+
Aa
-
like
comment

Bỏ việc ở Hà Nội, 9X về quê kiếm 50 triệu đồng/tháng từ gà rừng tai trắng

25/06/2021 18:22

“Gác” bằng đại học, chàng trai trẻ 9X xứ Thanh về quê nghiên cứu mô hình nuôi gà rừng. Sau 4 năm, anh sở hữu trang trại gà rừng bạc tỷ, mỗi tháng “đút túi” 50 triệu đồng.

Lang thang cả nước tìm gà rừng

Ở phường Đông Cương (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), nhiều người đều biết tới Lê Đỗ Chinh (SN 1990) với biệt danh “Chinh gà rừng”. Anh hiện là chủ trang trại gà rừng với doanh thu mỗi tháng hàng chục triệu đồng. 

Câu chuyện khởi nghiệp của anh bắt đầu từ năm 2013. Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh Lê Đỗ Chinh đăng ký làm nhân viên kinh doanh ở Hà Nội. Trong một lần tham quan vườn bách thú, chàng trai 9X thấy nhiều du khách tỏ ra vô cùng thích thú trước vẻ đẹp của những con gà rừng tại đây. Vốn yêu thích gà rừng, từ đó anh nảy sinh ý định nuôi giống gà này để kinh doanh.

Cuối năm 2013, anh từ bỏ công việc ở công ty, khăn gói về quê lập nghiệp. Tận dụng lại mảnh đất vườn của gia đình, anh vay mượn bố mẹ và 2 bên nội ngoại được hơn 100 triệu đồng rồi liên hệ mua gà giống về nuôi thử nghiệm. 

Chân dung chàng trai 9X thu nhập 50 triệu đồng mỗi tháng nhờ nuôi gà rừng.
Chân dung chàng trai 9X thu nhập 50 triệu đồng mỗi tháng nhờ nuôi gà rừng.

Vạn sự khởi đầu nan, do chưa có kinh nghiệm nên những con gà giống sau khi nuôi được một thời gian ngắn thì lăn ra chết không rõ nguyên nhân, số vốn ít ỏi cũng theo đó mà mất. 

“Gà vừa đưa về nuôi được ít hôm thì lăn đùng ra chết. Sau khi tham khảo các kênh thông tin, tôi mới biết gà rừng có những thuộc tính và môi trường sinh sống khác hoàn toàn với gà ta”, anh Lê Đỗ Chinh chia sẻ.

Sau lần thất bại đó, anh đã quyết định vay mượn thêm vốn rồi dành thời gian để nghiên cứu về những thuộc tính và cách nuôi gà rừng. Anh bắt đầu bằng việc đi khắp các vùng trên cả nước để tìm mua gà rừng về nghiên cứu. 

Sau 4 năm đi khắp trong Nam rồi ngoài Bắc, anh đã thuần chủng thành công giống gà rừng tai trắng.
Sau 4 năm đi khắp trong Nam rồi ngoài Bắc, anh đã thuần chủng thành công giống gà rừng tai trắng.

“Tôi đi hết ngoài Bắc rồi lại vào trong Nam, có đợt đi cả tháng. Thường tôi đến nhà bà con đồng bào dân tộc thiểu số để mua gà. Có nhiều loại, nhưng giống gà tôi thích nhất vẫn là gà rừng lông đỏ, tai trắng ở Tây Nguyên. Đây là giống gà có mẫu mã đẹp và dễ nuôi, vì vậy tôi đã quyết định chọn giống gà này để về quê nuôi lại từ đầu”, anh Lê Đỗ Chinh tâm sự.

Sau 4 năm tiêu tốn gần 500 triệu đồng cho công cuộc nghiên cứu và thử nghiệm, cuối cùng thành công cũng đến với anh. Chàng trai 9X đã thuần chủng được giống gà rừng tai trắng.

Những chú gà sau quá trình nuôi có sự sinh trưởng khỏe mạnh. Cuối năm 2017, anh đưa ra thị trường những chú gà đầu tiên và gây dựng thương hiệu “Chinh gà rừng” từ đó.

“Chế Gà rừng thuần chủng thích bay nhảy trên cây, vì thế việc tạo cảnh quan môi trường sống là rất quan trọng”, anh Lê Đỗ Chinh nói.

Thu nhập mỗi tháng 50 triệu đồng

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà rừng, anh Lê Đỗ Chinh cho biết: “Gà rừng vốn ưa nuôi thả tự nhiên và có không gian rộng rãi. Thức ăn của gà rừng khá đa dạng nhưng không tốn kém, gồm các phế phẩm nông nghiệp như rau xanh, cơm thừa đến lúa, ngô… Quan trọng nhất vẫn là tạo được môi trường sống thoải mái cho gà sinh trưởng và phát triển”. 

Cũng theo anh Lê Đỗ Chinh, gà rừng tại trang trại của anh 100% thuần chủng, không lai tạp với giống khác. Gà rừng thuần chủng có màu lông, màu mắt… hoàn toàn khác biệt với gà lai tạp. Một con gà rừng trống trưởng thành sẽ có màu lông đỏ ngũ sắc, tai trắng và nặng từ 1-1,2 kg, gà mái sẽ có màu nâu. 

Gà rừng trưởng thành sẽ có màu lông đỏ ngũ sắc, tai trắng, mắt đỏ.
Gà rừng trưởng thành sẽ có màu lông đỏ ngũ sắc, tai trắng, mắt đỏ.

Tuy nhiên, gà rừng có giai đoạn nuôi rất khó khăn, đó là khi gà nở ra đến 2 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, gà thường học cách thích nghi với môi trường bên ngoài và dễ sinh bệnh tật. Vì thế, người nuôi phải biết được thuộc tính của gà rừng và biết cách trị bệnh để tạo sức đề kháng cho gà. 

Sau 2 tháng, gà rừng sẽ có sức đề kháng rất tốt và ít dịch bệnh hơn các giống gà truyền thống. Ngoài ra, chi phí về chuồng trại cũng đỡ tốn kém hơn nhiều so với nuôi gà công nghiệp mà lại có nguồn lợi kinh tế cao.  

Thức ăn cho gà rừng rất đơn giản và không tốn kém, từ rau, cỏ, ngô, lúa đến cơm nguội… tất cả đều có thể làm thức ăn cho gà.
Thức ăn cho gà rừng rất đơn giản và không tốn kém, từ rau, cỏ, ngô, lúa đến cơm nguội… tất cả đều có thể làm thức ăn cho gà.

“Đối với gà rừng thì không cần đầu tư quá nhiều vào chuồng trại, chúng có lối sống hoang dã nên chỉ cần quây lưới để chúng khỏi bay ra ngoài. Đặc biệt, đây là giống gà thích bay nhảy trên cây, thậm chí là ngủ trên cây. Vì vậy phải trồng thêm nhiều cây xanh cho gà có môi trường sinh sống hoang dã”, anh Lê Đỗ Chinh cho biết thêm.

Anh đang sở hữu một trang trại rộng 4.000 m2 với 2.500 con gà rừng thuần chủng. Mặt hàng gà rừng mà trang trại anh đang bán chủ yếu là gà rừng giống. 

Gà rừng giống có giá bán 500.000 đồng/cặp; gà rừng cảnh sẽ có giá bán dao động từ 1,2-1,6 triệu đồng/con.
Gà rừng giống có giá bán 500.000 đồng/cặp; gà rừng cảnh sẽ có giá bán dao động từ 1,2-1,6 triệu đồng/con.

Gà rừng giống sau khi ấp nở sẽ được nuôi khoảng 2 tháng rưỡi có thể xuất bán. Trung bình mỗi tháng anh xuất ra thị trường từ 250-300 con giống. Với giá bán 500.000 đồng/đôi giống, doanh thu mỗi tháng khoảng 75 triệu đồng, trừ chi phí anh thu lãi 50 triệu đồng. 

Thị trường mà anh Lê Đỗ Chinh xuất bán gà rừng phủ sóng toàn quốc, nhiều nhất vẫn là một số tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên. Ngoài bán gà rừng giống, mỗi tháng tại trang trại của anh cũng có một số đơn đặt hàng loại gà rừng cảnh, với giá bán từ 1,2-1,6 triệu đồng/con. Tuy nhiên, theo anh Chinh, số lượng gà cảnh bán ra không đáng kể.

Khác với gà rừng tai đỏ ở miền Bắc, đây là giống gà rừng tai trắng, lông đỏ ngũ sắc.
Khác với gà rừng tai đỏ ở miền Bắc, đây là giống gà rừng tai trắng, lông đỏ ngũ sắc.

Nói về dự định tương lai, anh Lê Đỗ Chinh mong muốn sẽ mở rộng thêm diện tích trang trại và đặc biệt là đưa được giống gà này đến những người nuôi gà để lan tỏa hơn nữa sự hiệu quả kinh tế của gà rừng hơn hẳn so với gà ta. 

Theo ông Nguyễn Hữu Hồng – Chủ tịch Hội nông dân phường Đông Cương, mô hình nuôi gà rừng của anh Chinh là mô hình hoàn toàn mới, độc đáo và lạ nhất từ trước đến nay ở địa phương. Từ khi anh Chinh thuần chủng được giống gà này thì hiệu quả kinh tế đưa về cao hơn rất nhiều so với các mô hình khác.

“Anh Lê Đỗ Chinh là gương làm kinh tế điển hình ở địa phương trong những năm vừa qua. Chúng tôi vẫn thường xuyên khuyến khích người dân học hỏi kinh nghiệm từ mô hình này”, ông Nguyễn Hữu Hồng cho hay.

Thanh Tùng

Tags:
Bài mới
Đọc nhiều