báo chí, TS kinh tế Nguyễn Đức Phước Hưng cho rằng, vấn đề condotel là điều đã được dự báo từ trước. Để xảy ra sự việc, cũng không thể thiếu trách nhiệm của cơ quan quản lý.

“Câu chuyện lợi nhuận condotel đã được nhiều chuyên gia kinh tế, bất động sản phân tích từ khi loại hình này manh nha ở Việt Nam. Những phân tích đó đều dựa trên thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, những con số thống kê khoa học cụ thể nhưng tất cả chỉ là cảnh báo từ một phía mà không có động thái mạnh nào từ phía cơ quan chức năng” – ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, trách nhiệm rõ nhất của cơ quan quản lý là việc chậm trễ trong việc đưa ra hành lang pháp lý của loại hình condotel, từ đó, các chủ đầu tư dự án thổi phồng về mô hình kinh doanh này đưa ra các thông tin quảng cáo mà không có sự kiểm soát của các nghành liên quan.

“Đến giờ khi câu chuyện vỡ cam kết lợi nhuận diễn ra thì giải quyết hậu quả cũng sẽ rất phức tạp. Nhưng nếu không giải quyết triệt để thì làn sóng này có nguy cơ còn lan rộng, ảnh hưởng tới nền kinh tế.

Chính vì thế, các ngành liên quan cần phải tìm ra hướng giải pháp cụ thể, đảm bảo lợi ích hài hòa các bên, đảm bảo môi trường đầu tư” – ông Hưng nói.

Bài mới
Đọc nhiều